Bộ Công thương vừa đề nghị các bộ ngành, địa phương liên quan góp ý về chủ trương nhập điện gió của nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam. Theo Bộ Công thương, dự án này có công suất 250 MW tại tỉnh Bolikhamsai của Lào, sẽ đi vào vận hành vào quý IV/2025. Chủ đầu tư cam kết với mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 cents/kWh (tương đương 1.700 đồng/kWh).
Ngoài dự án trên, EVN cũng đang làm việc với Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) để nhập khẩu điện từ dự án điện gió Monsoon có công suất 600 MW. Việc mua điện từ dự án này được triển khai theo biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Việc mua điện từ các dự án điện gió của Lào đang khiến dư luận băn khoăn khi 85 dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp vẫn trầy trật đàm phán giá để phát điện.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, suốt một năm qua, vẫn chưa có dự án điện tái tạo chuyển tiếp nào đàm phán được giá phát điện chính thức theo Quyết định 21 (ban hành tháng 1/2023) với EVN.
Báo cáo của EVN cho thấy đến ngày 10/11, có 81/85 dự án gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 4.597,86 MW, nhưng 69 dự án (tổng công suất 3.927,41 MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian đang chờ đàm phán giá chính thức.
Theo Quyết định 21, nhà máy điện mặt trời mặt đất có mức giá trần là 1.184,90 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh. Như vậy, mức giá đề xuất mua điện gió từ Lào đang cao hơn giá mua điện tái tạo trong nước (trừ nguồn điện gió trên biển).
Một doanh nghiệp điện gió bày tỏ hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn khi chưa đàm phán được giá điện chính thức. Nguyên nhân là do giá trần ngưỡng 1.587,12 đồng/kWh để đàm phán cho dự án đang thấp hơn suất đầu tư doanh nghiệp đã bỏ ra, khiến họ bị lỗ. Chưa kể, giá mua tại khung giá mới tính theo Việt Nam đồng, khiến các nhà phát triển dự án năng lượng bị gặp bất lợi khi tỷ giá biến động. Vì thế, mức giá đề xuất mua điện gió từ Lào khiến nhà đầu tư này hụt hẫng.
Song, cũng không ít nhà đầu cho rằng mức giá đề xuất mua điện từ Lào đã có sự cạnh tranh. Điều quan trọng hiện nay là sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách cho nhà đầu tư điện tái tạo trong nước.
Trao đối với Báo Giao thông, đại diện EVN cho biết các dự án điện gió ở Việt Nam vẫn sẵn sàng được huy động phát điện nếu dự án đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật và theo nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống.
Tất cả dự án điện gió đã và đang đầu tư trong nước đều chỉ tập trung tại miền Trung và miền Nam, chưa có dự án điện gió nào được đầu tư tại miền Bắc. Trong khi, nhu cầu cấp tăng cường điện cho miền Bắc là cấp thiết.
Theo EVN, dự án mua điện gió từ Lào có mục tiêu tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc thông qua kết nối từ Lào về huyện Đô Lương (Nghệ An).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận