Xã hội

Diện mạo làng báo Việt sau quy hoạch

20/06/2019, 21:29

Theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt, mỗi bộ ngành, địa phương chỉ còn 1 cơ quan báo.

img

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Kế hoạch thực hiện triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí cũng đã được Bộ TT&TT ban hành, nhằm sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích.

Mỗi bộ ngành, địa phương chỉ còn 1 cơ quan báo

Theo quy hoạch, Ban Chấp hành T.Ư có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, mỗi ban Đảng T.Ư có không quá 1 tạp chí in. Sau năm 2020, tất cả các tạp chí các ban Đảng T.Ư sẽ sáp nhập vào Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo T.Ư) thành một cơ quan báo chí tập trung (gồm Tạp chí Xây dựng Đảng; Tạp chí Tuyên giáo; Tạp chí Nội chính; Tạp chí Kinh tế; Tạp chí Kiểm tra; Tạp chí Dân vận).

Văn phòng Quốc hội, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Hệ thống này hiện gồm các báo: Đại biểu nhân dân; Bảo vệ pháp luật; Công lý và Kiểm toán.

Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí, nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội T.Ư, các doanh nghiệp thì được có tối đa 2 báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp còn 1 báo; Quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo hoặc 1 cơ quan tạp chí. Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan tạp chí (trong khối này có Báo Hải quan thuộc Tổng cục Hải quan). Đến hết năm 2020, việc sắp xếp phải hoàn thành.

Riêng Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020 (5 báo này gồm: Công an TP HCM, An ninh Thủ đô, An ninh Hải Phòng, Công an Đà Nẵng, Công an Nghệ An).

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư không có cơ quan báo chí (hiện các báo thuộc diện này gồm: Tuổi trẻ TPHCM, Pháp luật TP HCM, Người lao động, Lao động Thủ đô, Người Hà Nội, Pháp luật Xã hội, Tuổi trẻ Thủ đô...).

Riêng Hà Nội và TP HCM đến hết năm 2020 còn tối đa 5 cơ quan báo, đến năm 2025 còn 1 cơ quan báo, trong khi đây là 2 địa phương hiện có rất nhiều tờ báo. Tuy nhiên, phương án sáp nhập như thế nào vẫn chưa được tiết lộ.

T.Ư Đoàn còn 1 tờ báo vào năm 2025

Tương tự, mỗi tổ chức chính trị - xã hội T.Ư có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 1 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội T.Ư có 1 cơ quan tạp chí.

Đến hết năm 2019, các tổ chức ở T.Ư hoàn thành việc sắp xếp. Riêng T.Ư Đoàn đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 3 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo. Hiện nay, hệ thống báo chí của T.Ư Đoàn có rất nhiều tờ báo, trong đó phải kể đến là Tiền phong, Thanh niên, Sinh viên Việt Nam, Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng...

Đến hết năm 2020, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không còn cơ quan báo, riêng tạp chí được hoạt động theo giấy phép đã được cấp, việc cấp lại giấy phép thực hiện theo quy định của Luật Báo chí. Trong khối này hiện có Báo điện tử Petrotimes thuộc Tập đoàn Dầu khí, VnMedia thuộc VNPT.

Báo điện tử của các hội sẽ thành tạp chí

Đối với phát thanh, truyền hình, theo quy hoạch mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có 1 đài phát thanh và truyền hình. Riêng TP HCM có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Hà Nội, TP HCM mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử, định hướng sắp xếp hệ thống báo, tạp chí điện tử tương tự như báo, tạp chí in. Cơ quan, tổ chức có cơ quan báo, tạp chí in thì được xuất bản báo, tạp chí điện tử.

Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản, chuyển thành tạp chí hoặc ngừng hoạt động. Trong khối này, hiện có một số báo như: Zing.vn, Dân trí, Giáo dục Việt Nam... Như vậy, nếu các báo này không tìm được cơ quan chủ quản mới thì sẽ phải chuyển thành tạp chí chứ không còn được sản xuất nội dung như với báo chí hiện nay....

Tiến hành ngay trong năm 2019

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, trước ngày 31/7/2019, các tổ chức ở T.Ư sẽ hoàn thành việc sắp xếp. Trước 30/9/2019, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp có hồ sơ đề nghị Bộ TT&TT tiến hành các thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định.

Trước 31/12/2019, T.Ư Đoàn có đề án thực hiện việc sắp xếp theo quy hoạch còn tối đa 3 cơ quan báo chí; tới 30/6/2020, có hồ sơ gửi Bộ TT&TT để tiến hành các thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép, chuyển cơ quan chủ quản theo quy định.

Đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội T.Ư hiện có cơ quan báo đề xuất chuyển sang các bộ, cơ quan ngang bộ cần có văn bản gửi cơ quan chủ quản mới và phải được đồng ý tiếp nhận bằng văn bản. Chậm nhất đến 30/9/2019, cơ quan chủ quản báo chí phải có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động báo chí.

Với cơ quan báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trước 31/12/2019, phải hoàn thành sắp xếp. Với các cơ quan báo chí trực thuộc địa phương cũng có lộ trình tương tự. Riêng Hà Nội và TP HCM có đề án sắp xếp 5 cơ quan báo trước ngày 31/12/2019.

Dè dặt thông tin

Theo một nguồn tin, đã có 4 đơn vị xin được làm cơ quan chủ quản của Báo điện tử Dân trí (theo quy hoạch thuộc diện phải thay đổi cơ quan chủ quản hoặc thành tạp chí). Tuy nhiên, việc lựa chọn cơ quan nào là chủ quản thì lãnh đạo báo này vẫn đang cân nhắc.


Có thể thấy, theo ấn định, đến cuối năm nay, việc sắp xếp nhiều cơ quan báo chí đều phải hoàn thành theo lộ trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, để có một hình dung tổng thể về diện mạo làng báo Việt sau quy hoạch, báo nào sáp nhập, báo nào chuyển cơ quan chủ quản... vẫn rất ít thông tin được đưa ra. Có lẽ, do đây là vấn đề khá nhạy cảm nên khi được hỏi, lãnh đạo các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí thuộc diện sắp xếp đều rất e dè.

Khi được hỏi về việc sắp xếp các cơ quan báo chí trong hệ thống T.Ư Đoàn còn 3 báo vào năm 2020, Bí thư T.Ư Đoàn, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho biết hiện tại mọi thứ vẫn chưa rõ ràng nên không thể thông tin. Tương tự, với việc sắp xếp còn 5 cơ quan báo chí trong số các báo hiện có của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội chỉ cho biết ngắn gọn: “Hà Nội đã có chủ trương, đồng thời sẽ có kế hoạch cụ thể việc sắp xếp cơ quan báo chí theo kế hoạch của Bộ TT&TT”.

Đối với cấp Tổng cục (sẽ chỉ còn tạp chí), Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết sẽ có kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí, nhưng không tiết lộ việc giải quyết những vấn đề liên quan đến bộ máy, nhân sự hiện tại của Báo Hải quan.

Với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó tịch Hiệp hội cho biết, báo sẽ được chuyển đổi thành tạp chí theo như quy hoạch.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng ban Truyền thông và phổ biến pháp luật - VUSTA, cho biết: Việc sắp xếp báo chí của LHH hiện có 2 phương án: Thứ nhất, chọn một cơ quan báo chí là chủ đạo và các cơ quan báo chí khác sẽ sáp nhập vào cơ quan báo chí đó. Thứ hai, Liên hiệp hội sẽ thành lập một cơ quan báo chí mới và cả 4 tờ báo hiện có (Báo điện tử Kiến thức; Báo Khoa học và đời sống; Báo Đất Việt và Báo điện tử Tầm nhìn) sẽ phải sáp nhập vào cơ quan báo chí mới đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.