Mở giúp tài khoản, được trả công tiền tỷ
Đầu tháng 9/2024, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử các bị cáo Võ Tiến Trình (SN 1989, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) và Võ Quốc Toàn (SN 1992, ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trong vụ án trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm hưởng lợi bất hợp pháp.
Vụ án này được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát giác trong quá trình giám sát thị trường, phát hiện một số giao dịch bất thường có liên quan đến nhiều tài khoản nhưng lại sử dụng chung một địa chỉ IP tại Hồng Kông (Trung Quốc) để đặt lệnh giao dịch chứng khoán.
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an làm rõ, Trình vốn quen người đàn ông có tên Wang Yong Quan Wilfred (quốc tịch Singapore), làm việc cho Công ty Mamoru Việt Nam, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) và chứng khoán.
Đầu năm 2021, Wilfred nhờ Trình mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để giúp Công ty Mamoru có thể giao dịch đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số. Thấy Trình nhận lời, phía Mamoru đồng ý trả thù lao bằng tiền điện tử, với khoảng 800 USDT/tháng (USDT có giá trị tương đương USD).
Trình đồng ý nên đi mua sim và điện thoại, rồi đến ngân hàng mở tài khoản cá nhân, đăng ký dịch vụ internet banking bằng số điện thoại mới, đồng thời lập tài khoản trên sàn giao dịch tiền kỹ thuật số. Sau đó, bị cáo chuyển thông tin tài khoản, mật khẩu cho Wilfred để Công ty Mamoru sử dụng.
Tháng 7/2021, Wilfred tiếp tục nhờ Trình đứng tên thành lập công ty, mở thêm các tài khoản chuyển cho Công ty Mamoru và cam kết tiền thù lao cho Trình tăng thêm khoảng 400 USDT/tháng. Bị cáo tiếp tục đồng ý làm theo chỉ dẫn của người bạn ngoại quốc, sau đó chuyển thông tin tài khoản cho Wilfred sử dụng.
Bẵng đi một thời gian, cuối năm 2021, Trình tò mò, muốn biết các tài khoản mình cho thuê hoạt động ra sao nên tới ngân hàng để sao kê. Khi biết các tài khoản này giao dịch khoảng 240 tỷ đồng chỉ trong vài tháng, bị cáo lo lắng song không ngăn chặn, mà tiếp tục cho Wilfred mượn thông tin.
Thậm chí, Trình còn ký hợp đồng làm việc cho Công ty Mamoru với mức lương hơn 45 triệu đồng/tháng. Công việc chính là đi mượn thông tin cá nhân của người thân, bạn bè để mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, tài khoản tiền kỹ thuật số.
Mờ mắt vì tiền
Hội đồng xét xử làm rõ, Trình đã mở 64 tài khoản chứng khoán, 64 tài khoản ngân hàng và được trả công 3,3 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Trình hưởng lợi bất chính hơn 2,9 tỷ đồng.
Khi Trình nghỉ việc tại Công ty Mamoru, bị cáo Võ Quốc Toàn được thuê làm các công việc mà Trình từng thực hiện. Tổng cộng, Toàn đã lập 16 tài khoản chứng khoán, 16 tài khoản ngân hàng để cho Mamoru sử dụng, Toàn được hưởng lợi 377 triệu đồng.
Sau khi đánh giá mức độ hành vi, tòa sơ thẩm tuyên phạt Trình mức án 4 năm tù, Toàn 30 tháng tù giam.
Trước đó, Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Nghĩa (SN 1989) để điều tra về những thủ đoạn mà Nghĩa sử dụng như 2 bị cáo nêu trên.
Nghĩa khai được một phụ nữ tên Ngọc (sinh sống tại Philippines) liên lạc qua Telegram nhờ mở các tài khoản ngân hàng. Thấy đối phương trả công hậu hĩnh 100 USD/tài khoản/tháng, Nghĩa làm theo hướng dẫn của Ngọc, đăng ký tài khoản tại 3 ngân hàng.
Nhận được nhiều tiền thù lao, Nghĩa mượn thêm giấy tờ tùy thân của nhiều người quen, mở thêm các tài khoản nhà băng để chuyển cho Ngọc sử dụng mà không biết rằng, anh ta đã tiếp tay cho tội phạm.
Từ tháng 11/2022 - 4/2023, Nghĩa đã giúp người phụ nữ này mở 9 tài khoản ngân hàng, tổng số tiền chuyển qua các tài khoản này là hơn 978 tỷ đồng. Đổi lại, Nghĩa hưởng lợi từ 60 - 70 triệu đồng/tháng.
Cảnh giác với những lời mời gọi
Theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an), hiện nay tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang là vấn nạn của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
"Trước đây, tội phạm sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội thì nay, chúng chuyển sang sử dụng tài khoản doanh nghiệp. Thủ đoạn này không mới và đã được A05 cảnh báo từ lâu", đại diện cơ quan này thông tin.
Để thực hiện các chiêu trò phạm tội, kẻ gian lập những doanh nghiệp ảo (như tình tiết được nêu trong vụ án liên quan các bị cáo Võ Tiến Trình và Võ Quốc Toàn) và sử dụng tài khoản doanh nghiệp để dễ dàng tạo lòng tin cho người dân.
Nhà đầu tư thấy tài khoản doanh nghiệp thì cho rằng, đó là hợp pháp và đầy đủ tính pháp lý, nên có thể chuyển tiền hoặc thực hiện giao dịch mà không đề cao cảnh giác.
Bên cạnh đó, tội phạm trên không gian mạng cũng thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện các giao dịch chuyển và nhận tiền, sau đó lợi dụng thông tin tài khoản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền.
Chuyên gia về an ninh mạng phân tích, thông thường các đối tượng sẽ đăng tin cần mua bán, thuê tài khoản ngân hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Telegram, Zalo, Facebook…) hoặc len lỏi vào những hội, nhóm chuyên làm việc này. Sau khi có được thông tin do chủ tài khoản cung cấp, bao gồm cả mật khẩu và sim điện thoại, kẻ lừa đảo sẽ thay đổi mật khẩu và toàn quyền sử dụng các tài khoản đó.
Về phía nạn nhân, nhiều trường hợp không biết tài khoản mà mình mở tại các ngân hàng được kẻ gian sử dụng ra sao, bởi sim điện thoại và mật khẩu đã bàn giao cho các đối tượng.
Chuyên gia của Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tự giác bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, tuyệt đối không chia sẻ, cho thuê, cho mượn hay cung cấp các thông tin này cho người khác; cảnh giác, không tiếp nhận bất kỳ lời mời gọi tham gia đầu tư, kiếm tiền nào mà có liên quan đến tài khoản nhà băng.
Theo Bộ Công an, tội phạm mạng là vấn đề nhức nhối song việc triệt phá gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thường dùng thủ đoạn mới. Bên cạnh đó, chúng không chỉ hoạt động trong nước mà có sự liên kết với đối tượng ở nước ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận