Thủ tướng Anh David Cameron |
Nước Anh đang đứng trước một tình huống tiến thoái lưỡng nan khi cân nhắc về việc đi hay ở trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi giành được “quy chế đặc biệt” tại tổ chức này theo Reuters ngày 21/2.
Trước đó, hôm 20/2, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về địa vị thành viên của nước này trong Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6 tới. Tuyên bố này được xem là khởi đầu cho một chiến dịch lộ ra những rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền. Về phần mình, Bloomberg dẫn lời ông Cameron rằng: “Sự lựa chọn đang nằm trong tay các bạn, nhưng đề xuất của tôi là rõ ràng. Tôi tin là nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn, và tốt hơn trong một EU được cải tổ”.
Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove là một trong những bộ trưởng đứng vào phe muốn ra khỏi EU. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh Sajid Javid, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Theresa May, Bộ trưởng Bộ Y tế Jeremy Hunt và Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế Justine Greening cũng đã ra tuyên bố ủng hộ Anh tiếp tục ở trong EU.
Xét ở một số góc độ, việc rời khỏi EU có thể giúp Anh tiết kiệm ngay khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách EU; thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời nước này sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu...
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích trên, thị trường tài chính London có nguy cơ trở thành “đất thánh” của đầu cơ tài chính, đồng nghĩa với việc vương quốc Anh sẽ phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng lớn về chính trị cũng như kinh tế. Nông dân Anh sẽ không còn được hưởng hàng tỷ tiền trợ giá của EU. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp Anh phải đóng thuế nhập khẩu cao nếu họ muốn bán các sản phẩm của mình trong EU. Anh cũng sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở vị trí yếu thế hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận