Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 6/8 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Tin tức mới nhất dịch Covid-19 ngày 6/8/2021, Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 18h30 ngày 6/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.315 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 4.311 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 1.497 ca.
Cập nhật tin tức dịch Covid-19 TP.HCM mới nhất
Theo đó, trong ngày 6/8, cả nước ghi nhận 8.324 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.320 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 4.060 ca.
Tính đến chiều ngày 6/8, Việt Nam có 193.381 ca nhiễm trong đó có 2.338 ca nhập cảnh và 191.043 ca mắc trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 189.473 ca, trong đó có 59.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
518 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Chiều 6/8 Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận thêm 296 ca tử vong (2721-3016) tại 17 tỉnh, thành phố, nhiều nhất là tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 05-06/8: 219 ca tiếp đến Long An từ ngày 03-06/8: 20 ca; Đồng Nai từ ngày 01-05/8: 14 ca…
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 140.376 xét nghiệm cho 393.599 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.861.784 mẫu cho 19.403.096 lượt người.
Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 8.061.116 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều.
Lô thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên đã về đến Tân Sơn Nhất
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, lô thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đầu tiên trong số 500.000 lọ Tập đoàn Vingroup đặt mua đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh tối 5/8.
Ngày 6/8, Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng Hội đồng chuyên môn sẽ tiến hành họp để đưa bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup vừa đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt - 500.000 thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép.
Toàn bộ số thuốc 500.000 lọ này sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19
Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22/10/2020.
Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Với 500.000 lọ, số thuốc trên có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 đến 100.000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.
Liên quan đến thuốc này, tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với hơn 700 điểm cầu diễn ra ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngay khi Remdesivir về Việt Nam sẽ dùng luôn để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, kể cả bệnh nhân trung bình.
Ngoài ra, sắp tới Việt Nam sẽ nhập thêm một số thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19.
Một bác sĩ đang tư vấn sức khỏe từ xa cho bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM. (Ảnh: Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cung cấp)
Thêm đường dây nóng tư vấn chăm sóc F0 tại nhà ở TP.HCM
F0, F1 tại TP HCM từ ngày 5/8 có thể gọi đến đường dây nóng 0939.596.999 mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để được tư vấn chăm sóc sức khỏe. Đường dây nóng chính thức hoạt động từ ngày 5/8, do mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tư vấn.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19, đã triển khai thí điểm từ ngày 1/8 tại TP.HCM. Các tình nguyện viên mạng lưới chủ động gọi điện chăm sóc, sàng lọc nguy cơ cho các F0, F1 thông qua hai đầu số là 1022 và 1800.1119.
Sau ba ngày hoạt động, 2.071 y bác sĩ là tình nguyện viên thuộc mạng lưới đã thực hiện hơn 42.000 cuộc gọi tư vấn, tiếp cận 49.681 F0 và F1, trong đó có những gia đình nhiều người mắc bệnh. Gần 500 bệnh nhân đang có triệu chứng nhưng cách ly ở nhà đã được các bác sĩ hướng dẫn y tế và theo dõi sức khỏe từ xa. 245 trường hợp diễn tiến nặng được các bác sĩ thông tin, phối hợp với y tế địa phương đưa bệnh nhân đi cấp cứu và chuyển viện.
Theo Sở Y tế, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm và nghi nhiễm tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế. Bên cạnh đó, những trường hợp mới nhiễm hoặc biết mình có nguy cơ nhiễm tỏ ra hoang mang, lo lắng, cần được tư vấn và hỗ trợ y tế.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành giúp hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho người nhiễm và nghi nhiễm, hỗ trợ y tế địa phương sàng lọc các trường hợp thật sự cần được chăm sóc y tế, cảnh báo cho hệ thống phản ứng nhanh và hệ thống cấp cứu 115 những F0 nguy cơ cao cần được chuyển đến bệnh viện khẩn cấp.
5 đối tượng chính được mạng lưới tập trung hỗ trợ là F0 cần hỗ trợ khẩn cấp; F0 chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải); F0 có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; F1 có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; F1 nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19.
Xác định đây là mô hình "mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và khả thi" trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế chủ động phối hợp mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, để hỗ trợ người mắc Covid-19. Tổ Covid-19 cộng đồng tiếp nhận thông tin từ mạng lưới, rà soát thực tế các trường hợp nguy cơ cao.
Các tổ phản ứng nhanh địa phương, Trung tâm Cấp cứu 115 và tổ điều phối chuyển bệnh nhân Covid-19 tiếp nhận cảnh báo từ mạng lưới về F0 nguy cơ cao cần nhập viện, để ưu tiên điều phối và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện cấp cứu.
Các bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 của quận, huyện tiếp nhận bệnh nhân đã được mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và tổ Covid-19 cộng đồng khám sàng lọc, xác định thuộc nhóm nguy cơ cao.
Chợ đầu mối Bình Điền.
Ổ dịch COVID-19 tại chợ Bình Điền TP.HCM đã được kiểm soát
Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến hết ngày 5/8, ổ dịch COVID-19 liên quan chợ Bình Điền đã 11 ngày không ghi nhận ca mắc mới, ổ dịch này cơ bản được kiểm soát.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tổng cộng 966 người mắc COVID-19 liên quan chợ Bình Điền. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Bệnh viện Nguyễn Trãi hôm 16/6 là công nhân bốc xếp cá tại chợ này. Bệnh nhân có địa chỉ tại đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1.
Từ 17/6 đến 4/7, ngành y tế ghi nhận thêm 57 ca mắc COVID-19 tại khu vực chợ Bình Điền, gồm tiểu thương, người làm việc trong chợ, người nhà, người tiếp xúc gần, người đi đến chợ.
Từ 4/7 đến 9/7, TP.HCM triển khai xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho toàn bộ người ở chợ Bình Điền, chợ Nhị Thiên Đường và hợp tác xã Tiên Tiến. Kết quả ghi nhận 712 người test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Sau khi xét nghiệm khẳng định bằng PCR, kết quả 596 người dương tính, 8 mẫu âm tính.
Ngày 7/7, ngành y tế tiếp tục test nhanh cho 3.015 người ở khu phong tỏa thuộc khu phố 6, phường 7, quận 8 và ghi nhận 329 ca test nhanh dương tính. Sau khi xét nghiệm PCR mẫu đơn, kết quả khẳng định 234 người dương tính.
Ngày 17/7, thêm 3 ca liên quan chợ Bình Điền được ghi nhận qua xét nghiệm giám sát cộng đồng và qua sàng lọc tại bệnh viện.
Ngày 25/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận thêm 12 ca dương trong khu phong tỏa liên quan khu chợ này.
Các khu vực liên quan khu chợ Bình Điền đều đã được phong tỏa và giám sát chặt. Danh sách các ổ dịch đang hoạt động tại TP.HCM của HCDC cũng loại bỏ chợ Bình Điền.
Chợ đầu mối Bình Điền chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Đây được xem là chợ đầu mối có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, với tổng diện tích là 65ha, gồm 7 nhà lồng, 2 nhà kho, các bãi đậu xe và các công trình phụ trợ khác.
TP.HCM gửi văn bản khẩn "xin" phân bổ thêm 5,5 triệu liều vaccine
TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ đề nghị phân bổ thêm 5,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân trong tháng 8 (gồm 4,5 triệu liều mũi 1 và 1 triệu liều mũi 2).
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, thành phố cũng đề nghị người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine nào thì nên tiêm mũi 2 bằng vaccine đó. Riêng trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, nếu người tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca đồng ý thì có thể phối hợp tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer.
Trước thực trạng hoang mang, lo lắng và cần được hỗ trợ y tế của các ca nhiễm mới COVID-19 hoặc có nguy cơ nhiễm, TP.HCM đã thành lập mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thông qua đường dây nóng 093.95.96.999, để hướng dẫn, tư vấn cũng như hỗ trợ sàng lọc các trường hợp cần được chăm sóc y tế.
Theo đó, các bệnh viện điều trị COVID-19, các khu cách ly F0 của quận, huyện và các bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận các trường hợp đã được mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" và tổ COVID-19 cộng đồng khám sàng lọc, đánh giá, xác định thuộc nhóm nguy cơ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận