Học sinh trường Tiểu học Phước Tân băng qua đường Đinh Quang Ân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) trước giờ vào lớp |
Buông lỏng quản lý xe đạp, xe máy điện
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Xuân Bình, Phó chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, năm 2015, TNGT ở Hà Nội liên quan tới trẻ em tăng mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số trẻ bị chết và số trẻ bị thương. Trong đó, học sinh THPT được xác định là đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất. Bằng chứng là 90% các vụ TNGT của trẻ em trong 3 năm gần đây liên quan đến học sinh THPT.
Theo ông Bình, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT liên quan đến học sinh THPT là đi sai phần đường, vi phạm tốc độ, thiếu quan sát. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là theo khảo sát của TP Hà Nội, gần 60% học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện làm phương tiện di chuyển thông dụng. Theo tính toán, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT liên quan đến xe máy điện và xe đạp điện.
"Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện, các tiết học về ATGT đã đưa vào chương trình học. Tuy nhiên, một số học sinh chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng tham gia giao thông dẫn đến không xử lý được các tình huống có nguy cơ mất ATGT trong môi trường giao thông hỗn hợp”. Ông Nguyễn Văn Thạch |
“Xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường”, ông Bình nói và cho rằng, xe máy điện, xe đạp điện không đảm bảo ATGT cho các em học sinh, bởi tốc độ lên tới 50km/h, trọng lượng xe rất nhẹ nên điều khiển không dễ và va chạm sẽ gây ra hậu quả nặng nề.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, tới đây các cơ quan chức năng cần thiết phải thay đổi phương thức quản lý loại hình phương tiện này để giảm thiểu nguy cơ TNGT đang gia tăng ở mức đáng báo động. “Việc quản lý hiện nay còn không ít bất cập. Đơn cử, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không cần chứng chỉ chuyên môn mà chỉ cần hiểu về luật giao thông. Điều đó đã dẫn đến những khó khăn nhất định cho các lực lượng thực thi pháp luật trong vấn đề kiểm soát thông tin phương tiện, xử lý vi phạm trên đường (vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm,..). Từ đó, làm xuất hiện tâm lý coi thường pháp luật, tham gia giao thông một cách bất chấp của học sinh”, ông Thạch nói.
Cũng theo ông Thạch, để hạn chế hiểm họa từ xe đạp điện, xe máy điện đối với học sinh, điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước cần thay đổi quy định liên quan đến việc kiểm soát xe điện trong quá trình sửa đổi Luật GTĐB; yêu cầu xe máy điện, xe đạp điện phải đăng ký đúng tiêu chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn mới cho lưu hành.
Trang bị kiến thức ATGT cho trẻ em vẫn bỏ ngỏ
Ông Hoàng Hải Bình, Chánh văn phòng Ban ATGT Hưng Yên cho biết, công tác giáo dục pháp luật TTATGT cho học sinh là yêu cầu cấp thiết, phải được biên soạn thành môn học phù hợp với từng lứa tuổi, phù hợp với nhận thức, kỹ năng điều khiển phương tiện. “Việc học sinh chưa có GPLX nhưng gia đình lại để các em điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định... thuộc trách nhiệm của gia đình với con em mình”, ông Bình nói.
Đưa ý kiến về giải pháp, ông Bình cho rằng, đối với học sinh phải được trang bị kiến thức, pháp luật ATGT bằng giáo trình, cho phép lồng ghép ngay với bộ môn giáo dục công dân hoặc kỹ năng sống hiện đang có trong khối kiến thức các cấp học của học sinh.
Đối với nhà trường, hiệu trưởng phải coi trọng việc học sinh đến trường và về nhà an toàn như thế nào? Trả lời được câu hỏi này, học sinh toàn trường sẽ tham gia giao thông an toàn. Mỗi hiệu trưởng có cách truyền đạt chỉ đạo của mình để các lớp, các cán bộ Đoàn trường triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục, giám sát, thưởng phạt đối với học sinh, từ đó từng bước nâng cao ý thức của các em. Do đó, gắn trách nhiệm của hiệu trưởng với đánh giá thi đua của cá nhân, của trường đối với Sở Giáo dục và Đào tạo của địa phương.
Với trách nhiệm gia đình, hiện chưa có chế tài, quy định pháp luật xử lý gia đình. Vì vậy, trước mắt chỉ đánh giá được “Gia đình văn hóa” tại cơ sở. Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm các thành viên gia đình trong giáo dục nội bộ, ngoài việc xử phạt người giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi điều khiển (đã có quy định) cần phải nâng cao hiệu quả bằng giải pháp. Gia đình phải gánh tiếp trách nhiệm cho người thứ ba theo hướng xử phạt cao gấp 3 lần quy định mà chủ phương tiện phải chi trả.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Bộ GD&ĐT đã quy định coi việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của học sinh là một tiêu chí đánh giá kết quả học tập tại các trường học. Để quản lý, đảm bảo ATGT cho học sinh, gần đây Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phổ biến và tổ chức ký cam kết với phụ huynh học sinh về việc phải đội MBH cho con em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện. Ngay từ đầu năm học, các trường phải tổ chức triển khai ký cam kết với cha mẹ học sinh không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết học sinh phải đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy.
“Với học sinh vi phạm, bị công an thông báo về trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đều có hình thức xử lý. Tuỳ mức độ sẽ phê bình trước lớp, trường (vi phạm lần 1), viết kiểm điểm, mời phụ huynh lên trao đổi (lần 2) và tái phạm nhiều lần sẽ hạ hạnh kiểm một tháng, một kỳ. Trường nào để công an thông báo có nhiều học sinh vi phạm sẽ bị đánh giá thi đua”, ông Thống nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận