Thủ tướng giao lưu với các doanh nghiệp và đại diện hiệp hội tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 |
Chính sách và thực thi còn xa nhau
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên hôm qua (12/12), nhiều ý kiến đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá cao Chính phủ kiến tạo và hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, song vẫn tỏ ra lo ngại tình trạng “tiền hậu bất nhất” trong thực hiện và áp dụng chính sách đối với doanh nghiệp của các bộ, ngành.
Mở đầu diễn đàn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) ông Hiroshi Karashima thẳng thắn đặt vấn đề về một số tồn tại trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Điển hình là sự hiểu biết không đầy đủ của cán bộ phụ trách, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, cách giải thích về quy định pháp luật chưa rõ ràng nên đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, việc thực thi pháp luật và vận hành hệ thống còn làm mất nhiều thời gian và chi phí. “Chúng tôi quan ngại rằng, với hệ thống hành chính không minh bạch, không rõ ràng như vậy, sẽ gây tổn thất lớn đến sự hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút nhà đầu tư và dòng vốn sẽ chuyển hướng sang các nước khác. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết vấn đề này”, ông Hiroshi Karashima nói.
Nói thêm về môi trường kinh doanh, ông Mark Gillin, Trưởng nhóm Hải quan và thuế cho biết, có nhiều trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép với mức ưu đãi theo quy định nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra thì lại từ chối áp dụng, phủ nhận. Trong một số trường hợp, cơ quan thuế cho rằng, cơ quan cấp phép đã làm sai khi cấp những ưu đãi đó cho nhà đầu tư, yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế bổ sung, lãi chậm nộp và thậm chí còn có yêu cầu doanh nghiệp nộp phạt do kê khai sai thuế. Nhóm cũng ghi nhận, các doanh nghiệp đang gặp phải những vướng mắc, thiệt hại do quy định của pháp luật thuế thay đổi liên tục nhưng không rõ ràng nên gây ra những cách hiểu khác nhau. “Đặc biệt, pháp luật về thuế hiện nay cần có quy định cụ thể và hướng dẫn xử lý đối với hành vi ban hành văn bản, quyết định, công văn có nội dung sai luật, sai thẩm quyền, những văn bản ban hành có nội dung trái ngược nhau cho cùng một vấn đề tương tự”, ông Mark Gillin kiến nghị.
Đề xuất thu hẹp giữa khoảng cách chính sách và thực thi, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, riêng pháp luật về quản lý chuyên ngành của Việt Nam đã là tập hợp các quy định có liên quan tới quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong nhiều hệ thống pháp luật chuyên ngành khác nhau. “Hiện, có xấp xỉ 300 văn bản có quy định về vấn đề này, được soạn thảo, ban hành và thực thi bởi ít nhất 10 Bộ chuyên ngành”, ông Lộc nói. Do đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị rà soát lại toàn bộ các thủ tục, hồ sơ kiểm tra chuyên ngành để loại bỏ các trường hợp trùng lặp, không khả thi, không liên quan hoặc không cần thiết.
Chào đón nhà đầu tư nhưng không phát triển kinh tế bằng mọi giá
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dần lan tỏa hiệu quả xuống các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lắng nghe, được các cơ quan Nhà nước tháo gỡ với thái độ cầu thị. Việc chủ động rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Trong 11 tháng năm 2017, cả nước có hơn 116.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng gần 42% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Ngoài ra, có hơn 24.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2017 lên 140.400 doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm nay kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh; khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế lan tỏa sâu rộng, vai trò quan trọng cho tăng trưởng là khoa học công nghệ, tri thức và lao động sáng tạo. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực tìm ra những động lực tăng trưởng mới, phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ ưu tiên đầu tư hạ tầng, tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, khoa học công nghệ, con người... làm động lực tăng trưởng.
“Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư, nhưng không hoan nghênh các hoạt động đầu tư không chân chính, gây ô nhiễm, hàng giả hàng kém chất lượng, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại. Chính phủ sẽ giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị, đảm bảo trong môi trường kinh doanh, cải cách khu vực Nhà nước, tài chính ngân hàng, cải cách khu vực thuế, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận