Nhiều vụ tai nạn giao thông do người dân đốt đồng ven đường
Chiều 26/2, xe tải biển số Kiên Giang chạy trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hướng đi Cần Thơ, khi đến địa phận thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành bị khói đốt đồng che khuất tầm nhìn, đã đâm vào đuôi ô tô 7 chỗ đi phía trước khiến xe này văng xuống ruộng.
May mắn vụ tai nạn không gây thương vong. Theo người dân lưu thông trên cao tốc thời điểm này, đoạn khói đốt đồng bay lên đường cao tốc kéo dài khoảng 100m, kèm gió lớn khiến các phương tiện tham gia giao thông rất khó quan sát.
Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi do ảnh hưởng của khói khi người dân đốt đồng.
Hai năm trước, trên cao tốc này cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 7 ô tô do khói đốt đồng khiến nhiều phương tiện hư hỏng.
Trước đó, năm 2018, tại tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 10 xe ô tô cũng do nguyên nhân trên khiến 4 người bị thương.
Theo các tài xế, vào mùa thu hoạch lúa của người dân, họ bị ám ảnh khi đi trên các tuyến cao tốc trên do khói theo gió bay vào khu vực đường cao tốc làm cản trở tầm nhìn.
Lái xe thế nào để an toàn?
Anh Anh Tú, chủ kênh Youtube "Xe đầu kéo - Vlog" cho biết, anh từng gặp tình huống trên nhiều lần trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
"Đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm, thường xảy ra sau mùa gặt hái, khói đốt từ đồng ruộng theo gió tạt vào khu vực các tuyến đường, không chỉ riêng cao tốc khiến tầm quan sát của các phương tiện bị hạn chế, rất dễ gây va chạm, tai nạn giao thông", anh Tú nói.
Theo anh Tú, để đảm bảo an toàn trong trường hợp này, lái xe cần ngay lập tức bật đèn cảnh báo khẩn cấp để tăng sự chú ý đối với các xe di chuyển phía sau, đồng thời, giảm tốc độ từ từ khi đi vào khu vực có khói, chú ý quan sát để có thể xử lý tình huống kịp thời.
Đồng quan điểm, ông Bùi Bộ (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương) với khoảng 20 năm kinh nghiệm dạy lái xe cho biết, khi đi vào khu vực có khói hoặc sương mù làm hạn chế tầm nhìn của lái xe, tài xế cần bật đèn cảnh báo khẩn cấp, đi với tốc độ chậm, đúng làn đường, phần đường của mình và đặc biệt phải giữ khoảng cách xa hơn so với quy định để đảm bảo có thể phát hiện các tình huống phía trước và xử lý kịp thời trước khi va chạm có thể xảy đến.
"Theo quy định, khi mặt đường khô ráo, phương tiện lưu thông với tốc độ đến 60km/h thì đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 30m; tốc độ trên 60km/h đến 80km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 50m; tốc độ trên 80km/h đến 100km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m; tốc độ trên 100km/h đến 120km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 90m.
Với tình huống gặp khói trên đường, tài xế cần giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước xa hơn so với quy định trên. Thông thường đoạn đường bị ảnh hưởng không quá dài nên lái xe cần kiên nhẫn di chuyển chậm, bám theo xe phía sau chờ đến khi ra khỏi khu vực mất an toàn để lưu thông bình thường. An toàn hay không lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người lái xe", ông Bộ chia sẻ thêm.
Theo ông Bộ, lái xe trên đoạn đường gặp khói cũng tương tự như di chuyển trên đường bị sương mù.
Do đó, tài xế cũng cần tuân thủ khuyến cáo của Cục CSGT khi điều khiển phương tiện bên cạnh giữ khoảng cách giữa các xe với nhau, đi đúng làn đường, phần đường của mình còn cần đều chân ga, sử dụng phanh hợp lý không ga dồn, không phanh gấp và đặc biệt không được đánh lái đột ngột để giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, tập trung quan sát, lắng nghe âm thanh của xe cộ lưu thông trên đường khi không thể nhìn được để phán đoán tình huống tốt hơn. Đặc biệt, cần phải giữ tốc độ trong giới hạn cho phép, luôn chấp hành tốt các quy định về đảm bảo an toàn giao thông và bình tĩnh xử lý các tình huống bất thường xảy ra. Đặc biệt, không nên vượt khi lái xe trong sương mù hoặc khói dày đặc.
Quá trình lái xe nên tận dụng lề đường và vạch sơn kẻ đường cũng như các biển báo giao thông để định hướng. Tuyệt đối không được dừng xe giữa đường, nếu cần thiết phải dừng đỗ nên tìm những khu vực rộng rãi, tránh tuyến đường giao thông và đừng quên bật đèn cảnh báo nguy hiểm.
"Những năm gần đây trên phạm vi cả nước, sau khi thu hoạch lúa, người nông dân thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc này không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, hạn chế tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông.
Hành vi đốt cỏ gây khói bụi ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt từ 1-2 triệu đồng về hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng", luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Hà Nội).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận