Ngày 21/3, thông tin từ Sở GTVT Ninh Bình cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng tham gia ý kiến đánh giá, đề xuất giải pháp liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý thi công và hợp đồng xây dựng các dự án giai đoạn I, giai đoạn II thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư đã khánh thành, đi vào hoạt động từ đầu năm 2022
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Minh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT Ninh Bình cho biết: Dự án cao tốc đoạn Cao Bồ - Mai Sơn thuộc 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Sở GTVT tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư được khởi công vào cuối năm 2019 và đưa vào khai thác, sử dụng đầu năm 2022.
Trong quá trình thực hiện dự án, Sở GTVT Ninh Bình cũng đã phát hiện ra nhiều bất cập đối với dự án trọng điểm quốc gia này. Sau khi có văn bản của Bộ Xây dựng, Sở GTVT đã cùng các ngành khảo sát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình. Theo đó, tỉnh Ninh Bình đã tham gia, đóng góp ý kiến về một số giải pháp rút ra từ thực tế khi triển khai dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn. Trong đó, có nhiều vấn đề bất cập nên cần phải có điều chỉnh, bổ sung thêm quy định, cơ chế đặc thù đối với dự án trọng điểm.
Cụ thể, đối với việc quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý thi công và hợp đồng xây dựng. Theo khoản 7 Điều 67 của Luật Đấu thầu có nêu “Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng mà không làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận, thống nhất việc điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Tuy nhiên, theo điểm c khoản 3 Điều 143 của Luật Xây dựng có nêu “Khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép”.
Để có cơ sở thực hiện, đảm bảo theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tỉnh Ninh Bình đề nghị hướng dẫn cụ thể việc thực hiện gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng không làm kéo dài thời gian thực hiện dự án thì thẩm quyền thuộc về Chủ đầu tư hay người quyết định đầu tư cho phù hợp.
Hiện nay, tỷ lệ chi phí quản lý dự án của đơn vị thực hiện công tác quản lý dự án còn thấp nên cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với khối lượng công việc thực tế phải quản lý, điều hành dự án. "Mình áp dụng các quy định hiện hành vào làm thì thấy vướng. Chi phí thấp nhưng khối lượng công việc lại lớn, nhà thầu kêu nhưng bắt buộc mình phải làm, phải chấp hành vì đã quy định. Ví dụ như việc lắp dựng dầm Super - T bằng cần cẩu thì hiện nay, định mức đưa ra rất thấp, chỉ bằng 30 - 40%. Nhà thầu đưa cẩu đến chi phí mất 15 triệu đồng nhưng theo quy định của Bộ Xây dựng thì chỉ được 5 triệu đồng", ông Minh cho biết thêm.
Đối với định mức xây dựng, liên quan đến công tác thi công mặt đường bê tông xi măng bằng máy rải SP500 thì cần bổ sung định mức vận chuyển bê tông từ trạm trộn đến máy rải. "Thường thì dùng xe ô tô tải để vận chuyển bê tông nhưng trong quy định không chi phí cho việc vận chuyển nên phải vận dụng sang định mức vận chuyển bằng cấp phối xi măng nên rất khó làm. Việc linh hoạt vận dụng sẽ khó khăn cho việc lập và thẩm định quản lý chi phí đầu tư. Việc đóng góp ý kiến xuất phát từ việc triển khai công việc thực tế để các Bộ ngành xem xét có điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống định mức, các văn bản quản lý chi phí đầu tư", ông Minh cho biết thêm.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng có ý kiến Bộ Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh định mức đắp đất lề đường phải tính phần đắp ép dư sau đó gọt đi để đảm bảo độ chặt của nền đường và mái taluy. Xây dựng bổ sung một số định mức như: Định mức cóc nối cọc khoan nhồi; định mức lắp đặt và vận chuyển cấu kiện đúc sẵn >200kg; định mức phá đá bằng bột nở kết hợp búa căn và định mức ván khuôn trong của dầm Super-T; định mức về sản xuất, lắp đặt, thi công hệ thống an toàn giao thông.
Riêng về phần vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng có ban hành định mức sử dụng vật liệu polymer chống sụt thành lỗ khoan, thành cọc Barrette. Tuy nhiên, loại vật liệu này chưa được áp dụng phổ biến trong thi công cọc khoan nhồi và cọc barrette, do vậy đề nghị ban hành hướng dẫn và phạm vi áp dụng đối với từng loại địa chất công trình để triển khai thi công các công trình xây dựng cho phù hợp.
Trong trường hợp địa phương nơi dự án đi qua không cung cấp đủ loại vật liệu đất đắp nền đường theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt thì cần có cơ chế chính sách thay thế biện pháp đắp đất nền đường bằng loại vật liệu khác đảm bảo đủ cung cấp vật liệu cho các dự án. Nếu vẫn dùng vật liệu đất, các mỏ vật liệu khai thác nên giao trực tiếp cho nhà thầu thi công để chủ động trong việc khai thác, vận chuyển đến công trình và thuận lợi cho việc quản lý giá thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận