Ngoài đời thật, anh chọn cho mình cuộc sống đơn giản sau ánh hào quang của sự nổi tiếng với hơn 60 tác phẩm truyền hình và 4 phim điện ảnh.
Sợ đóng cảnh “động tay chân” với bạn diễn nữ
Tiếp tục tái xuất màn ảnh với vai phản diện - Khoản trong “Mẹ rơm”, anh đối mặt như thế nào với những chỉ trích về vai diễn phản diện dành cho mình?
Nếu đóng vai phản diện mà được khán giả thương có lẽ cần xem lại. Ngược lại, nếu đóng vai phản diện mà mọi người ghét và nhớ tên thì đó là niềm hạnh phúc của người diễn viên. Đương nhiên nhân vật Khoản lỗ mãng, cục súc thì khán giả ghét là đúng rồi nhưng đó chỉ là nhân vật, chứ đâu phải mình ngoài đời (Cười).
Tạo hình các vai diễn của Cao Minh Đạt trên màn ảnh
Có khó khăn gì đối với anh khi thể hiện một nhân vật xù xì, gai góc như vậy?
Trước khi bộ phim nào đó bấm máy, bao giờ diễn viên cũng nhận được kịch bản. Ngay từ lúc đó, tôi đã hình dung về vai diễn, dựa trên các tình huống để phát triển cảm xúc nhân vật.
Khoản trong “Mẹ rơm” có màu sắc khác so với những vai phản diện trước đó mà tôi đảm nhận. Khác ở chỗ, Khoản ác xuất phát từ tính cộc cằn, thô lỗ và sự ích kỷ trong tình cảm của mình.
Tuy nhiên, về sau Khoản có chiều hướng thay đổi tích cực khi nhận ra những việc làm sai trái của mình. Tôi rất thích vai diễn này bởi nó không phải vai diễn phản diện mặc định như các vai diễn trước đây.
Nói về khó khăn, không chỉ với riêng tôi mà có lẽ với cả ê-kíp đó là việc phải thực hiện các bối cảnh khá xa, địa hình hiểm trở. Có những cảnh quay bên bờ suối, đoàn phim phải đi qua con suối nước chảy siết, mỏm đá trơn, chỉ cần sơ ý một chút sẽ bị trượt chân, chấn thương.
Còn những cảnh “động tay chân” với bạn diễn nữ mà khán giả thường nói anh không thương hoa tiếc ngọc trên màn ảnh thì sao?
Thật ra, trước “Mẹ rơm”, tôi từng phải thực hiện nhiều cảnh “động tay chân” với bạn diễn nữ. Tôi thường xin đạo diễn “ăn gian” góc máy để đánh không trúng bạn diễn.
Trong phim có cảnh Khoản đánh Xuân (Cao Thái Hà đóng) sau khi đánh bài về. Hà có nói tôi đánh thật đi để cô ấy có cảm xúc. Nhưng nói vậy thôi, lực đánh của người đàn ông thì làm sao chịu nổi. Vì vậy tôi vẫn phải kìm lại.
Tuy nhiên, đáng nhớ nhất vẫn là cảnh Khoản đưa Loan (Huỳnh Hồng Loan đóng) đi phá thai, rồi về nhà đánh đập. Dù Loan có đội mũ bảo hiểm nhưng vì thêm lực do va đập nên quay xong cảnh đó Loan khóc thật luôn vì đau quá.
Đến khi tôi kiểm tra mới tá hỏa, là chiếc mũ đã bị rút hết xốp bên trong, tôi xin lỗi Loan quá trời. May là Loan cũng hiểu nên không giận tôi. Khi mình không may để bạn đau, tôi áy náy lắm.
Không ngại khi làm shipper cho vợ
Khoảnh khắc hạnh phúc của vợ chồng diễn viên Cao Minh Đạt
Trên phim ảnh có thể là người đàn ông đào hoa, khi lại cục súc, vũ phu. Cao Minh Đạt ngoài đời là người thế nào?
Ngoài đời tôi là Cao Minh Đạt. Tôi sống khá đơn giản, có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo, tôi không mong cầu điều gì quá cao sang. Rời trường quay, tôi không vướng bận hay mang theo tâm tư, tình cảm của nhân vật về nhà.
Chính vì thế nên bà xã rất yên tâm dù chồng có là “soái ca” màn ảnh?
Nếu tôi ngại bà xã ghen tuông, có lẽ tôi không làm nghề được tới hôm nay. Bà xã rất hiểu cho công việc của tôi. Cô ấy cũng xác định đó chỉ là vai diễn, bối cảnh trong phim.
Trong mắt tôi, bà xã là người toàn diện, nhẹ nhàng, bình dị, giống tính cách của tôi. Cô ấy không chỉ là người hiểu chuyện, biết lo toan việc nhà mà còn hỗ trợ, chia sẻ với tôi trong công việc và nhiều chuyện khác trong cuộc sống. Từ sau khi kết hôn, tôi cảm thấy mình vui vẻ và hạnh phúc.
Tôi vẫn phụ giúp vợ việc nhà, ngoài đi làm phim thì ở nhà mình phụ vợ được cái gì tôi sẽ phụ. Vợ tôi có một cửa hàng kinh doanh, lúc rảnh rỗi có thể đóng hàng, chở hàng đi ra bưu điện giao, làm shipper…
Anh có ngại khi mà ngôi sao màn ảnh đi làm shipper?
Tôi không ngại. Tôi cho rằng, khán giả không ai nghĩ vậy đâu, nhiều khi thấy tôi chở hàng người ta còn thấy thú vị nữa. Nhiều người còn hồ hởi chào: “Ô, anh Đạt à!” mỗi khi nhận ra tôi. Tôi thấy vui mà!
Làm phim vất vả, thu nhập lại không nhiều, có nghệ sĩ dần chuyển hướng sang kinh doanh. Đã bao giờ anh nghĩ đến việc dừng hẳn đóng phim để cùng vợ chèo lái cửa hàng?
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề để làm việc khác. Đây là công việc tôi yêu thích và tôi muốn gắn bó. Còn về thu nhập, đóng phim được bao nhiêu tôi đưa hết tiền cho vợ. Công việc buôn bán tôi cũng không bao giờ hỏi chi tiết lời lãi ra sao. Có người nói đó là “nỗi khổ” của người đàn ông khi đi làm rồi đưa tiền cho vợ nhưng tôi thấy đó là niềm hạnh phúc. Mình làm cho vợ hạnh phúc, thì mình cũng hạnh phúc.
Từng bỏ nghề vì suy nghĩ mông lung
Cao Minh Đạt (phải) và Thái Hòa trong phim “Mẹ rơm”
Nhưng trong quá khứ, anh từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề đấy thôi?
Lúc đó tôi đang là sinh viên năm cuối trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Thật ra quyết định bỏ nghề xuất phát từ suy nghĩ của một chàng trai mới lớn. Khi thấy mẹ, anh hai phải cho mình tiền để đi học, tôi không muốn xin tiền gia đình nữa nên muốn làm một công việc gì đó đỡ đần mọi người. Ngoài ra, lúc đó phim truyền hình chỉ TFS sản xuất, sinh viên mà, đâu ai biết mình là ai nên tôi thấy mình mông lung quá. Vậy là quyết định bỏ ngang.
Vô tình, năm 1998 Những đứa con thành phố của đạo diễn Đỗ Phú Hải đang casting diễn viên. Đạo diễn Lê Bảo Trung – người anh thân thiết của tôi, khi ấy là phó đạo diễn có gọi điện hỏi thăm và nói tôi đi cast thử. May mắn tôi được chọn và gắn bó với diễn xuất từ đó đến giờ luôn.
Lúc quyết định dừng lại, gia đình anh có phản đối?
Ba mẹ không phản ứng gay gắt như thời điểm tôi nhận được kết quả của trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Một phần cũng vì tôi đã lớn nên ba mẹ tôn trọng quyết định của mình.
Còn hồi tôi thi trường Nghệ thuật Sân khấu 2 là căng lắm. Lúc đó, tôi đang học Đại học Hàng hải. Tôi lén gia đình đăng ký thi trường Sân khấu. Một hôm, cả nhà đang ăn cơm thì người bưu tá tới nhà giao thư. Khi nhận, thấy con dấu của trường Nghệ thuật Sân khấu 2 tôi giật mình liền nhưng vẫn cố giấu.
Ba mẹ đang ăn cơm nhưng dòm mặt tôi là biết có... biến. Sau ăn cơm xong, ba mẹ mới hỏi thư gì. Khi tôi đưa thư ra, ba tôi đập bàn cái đùng, quát: “Học không lo học, thi vô cái nghề này làm gì”. Ông bị sốc, chửi tôi tan nát.
Lúc đó, bà ngoại còn sống, bà nói: “Thôi, nó thích cái gì thì cho nó học cái đó, đừng cản nó nữa”. Nghe ngoại nói, ba tôi im. Nói chung lúc đầu, ba tôi không thích. Ông cứ nghĩ con vô nghề này rồi ăn chơi lêu lổng. Nhưng sau này tôi đi học thì ba cũng phải chịu. Ít nhất thì bây giờ, tôi đã cho ba thấy là mình làm được cái nghề này, học không uổng phí.
Bây giờ nghĩ lại, anh có tiếc khi mình bỏ dở giữa chừng?
Tôi không thấy tiếc, vì làm nghề này, quan trọng là mình làm được chứ không phải tấm bằng. Sau này, thầy Minh Nhí nhiều lần kêu tôi về thi để tốt nghiệp nhưng tôi kẹt phim hoài nên không thi được.
Cảm ơn anh!
Cao Minh Đạt sinh năm 1975. Anh là diễn viên quen mặt trong hơn 2 thập kỷ qua, với những tác phẩm như: “Vòng xoáy tình yêu”, “Mùi ngò gai”, “Tình yêu còn lại”, “Blouse trắng”, “Tiếng sét trong mưa”... Nam diễn viên có lối diễn xuất tự nhiên, chân thật, ở bất cứ vai diễn nào. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39, anh nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất với vai Khải Duy trong phim “Tiếng sét trong mưa”. Về cuộc sống gia đình, hiện Cao Minh Đạt sống hạnh phúc bên bà xã Thanh Trúc, kém anh 8 tuổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận