Chất lượng sống

Điểm THPT bất thường: Quy trình kỳ thi tốt nghiệp bộc lộ kẽ hở

19/07/2018, 07:33

Tiêu cực điểm thi tại Hà Giang, Lạng Sơn, Sơn La cho thấy quy trình kỳ thi tốt nghiệp THPT bộc lộ kẽ hở.

14

Bộ GD&ĐT kiểm tra quá trình chấm thi ở các địa phương - Ảnh: Tuệ Nguyễn

Ngay sau thông tin nâng điểm thi gây sốc ở Hà Giang được công bố, dư luận lại dấy lên nghi vấn điểm thi cao bất thường tại Sơn La, Lạng Sơn. Tối qua, Bộ trưởng GD&ĐT đã ký quyết định thành lập hai tổ công tác để xác minh kết quả thi tại hai tỉnh này.

Hàng loạt nghi vấn điểm thi

Theo bảng thống kê trong top 15 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có 2 thí sinh đến từ Sơn La là N.B.N và T.N.D. Đáng nói, điểm công bố của 2 thí sinh này đều cách xa so với điểm thi thử trước đó.

Cụ thể, điểm trung bình 6 môn thi của thí sinh N.B.N tại cụm thi tỉnh Sơn La là 8,68, trong khi điểm thi thử trung bình chỉ đạt 4,66. Đáng chú ý, môn thi tiếng Anh có điểm số cao chót vót là 9,8, trong khi tại kỳ thi thử chỉ là 1,2. Tương tự, cũng tại cụm thi này, thí sinh T.N.D có  điểm trung bình 6 môn thi tốt nghiệp là 9,05, trong khi điểm trung bình thi thử đạt 5,08.

Nghi vấn càng dâng cao khi GS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) công bố kết quả phân tích dữ liệu điểm thi của Sơn La có nhiều bất thường. Cụ thể, đi vào phân tích phổ điểm của 6 môn học, GS. Tuấn cho ra kết quả: Số thí sinh điểm 9,0 đến 9,8 cao bất thường. “Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng”, ông Tuấn nói.

Đối với môn Lý, sự bất thường này còn cao hơn khi số học sinh có điểm 9,0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh. Nói cách khác, số thí sinh có điểm Vật lý cao ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho hay: “Điểm cao là việc của các thí sinh làm bài, bài của học trò làm thì đương nhiên đó là điểm của học trò. Làm sao có chuyện vì thấy điểm cao nên nói đó không phải điểm của học trò được? Còn việc coi thi và chấm thi Sở thực hiện đúng theo quy trình mà Bộ GD&ĐT quy định”.

Câu chuyện điểm thi cũng được chú ý tại Lạng Sơn, khi trên mạng xã hội lan truyền một hình ảnh bảng điểm cho là kết quả kỳ thi THPT Quốc gia tại cụm thi tỉnh này. Theo đó, 35 thí sinh trong bảng điểm này, mỗi thí sinh đều được ưu tiên cộng thêm 2,75 điểm vào số điểm tổng của 3 môn Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Từ đó, dẫn tới tổng điểm thi của các thí sinh này lên ngưỡng từ 24 đến gần 28 điểm.

Trước thông tin trên, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho hay, đang xác minh thông tin về bảng điểm bất thường này. “Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã tiến hành công bố điểm thi THPT theo đúng quy chế thi của Bộ GD&ĐT. Nhiều khả năng bảng điểm này không có tính xác thực”, vị đại diện khẳng định.

Bộ GD&ĐT thành lập 2 tổ công tác xác minh

Tối 18/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký 2 quyết định thành lập 2 tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018. Các tổ công tác này có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra việc xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Lạng Sơn và Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Trong ngày 18/7,  PV Báo Giao thông đã rất nhiều lần liên hệ với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), song vị lãnh đạo này không bắt máy. Theo một nguồn tin từ Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ đã nắm được thông tin dư luận phản ánh và tổ chức họp bàn để đưa ra hướng giải quyết. Tuy nhiên tới cuối ngày vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào được Bộ này phát ra.  

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Về nguyên tắc, với trách nhiệm cơ quan tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, dù không có biểu hiện bất thường thì Bộ GD&ĐT cũng phải tổ chức hậu kiểm, thanh tra xác suất một số địa phương xem khâu tổ chức, kết quả chấm thi liệu có phản ánh khách quan chính xác chất lượng của thí sinh hay không? Trong trường hợp địa phương nào có dấu hiệu vi phạm thì Bộ càng phải tập trung thanh tra sớm, làm kỹ hơn”.

Từ vụ tiêu cực chấm điểm thi tại Hà Giang, ông Thắng nhận định, quy trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bộc lộ hạn chế, kẽ hở. “Sức ép từ kỳ thi quá lớn cũng là một phần nguyên nhân tạo ra chuyện “động trời” sửa điểm hàng trăm bài thi, làm thay đổi thang điểm của cả một địa phương. Nếu còn duy trì hình thức thi 2 trong 1 thì Bộ GD&ĐT phải rút kinh nghiệm để bịt kẽ hở ngay tại khâu tổ chức ở địa phương. Theo đó, hướng dẫn tổ chức phải cụ thể hơn nữa, để từng khâu phải có người chịu trách nhiệm, nhưng cũng có sự phối hợp giám sát của nhiều bộ phận và có sự kiểm tra của cơ quan quản lý. Tránh tình trạng một người có thể tác động vào nhiều khâu và làm sai lệch toàn bộ kết quả thi”.

Qua đây, ông Thắng cũng nêu rõ quan điểm của Bộ GD&ĐT nên phân cấp cho địa phương chủ động tổ chức kỳ thi tốt nghiệp ở mức độ nhẹ nhàng mang tính chất sát hạch. Thậm chí hoàn toàn có thể có hình thức xét tốt nghiệp trên kết quả 3 năm học. Còn việc thi tuyển ĐH nên giao cho các trường chủ động”.

Đề nghị khởi tố điều tra vụ tiêu cực chấm thi tại Hà Giang

Trong cuộc họp với UBND tỉnh Hà Giang sáng 18/7, Sở GD&ĐT tỉnh này đã xin ý kiến về việc đề nghị Công an khởi tố điều tra những sai phạm liên quan tới điểm thi trên địa bàn tỉnh.

Cùng ngày, ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, người được xác định trực tiếp sửa điểm 144 thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, vẫn đi làm bình thường.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ông Vũ Trọng Lương đã có dấu hiệu phạm tội giả mạo trong công tác. Ngoài ra, nếu trong quá trình điều tra có căn cứ xác định ông Lương đã có động cơ tư lợi, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất để thực hiện việc sửa điểm thi thì sẽ có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu gia đình, phụ huynh đã có hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất cho ông Lương để nhằm mục đích sửa chữa làm sai lệch điểm thi thì sẽ có dấu hiệu tội đưa hối lộ, được quy định tại Điều 364, BLHS 2015.

Yến Chi - Hoài Thu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.