Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Báo Giao thông điện tử, trên fanpage của Báo Giao thông, Anninh24h...
Sáng 17/3, tại trụ sở Báo Giao thông diễn ra buổi Tọa đàm trực tuyến "Đi lại trong mùa dịch: Làm gì để tránh lây nhiễm?".
Các khách mời tham dự tọa đàm gồm: PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự cố y tế công cộng; Bà Nguyễn Thị Hồng Dung - Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT; Ông Tô Tử Hà - PGĐ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ACV; Ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Trung tâm Điều hành Tổng công ty Vận tải Hà Nội; Ông Nguyễn Thanh Tùng - TGĐ Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên;
Bà Nguyễn Nga, Phó Tổng biên tập Báo Giao thông điều phối các câu hỏi của độc giả tới các khách mời.
BTV: Kính thưa quý vị, hôm nay chúng tôi buộc phải bố trí khoảng cách khá lớn giữa các khách mời và thay việc mời báo chí đến dự tọa đàm bằng tường thuật trực tiếp trên Báo Giao thông điện tử và livestream toàn bộ chương trình trên các fanpage anninh24h, Báo Giao thông...
Việc họp online đã trở nên bình thường ở các cơ quan công sở cho thấy dịch Covid-19 đang khiến nhiều thứ xung quanh chúng ta thay đổi nhanh chóng. Và một trong số đó là thói quen khi tham gia giao thông.
Thưa quý vị, tâm lý chung của người dân trong những ngày này là vô cùng lo lắng mỗi khi có việc phải ra đường, buộc phải tham gia giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng, bao gồm cả xe khách, taxi, xe buýt, máy bay…
Vậy cần làm gì để đi lại trong mùa dịch, hạn chế lây nhiễm virus là vấn đề đang được nhiều người quan tâm và cũng là chủ đề mà các khách mời dự Tọa đàm trực tuyến hôm nay sẽ giải đáp.
"MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG" LÀ QUAN ĐIỂM SAI LẦM
BTV: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, ông có thể cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày đều cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19, hiện tổng số người mắc bệnh trên thế giới là 182.330 người, đã tử vong 7.142 người.
Tại sao có hiện tượng như vậy? Tôi cho rằng quan niệm và cách ứng xử trong việc giải quyết tình hình dịch bệnh giữa một số quốc gia có sự khác nhau.
Tại Trung Quốc, do lúc đầu chưa hình dung được dịch bệnh sẽ thế nào nên bị động và dẫn tới việc như đã xảy ra ở Vũ Hán. Nhưng Trung Quốc đã triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là việc phát hiện, cách ly và khoanh vùng nên đã dập được dịch, giờ chỉ lo chặn nguồn lây từ bên ngoài.
Trong khi đó Hàn Quốc là nước có nền kinh tế mạnh song lại không quản lý được hành vi của những người theo đạo và ứng phó của 1 số bệnh viện chưa tốt. Nhưng chúng tôi nhận định Hàn Quốc vẫn có thể khống chế được do nước này xét nghiệm để phát hiện các ca bệnh rất quyết liệt, phát hiện rất nhiều. Họ làm hàng triệu các xét nghiệm, phát hiện số ca mắc bệnh nhiều, nhờ đó số tử vong không cao.
Tại châu Âu, không ít quốc gia ban đầu quan niệm thả nổi, coi như Covid-19 cũng như bệnh cúm mùa, để miễn dịch cộng đồng tăng cao thì các ca lây nhiễm sẽ giảm, đây là quan niệm hết sức sai lầm và giờ châu Âu đã phải xét nghiệm, khoanh vùng.
Bệnh này có tỷ lệ tử vong 3-4% trên tổng số ca mắc nhưng chủ yếu rơi vào người mắc bệnh nền, người già.
Liên quan đến vấn đề đi lại, trước đây chúng ta chỉ khống chế Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng nay chúng ta đã phải khống chế với nhiều nước trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Malaysia, biên giới VN - Campuchia, Lào cũng không tránh khỏi do hiện nay nhiều người đi về qua các nước thứ ba.
Ở Việt Nam hiện đã phát hiện 61 trường hợp, chưa có tử vong nhưng tình hình phức tạp do liên quan đến các chuyến bay từ nước ngoài vào.
Có thể hình dung trong giai đoạn đầu việc lây lan dịch là từ ngoài vào, nhưng đến thời điểm này không thể không nghĩ tới phương án dịch đã lây lan trong cộng đồng rồi mà không biết.
Bởi chúng ta chỉ kiểm soát được những chuyến bay nào đã có ca bệnh dương tính. Còn những chuyến bay mà các hành khách trên đó chưa làm thủ tục cách ly, xét nghiệm thì đã vào nước ta rồi. Sau đó, khi phát hiện những ca dương tính thì mới quay lại điều tra các hành khách khác, lúc đó mới rà soát thì người bệnh đã tiếp xúc với người thân, với nhiều người khác…
NGÀNH GTVT CHỦ ĐỘNG "CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC"
Thưa bà Nguyễn Thị Hồng Dung, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, ngành GTVT đã có những giải pháp gì, kế hoạch triển khai thế nào để thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh?
Bà Nguyễn Thị Hồng Dung - Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT, Bộ GTVT: Kể từ khi có dịch, Bộ GTVT đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách.
Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp do nCoV của Bộ GTVT dưới sự chủ trì của Trưởng Ban - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội ý nắm bắt tình hình triển khai hoạt động phòng, chống dịch của các Tổng cục, Cục, Vụ và trong toàn ngành GTVT.
Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quan trọng như hạn chế các chuyến bay tới vùng có dịch; Hạn chế người về từ vùng dịch; tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu...
Phía ngành GTVT, các Cục Hàng không, Đường sắt, Tổng Cục đường bộ VN... đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế, Biên phòng để tổ chức kiểm dịch y tế tại cửa khẩu (có máy đo thân nhiệt hành khách), bố trí phòng cách ly khách nghi nhiễm nCoV, phối hợp với y tế địa phương để có phương án xử lý kịp thời.
Nhà ga Nội Bài và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã xây dựng quy chế phối hợp, xử lý tình huống hành khách có dấu hiệu bị sốt trên máy bay, từ khâu đón khách, kiểm tra và cách ly; thu thập thông tin, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc và phun thuốc khử trùng máy bay...
Việc phun thuốc khử trùng tại tất cả các ga hàng không, bến tàu, bến xe, bến cảng, phun khử trùng các phương tiện (máy bay, tàu chở hàng, ô tô ...) đi về từ vùng có dịch cũng đều được tiến hành nhanh chóng. Việc trang bị xà phòng và nước rửa tay, nước sát khuẩn tay khô cho nhân viên phục vụ và hành khách cũng đều được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.
Ngoài việc tổ chức truyền thông liên tục về các biện pháp phòng chống dịch trên các phương tiện vận chuyển hành khách theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO, từ ngày 16/3, yêu cầu mọi hành khách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại tất cả các nơi tập trung đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Chỉ đạo ngành hàng không, các hãng hàng không phát miễn phí khẩu trang cho hành khách, yêu cầu khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và khi vào nhà ga.
VÌ SAO TAXI NÂNG NHIỆT ĐỘ DIỆT VIRUS, XE BUÝT LẠI MỞ CỬA TẮT ĐIỀU HÒA?
BTV: Trong khi nhiều hãng taxi nâng nhiệt độ trong xe để diệt virus Covid-19 thì các xe buýt Hà Nội lại mở cửa, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội, cách nào mới là đúng? Ông có thể cho biết những giải pháp phòng chống dịch của đơn vị trong giai đoạn này?
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng Trung tâm Điều hành, Tổng công ty Vận tải Hà Nội: Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang thực hiện theo đúng các nguyên tắc phòng chống dịch do Bộ Y tế hướng dẫn. Các xe buýt của Công ty được hướng dẫn chủ động tắt điều hoà, chỉ sử dụng hệ thống quạt gió, cố gắng mở các cửa thoáng để lưu thông không khí trong xe.
Với những trường hợp hành khách trên xe đông, không bật điều hoà dẫn đến ngột ngạt thì các xe của Tổng công ty sử dụng điều hoà trên 26 độ.
Cả hai cách làm này đều đúng và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
CHƯA CÓ CHẾ TÀI VỚI HÀNH KHÁCH KHÔNG THỰC HIỆN KHUYẾN CÁO
Ngoài ra, thực hiện phòng chống dịch, Transerco đã triển khai các biện pháp khử trùng phương tiện, cung cấp nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, các khẩu trang phát cho lái phụ xe vận hành trên tuyến.
Vận tải hành khách công cộng có đặc thù lượng hành rất đông, đến nay các chế tài xử phạt hành khách không thực hiện các khuyến cáo y tế không có nên chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở.
Transerco cũng đã tăng cường tuyên truyền cho lái phụ xe và đội ngũ này trực tiếp phát các tờ rơi hướng dẫn phòng chống bệnh cho hành khách.
Những ngày gần đây, lượng khách đi xe buýt có giảm?
Qua theo dõi, lượng khách có giảm, nhất là do lượng học sinh, sinh viên chưa đi học.
MỘT NGÀY ĐÓN 70 NGHÌN KHÁCH, CẢNG NỘI BÀI CHƯA CÓ AI LÂY NHIỄM
BTV: Đó là những giải pháp của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, vậy ngành hàng không đã làm gì để chống dịch những ngày qua?
Ông Tô Tử Hà – PGĐ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tổng công ty cảng hàng không VN: Ngành hàng không có lẽ là đơn vị tuyến đầu trong phòng chống dịch. Ngay từ trước Tết nguyên đán, khi có thông tin dịch từ Trung Quốc, các đơn vị hàng không đã có văn bản triển khai về phòng chống dịch. Căn cứ theo diễn biến của dịch, chúng tôi liên tục có phương án ứng phó, làm sao để đảm bảo an toàn tối đa.
Khu vực các cảng hàng không tập trung đông đảo người đi lại nhanh nhất, cũng là nơi giao thoa với nước ngoài rộng rãi nhất. Chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp khác nhau và tăng dần theo thời gian và diễn tiến của dịch.
Những ngày gần đây, lượng khách từ các vùng dịch trên thế giới đổ về các cảng quốc tế là rất lớn. Đầu tiên là Hàn Quốc, sau đó là khu vực châu Âu. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch của thành phố để tổ chức sàng lọc và cách ly khách từ vùng dịch.
Trên một chuyến bay có nhiều đối tượng khách khác nhau. Quy trình của chúng tôi ở Nội Bài là đầu tiên phải phân loại khách thông qua tờ khai y tế. Sau đó, cơ quan kiểm dịch sẽ đánh giá tờ khai, phân loại khách từ vùng dịch. Nếu khách có lỡ khai không đúng thì công an cửa khẩu của sẽ tầm soát trên hộ chiếu. Nếu phát hiện hành khách đó đã đi qua vùng dịch trong 14 ngày thì sẽ được cách ly.
100% khách đi qua cảng sẽ được kiểm tra thân nhiệt. Khách được đưa đi cách ly sẽ đi theo luồng riêng.
Với phương thức như vậy, cơ bản đến nay chúng ta đã khống chế, kiểm soát tương đối tốt với khách về từ vùng dịch. Một ngày, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đón trên dưới 70 nghìn khách. Với biện pháp quyết liệt, từ đầu mùa dịch đến giờ, chưa có cán bộ công nhân viên nào của cảng bị nhiễm Covid-19.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng khử trùng toàn bộ chuyến bay quốc tế về Việt Nam và các chuyến bay có hành khách biểu hiện sức khỏe bất thường. Đối với chuyến bay nội địa, VNA xịt khử trùng tại các vị trí hành khách thường tiếp xúc bằng tay như dây đai an toàn, ngăn hành lý, bàn ăn, các nút bấm và tai nghe... sau mỗi chuyến bay.
Nhiệt độ khoang máy bay được duy trì ở 260C theo khuyến cáo của chuyên gia để hạn chế sự tồn tại của virus.
Hiện nay, VNA đo thân nhiệt toàn bộ hành khách khởi hành từ châu Âu trước khi lên máy bay, phát khẩu trang miễn phí cho khách. Tiếp viên dùng khẩu trang chuyên dụng Nano 5 lớp, phi công dùng đồ bảo hộ riêng.
BTV: Các chuyến xe hợp đồng chở khách, xe đường dài thì ứng phó thế nào với dịch, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên: Với chúng tôi, an toàn phải đặt lên hàng đầu. Trên các chuyến xe đi, toàn bộ nhân viên, lái xe, nhân viên văn phòng đều phải đeo khẩu trang từ trước khi lên xe, chứ không phải lên xe mới đeo khẩu trang.
Ngoài ra, Công ty chúng tôi cũng là đơn vị phục vụ khách du lịch Hà Nội - Sa Pa, từ tháng 2, chúng tôi đã thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi đã trang bị và sắm thêm máy đo thân nhiệt để kiểm tra toàn bộ khách lên xe. Các khách có biểu hiện ho hay sốt đều được báo cáo cho các cơ quan y tế dự phòng.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, phụ trách y tế của Vietjet Air (VJA) cho biết các hãng hàng không trong đó có VJA đều áp dụng yêu cầu về công tác phòng chống dịch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Trước mỗi chuyến bay, toàn bộ máy bay VJ đều được vệ sinh, diệt khuẩn.
Sức khỏe phi hành đoàn được kiểm tra nghiêm ngặt. Ngoài ra, đại diện cảng hàng không, y tế, hải quan, xuất nhập cảnh đều tham gia vào quy trình kiểm soát người lên tàu bay.
LÀM GÌ KHI GẶP NGƯỜI NGHI NHIỄM COVID-19?
BTV: Hành khách nên làm gì để bảo vệ mình khi đến nhà ga, sân bay, bến xe…? Trường hợp phát hiện người có dấu hiệu nhiễm bệnh trên các phương tiện công cộng thì cần làm gì?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tham gia giao thông có cả người khỏe mạnh và người mang mầm bệnh. Chúng ta phải hiểu cơ chế của bệnh Covid-19 do virus thì lây theo đường hô hấp và qua việc bắn giọt nước bọt nhỏ li ti có chứa virus. Chúng ta giao tiếp trong khoảng cách gần dưới 2m là có thể hít vào.
Thứ hai, có tài liệu nói giọt đó quá nhỏ nên có thể bay lơ lửng trong không khí, nhưng sẽ tồn tại trong một thời gian không lâu, nên việc xe buýt nói mở cửa thoáng là điều kiện tốt để khuyếch tán mầm bệnh ra ngoài.
Vấn đề thứ 3, giọt li ti đó khi không lơ lửng trong không khí thì sẽ rơi xuống sàn phương tiện vận chuyển. Và tay của bệnh nhân đưa lên miệng mũi sẽ đem theo những virus rồi bàn tay đó sẽ bám vào các phần trong thiết bị vận tải, người bình thường sờ vào sẽ bị lây.
Cơ chế lây bệnh này khiến việc đi trên các phương tiện vận tải công cộng như taxi, xe buýt, máy bay, xe khách... dễ lây là như vậy.
Khi thấy hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh, chúng ta phải đeo khẩu trang y tế cho người đó, tay của bệnh nhân đó phải được sát khuẩn, khử trùng. Nếu bệnh nhân đó có quần áo bảo hộ cho mặc thì tốt nhưng nếu không, vẫn cho mặc quần áo bình thường rồi đến nhà ga gần nhất chuyển bệnh nhân đó lên 1 xe y tế riêng đưa đến cơ sở y tế có đủ điều kiện xét nghiệm, cách ly.
Hiện các địa phương đều có sẵn xe và chúng ta chỉ cần liên hệ số đường dây nóng là sẽ chuyển được bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp.
Nếu bệnh nhân đó dương tính chúng ta phải tổ chức cách ly cho toàn bộ người trên phương tiện vận tải đó, bố trí việc khử khuẩn cho phương tiện để không lây nhiễm cho hành khách những chuyến sau.
CÓ NÊN ĐI LẠI THỜI ĐIỂM NÀY?
BTV: Hiện nay người dân đang rất quan tâm vấn đề: Có nên hạn chế đi lại thời điểm này không? Nếu buộc phải tham gia giao thông thì lưu ý điều gì?
Bà Nguyễn Thị Hồng Dung: Chính phủ đã khuyến cáo hạn chế đi lại nếu không có việc thật sự cần thiết. Khi tham gia giao thông, người dân cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế đến nơi tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc gần với người ốm (người đang bị sốt, ho, hắt hơi...), khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh (sốt, ho...) cần minh bạch, khai báo ngay với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải (máy bay, tàu hỏa, ô tô khách...) để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cần nâng cao ý thức phòng bệnh tại nơi công cộng (tránh khạc nhổ bừa bãi...) để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
BTV: Chúng tôi vừa nhận được thông tin mới nhất từ các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet... và xin thông tin đến bạn đọc như sau
Hãng hàng không khuyến cáo hành khách việc cần làm trong mùa dịch:
Làm thủ tục trực tuyến qua website, ứng dụng di động hoặc kiosk, hoặc làm thủ tục trước qua tổng đài để giảm thời gian chờ tại sân bay
Đeo khẩu trang tại sân bay và trên máy bay; đeo găng tay, hạn chế tiếp xúc các vật xung quanh, nếu phải sắp xếp hành lý sau đó sát khuẩn tay bằng nước sát trùng
Hạn chế di chuyển và giao tiếp trên chuyến bay
Không chen lấn xô đẩy, không đứng quá sát người khác.
Hạn chế dùng nhà vệ sinh trên máy bay, có thể đề nghị tiếp viên khử khuẩn nhà vệ sinh trước khi sử dụng. Rửa tay xà phòng hoặc dùng máy sấy khô sau khi đi vệ sinh.
BTV: Việc đi lại bằng hàng không thời điểm này nhận được rất nhiều sự quan tâm của hành khách. Nhất là sau khi Bộ Y tế thông báo tìm khách đi trên 8 chuyến bay có người nhiễm dịch vào tối qua. Xin hỏi các khách mời: Vì sao có nhiều người trên chuyến bay nhiễm Covid-19?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Thế giới bây giờ là thế giới của sự chuyển động, dịch bệnh bây giờ cũng khác xưa. (Khác xa thời điểm SARS 2003 chúng ta thắng dịch bệnh).Giờ Việt Nam chúng ta giao lưu với quốc tế rất rất nhiều, một ngày có biết bao nhiêu chuyến bay, hàng nghìn hành khách về Việt Nam.
Nếu như các quốc gia không có dịch bệnh, tất cả các hành khách từ các quốc gia trở về Việt Nam an toàn, nghĩa là không mang mầm bệnh về. Còn khi các quốc gia đó không an toàn, hành khách không an toàn, thì đương nhiên các chuyến bay vừa qua gánh chịu những rủi ro. Có các nhiễm và nghi nhiễm trên chuyến bay.
Như chúng ta biết, ban đầu chúng ta chỉ đối phó với Trung Quốc, Hàn Quốc, rồi tiếp tục là châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á…
Có những người không có dấu hiệu triệu chứng bị bệnh, rồi cũng trở thành nguồn lây. Đó là khó khăn nhất hiện nay.
Có quan điểm đề nghị cấm không cho về nhưng Thủ tướng nói việc phòng bệnh “phải đi bằng 2 chân”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, chúng ta phải sống, phải làm kinh tế, phải giao lưu…Vì vậy chính sách đối phó với dịch cũng rất linh hoạt, mỗi lúc phải cập nhật tình hình mới ra quyết định mới.
BTV: Máy bay có phải là môi trường dễ lây nhiễm dịch không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Lây nhiễm trên phương tiện giao thông vận tải đều có nguy cơ giống nhau nhưng máy bay có những cái tốt hơn, an toàn hơn. Vì nó được trang bị hệ thống màng lọc không khí, được khử trùng tốt hơn, có nhiều quy định quốc tế phải tuân thủ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp, cái này thì mỗi hành khách phải cố gắng đảm bảo bằng cách đeo khẩu trang, găng tay, không đưa tay lên mồm, miệng, mắt...
Ở Việt Nam, vì sao chưa có ca lây nhiễm từ xe buýt, xe khách mà mới có các ca phát hiện trên chuyến bay? Vì chúng ta đã làm tốt ngăn chặn dịch từ bên ngoài vào nên chưa có ca nhiễm trong cộng đồng. Chúng ta còn đi lại được là còn may mắn, đến lúc phong toả không cho đi lại là ca bệnh đã lây nhiễm rộng trong cộng đồng. Còn máy bay đang là phương thức duy nhất đưa khách từ nước ngoài về nên khó có thể tránh được việc chuyên chở hành khách nghi nhiễm và lây nhiễm.
Nhiều người hỏi vì sao không cấm bay, như tôi đã nói ở trên, tình hình dịch bệnh đến đâu, Chính phủ của chúng ta tiếp tục có phản ứng đến đó tránh gây những hệ luỵ cho kinh tế, an sinh, xã hội. Chúng ta tiếp tục nâng cấp các bước phòng chống dịch bệnh phụ thuộc vào tình hình dịch quốc tế. Ban chỉ đạo Quốc gia sẽ có những chỉ đạo ứng phó kịp thời tuỳ thuộc vào tình hình.
Bà Nguyễn Thị Hồng Dung: Tôi hoàn toàn thống nhất với anh Trần Đắc Phu. Thủ tướng chỉ đạo phòng chống dịch thật tốt nhưng không phải là đóng băng mọi hoạt động. Việc giao thông đi lại vẫn phải thực hiện.
Khi tham gia giao thông, mọi người phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về y tế. Quan trọng nhất là chúng ta phải bảo vệ sức khoẻ của bản thân và của cộng đồng, phải đeo khẩu trang và thường xuyên sát khuẩn tay.
VÌ SAO KHÁCH ĐI MÁY BAY PHẢI CHỜ ĐỢI LÂU?
BTV: Thưa ông Tô Tử Hà, những ngày qua hành khách đi trên các chuyến bay quốc tế về Nội Bài phải chờ đợi rất lâu, vì sao lại như vậy?
Rõ ràng trong việc thực hiện quy trình trong mùa dịch, phân loại hành khách sẽ mất thời gian hơn nhiều so với bình thường. Ở sân bay, để phân loại kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn không chỉ cho cá nhân mỗi hành khách mà cả cộng đồng, đòi hỏi phải có thời gian.
Các chuyến bay từ Hàn Quốc và châu Âu về, việc sàng lọc tương đối lâu. Như tôi nói từ đầu, quy trình thực hiện đòi hỏi sự phối hợp của các đơn vị. Sự phối hợp cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, ý thức của người dân là rất quan trọng.
Tôi xin nhắc lại rằng, theo quy trình, hành khách xuống máy bay, đặc biệt là những chuyến bay quốc tế về từ vùng dịch, sẽ qua bộ phận kiểm dịch tại sân bay. Tại đây, cơ quan kiểm dịch y tế sẽ đo thân nhiệt và kiểm soát việc khai báo y tế.
Sau khi qua khâu kiểm dịch, hành khách sẽ tới bộ phận kiểm soát xuất nhập cảnh. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, hành khách lấy hành lý ký gửi và ra về.
Trong thời gian chờ đợi tại sân bay Nội Bài, chúng tôi có phục vụ thức ăn, nước uống cho hành khách trong khi chờ. Mong rằng thông qua các kênh thông tin, người dân biết và thông cảm, chia sẻ, chung tay thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng của xã hội.
Từ 0h ngày 15/3, Nội Bài đã phát khẩu trang cho toàn bộ hành khách đi về từ các chuyến bay quốc tế.
Cũng xin lưu ý thêm, chúng tôi đã thực hiện phun khử khuẩn từ đầu tháng 2, sau đó phun định kỳ, phun liên tục với một số khu vực nhiều hành khách đi qua để đảm bảo sát khuẩn, giữ vệ sinh chung.
Từ 16/3, khi lên khu vực công cộng của nhà ga, đề nghị hành khách đeo khẩu trang. Cán bộ nhân viên của cảng sẽ nhắc nhở, thậm chí không cho vào khu vực công cộng của nhà ga nếu không đeo khẩu trang.
Như PGS TS Trần Đắc Phu đã trao đổi, chúng ta áp dụng các biện pháp linh hoạt và phù hợp với tình hình của dịch.
MẶC ÁO MƯA TRÊN MÁY BAY CÓ THỰC SỰ AN TOÀN?
BTV: Một độc giả đặt câu hỏi: Tôi thấy trên máy bay có nhiều người chụp hình ảnh khách mặc áo mưa dùng 1 lần, đeo găng tay, khẩu trang. Việc này có hiệu quả không vì tôi cần đi đường dài về quê? Chúng tôi có thể mua những thiết bị này ở đâu?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đây cũng là 1 trang phục trong mùa dịch. Trong mùa dịch, chúng ta càng thực hiện nhiều phương pháp phòng hộ theo nguyên tắc làm cho các nguồn bệnh không vào mũi vào miệng của mình thì càng tốt.
Khi đi trên các phương tiện công cộng, đeo khẩu trang là rất cần, đồng thời phải luôn luôn mang cho mình 1 chai nước sát khuẩn nhanh, cứ đụng bám vào đâu là lại sát khuẩn tay ngay sau đó.
Còn bạn mặc áo mưa nhưng virus của người mang mầm bệnh, mắc bệnh bắn ra rơi vào áo mưa của bạn, tay của bạn lại sờ vào áo mưa rồi đưa lên mũi miệng, thì vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Nếu bạn không có áo mưa, mặc quần áo bình thường thì về giặt đi, cũng không sao.
Còn đeo găng tay mà găng tay của bạn sờ vào những chỗ có virus rồi bàn tay đó cầm nắm vào đâu thì vẫn truyền virus đến đó. Nguyên tắc phòng dịch là chúng ta luôn giao tiếp không gần và giữ bàn tay sạch.
ĐI TAXI NHỚ MANG THEO DUNG DỊCH SÁT KHUẨN
BTV Đi taxi có an toàn không? Tôi đi taxi nên yêu cầu mở cửa hay tăng nhiệt độ cao hết mức có thể thì có nên hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Taxi là 1 môi trường ô nhiễm cao vì taxi đổi khách liên tục, trong khi người nhiễm bệnh, người có khả năng lây chưa có triệu chứng, chúng ta đều không thể nhận biết. Trong khi đó, các khoang taxi rất hẹp, môi trường kín.
Chúng ta đã có thực tế những bệnh nhân Sars vào Bệnh viện Việt Pháp dùng điều hòa bị lây nhiễm, cả y bác sỹ cũng lây nhiễm. Sang Bệnh viện Nhiệt đới không có điều hoà mở tung cửa thì không khí lưu thông sẽ hạn chế mầm bệnh.
Trong xe taxi nhỏ hẹp, việc hành khách nói cười, sờ vào các bộ phận của xe là khó tránh khỏi. Lên xuống xe buýt hành khách có thể không phải mở cửa, nhưng taxi thì chắc chắn. Do đó, đi taxi cần nhất thiết mang theo lọ rửa tay khô để liên tục sát khuẩn. Còn tài xế taxi sau mỗi lượt khách đi nên lau chùi dung dịch sát khuẩn xe để hành khách đi sau có được 1 chiếc xe sạch hơn. Tôi nói chỉ là sạch hơn chứ việc khách nọ lên khách kia xuống ở taxi là rất ngắn. Trong lúc này đi taxi nên mở cửa thông thoáng.
Về việc nhiệt độ tăng cao thì virus thế nào? Chúng ta thấy ở Bình Thuận thời tiết rất nóng, vẫn có ca nhiễm bệnh. Virus chết khi ở nhiệt độ cao, nhưng virus ở đây lây trực tiếp. Và hơn nữa, virus bắn ra ngoài không khí chưa chết ngay, thì vẫn lây nhiễm. Nhiệt độ trong xe tăng cao vẫn không thể chết virus ngay lập tức. Tôi khuyên nên mở cửa thoáng để virus nếu có bay ra ngay, thay vì tăng nhiệt độ xe.
Grab dành 3 tỷ đồng hỗ trợ tài xế trong trường hợp nhiễm Covid-19
Vừa qua, 1 ca nhiễm Covid-19 đã sử dụng dịch vụ GrabBike để tới khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Grab cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Grab đã truy xuất thông tin về các tài xế đã tiếp xúc gần với bệnh nhân trước đó đồng thời tạm ngưng quyền truy cập tài khoản của các đối tác này trong vòng 14 ngày để đảm bảo an toàn vì sức khỏe của tài xế và cộng đồng”.<
Hãng đã phê duyệt mức tối thiểu 3 tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho các đối tác tài xế trong trường hợp họ nhiễm virus Covid-19.
BTV: Nếu phải lựa chọn giữa ô tô và xe ôm để di chuyển thì lúc này ông chọn phương án nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi cho rằng lúc này nếu di chuyển thì nên chọn xe ôm công nghệ sẽ an toàn hơn.
XỊT CỒN VÀO KHẨU TRANG VÔ TÁC DỤNG
BTV: Một độc giả gửi câu hỏi, khẩu trang y tế dùng 1 lần rất khó mua. Có nên xịt cồn vào khẩu trang hay sấy khô khẩu trang để dùng được nhiều lần hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Đến nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã thay đổi hướng dẫn. Khẩu trang y tế dùng cho trường hợp đang nhễm bệnh, dùng cho cán bộ y tế.
Với người dân, chúng ta đang khuyến cáo dùng khẩu trang vải có thể giặt đi giặt lại nhiều lần. Khẩu trang nào thì cũng phải sử dụng đúng cách.
Việc sử dụng chất sát khuẩn lên khẩu trang thì cồn bay hơi rất nhanh cho nên cũng không có tác dụng gì. Tiếp xúc với người bệnh có thể tiếp xúc ở thời điểm khác nhau.
Thời gian tới, sẽ có những lô hàng khẩu trang vải bán rộng rãi ở cộng đồng.
BTV: Tôi ở TP.HCM thấy trạm xe buýt có bồn rửa tay công cộng? Tại sao Hà Nội không làm việc này?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Transerco là đơn vị khai thác, vận tải. Về hạ tầng thì do thành phố quản lý. Việc bố trí một điểm rửa tay ở trạm xe buýt theo tôi cũng khó. Thứ nhất là đường nước. Chưa kể là việc bảo quản.
Phía Tổng công ty Vận tải, ngoài xe buýt chúng tôi còn có bến xe. Tại đây chúng tôi có khu vực rửa tay, có xà phòng chất sát khuẩn.
CÓ NÊN ĐỂ THẢM CHÙI CHÂN SÁT KHUẨN TRÊN XE BUÝT?
BTV: Một độc giả khác đề xuất trên xe buýt có nên để thảm chùi chân, đổ cồn liên tục hoặc những giẻ thấm đẫm chất sát khuẩn để chúng ta có thể thường xuyên lau chùi?
Ông Nguyễn Minh Tuấn: Các hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế, hiện chúng tôi đã làm. Nếu ngành y tế hướng dẫn việc này, thì chúng tôi sẽ làm.
Công ty CP thương mại và du lịch Hà Lan cho biết khách gọi đặt xe hợp đồng được tư vấn dùng khẩu trang trên cả chuyến xe. Lên xuống, xe khách được sát khuẩn tay. Nhà xe khử trùng lau chùi khoang, ghế xe bằng cồn. Lái xe và xe chở khách được tập kết riêng, không đỗ cùng địa điểm các xe chưa đến ngày khai thác để tránh lây nhiễm.
Tuy nhiên, hiện công ty đã thực hiện khử khuẩn vào các ca cuối ngày, và hôm sau hành khách kêu mùi trong xe rất khó chịu. Nếu để thêm giẻ thảm tẩm cloramin trong xe thì sợ hành khách không chịu được mùi.
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tấm giẻ, thảm tẩm cloramin dùng trong những trường hợp có mức độ lây nhiễm cao, các bệnh viện trước cửa đều có cái đó. Đây cũng là một cách để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh qua bước chân.
Tuy nhiên, theo tôi, việc hiệu quả nhất cần làm giai đoạn này là lau sàn xe buýt, tay nắm cửa, sàn xe bằng chất cloramin thường xuyên, bởi người đi xe buýt có mầm bệnh, đang mắc bệnh có thể nói, cười, rơi giọt bắn trong cả xe. Việc lau hiệu quả hơn nhiều so với phun, phun chỉ có tính chất ngăn nhưng quá đẫm, dễ mùi hơn, còn lau thì bớt mùi mà lại hiệu quả hơn, đi vào từng các ngõ ngách trong xe.
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Nói về nội dung này, chúng tôi thấy liên quan nhiều đến xe giường nằm đang chạy liên tuyến, vấn đề khử trùng vô cùng phức tạp. Giải pháp ở đây không thể phun khử trùng khi mỗi xe đều có gối, chăn, ga... Giải pháp tốt nhất hạn chế đi lại, hiện Công ty đã dừng toàn bộ lộ trình xe khách Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa và 1 số lộ trình dài.
Về giải pháp lau chùi, các doanh nghiệp lớn như Transeco hay Thiên Thảo Nguyên đều có đội lau chùi sau mỗi chuyến xe, nhưng khi hành khách tăng lên, thì lau chùi cũng khó. Còn hiện tại dịch đang cao trào, thì chúng ta nên hạn chế ở trong nhà càng nhiều càng tốt, đừng đi lại. Chúng tôi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhưng giai đoạn này, chúng tôi vẫn chấp nhận.
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chúng ta đang nói đến những trường hợp bắt buộc vẫn đi, vẫn phải phục vụ thì ga, gối, bao ghế, doanh nghiệp phải giặt hấp sấy thường xuyên là giải quyết được thôi. Như trường hợp nhiễm bệnh ở Khánh Hoà, cô phục vụ đã lây nhiễm trong khách sạn.
KHI HO, SỐT, LIÊN HỆ VỚI AI? ĐI ĐẾN BỆNH VIỆN CÁCH NÀO ĐỂ KHÔNG LÂY NHIỄM?
BTV: Câu hỏi cuối cùng xin gửi tới PGS.TS Trần Đắc Phu: Ông có hướng dẫn gì với người dân khi nghi nhiễm và đi khám?
Hiện những người làm công tác dự phòng như chúng tôi, càng phát hiện sớm những người nghi mắc bệnh để cách ly, không lây ra người khác là quan trọng nhất.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện phát hiện sớm qua khai báo y tế.
Nếu người dân thấy dấu hiệu ho sốt nhưng có thể với trùng hợp với bệnh khác như cúm, ho sốt bình thường và không tiếp xúc với ai nghi ngờ, không từ nước ngoài về thì có thể tự đến cơ sở y tế thăm khám. Trên đường đi thì thực hiện nghiêm ngặt quy định để phòng bệnh cho cộng đồng như đeo khẩu trang, đeo găng tay. Trước khi sờ vào tay nắm cửa, ô tô, taxi thì phải sát khuẩn tay. Cơ sở y tế sau đó sẽ khám và đưa ra khuyến cáo.
Trường hợp bạn nghĩ rằng có thể mình nhiễm Covid (ho, khó thở, vừa đi nước ngoài về, tiếp xúc gần với bệnh nhân đã dương tính) thì bạn nên gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế, của Bệnh viện được chỉ định tiếp nhận các ca nghi nhiễm hoặc 115 để họ bố trí xe đưa bạn đến cơ sở y tế.
Gần đây nhất, một người từ Malaysia về, sốt và đau họng, anh ta đã tự đến cơ sở y tế. Người ta lấy mẫu và xác định dương tính. Như thế là đã giúp bệnh không lây lan ra cộng đồng.
Nhiều người đã đi khám bệnh không đúng khuyến cáo như bệnh nhân số 17, khi thấy các dấu hiệu giống covid-19 lại vừa từ Ý, Châu Âu về nhưng đến khám ở Bệnh viện Hồng Ngọc mà không thông báo trước. Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân theo quy trình thông thường, sau đó đã phải tạm dừng hoạt động, cách ly nhiều nhân viên tiếp xúc với bệnh nhân.
Xin cảm ơn PGS, xin cảm ơn các khách mời tham gia chương trình.
Để cùng Chính phủ chung tay chiến thắng dịch bệnh, chúng tôi mong rằng, mỗi người dân khi đi ra đường đều có ý thức, kiến thức để đảm sức khoẻ cho bản thân, phòng chống lây lan virus ra cộng đồng.
Chúng tôi xin kết thúc buổi tọa đàm trực tuyến tại đây và hy vọng các khách mời đã đem đến cho người theo dõi chương trình những thông tin hữu ích.
Một lần nữa xin được cảm ơn và chúc mọi người có những chuyến đi an toàn trong mùa dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận