Nhiều dịch vụ y tế theo yêu cầu giảm giá
Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Theo khung giá mới, giá nhiều dịch vụ y tế theo yêu cầu giảm.
Ngay sau khi thông tư này có hiệu lực, nhiều bệnh viện đã công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định mới, có dịch vụ mức giá mới giảm khá sâu. Cụ thể tại BV Hữu nghị Việt Đức, giá khám chuyên gia theo yêu cầu giảm từ 2 triệu đồng xuống 500 nghìn đồng. Cùng đó là hàng trăm kỹ thuật y tế cũng kéo giảm. Điển hình như phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ-động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ 61 triệu xuống còn hơn 37 triệu; phẫu thuật thay động mạch chủ từ 74 triệu xuống còn 35,2 triệu đồng...
BV Phụ sản Hà Nội, có đến 70% dịch vụ y tế theo yêu cầu kéo giảm theo khung quy định về giá tại Thông tư 13. Cụ thể như gói sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) có giá dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng. Gói sinh thường khu dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng còn hơn 4,3 triệu đồng… Tuy nhiên, giá tiền phòng dịch vụ lại tăng vọt từ 1,2 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/giường/ngày hay từ 2,5 triệu đồng lên 3,8 triệu đồng/giường/ngày…
Trong khi một số bệnh viện nhanh chóng công bố giá mới về dịch vụ y tế theo yêu cầu thì vẫn nhiều bệnh viện còn chưa thực hiện bởi còn nhiều băn khoăn.
Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: "Trước đây khi chưa ban hành khung giá (Thông tư 13) thì các bệnh viện tự xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu với "muôn hình, muôn vẻ". Tại Thông tư 13, khung giá quy định là giá bình quân qua khảo sảt giá dịch vụ theo yêu cầu ở các bệnh viện và được tính toán theo phương pháp "hồi quy tuyến tính".
Thông tư 13 sẽ là khung để các bệnh viện bám vào xây dựng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Theo đó, tại các bệnh viện, nếu giá dịch vụ y tế theo yêu cầu nào cao hơn giá trần thì phải kéo xuống; giá thấp hơn giá trần nếu kéo lên cần phải có cơ sở thuyết minh chi phí.
Quy định mới còn chắp vá, khó thực hiện
Là một trong những bệnh viện đầu tiên thực hiện điều chỉnh giá theo quy định mới, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ: "Hiện, khung giá để tính chi phí dịch vụ theo yêu cầu của Thông tư 13 còn có vướng mắc, do không bao phủ các loại hình dịch vụ kỹ thuật.
Với đặc thù sản khoa, ngoài dịch vụ kỹ thuật thì người bệnh có nhiều nhu cầu chăm sóc trước, trong và sau sinh khác nhưng lại không nằm trong quy định của Thông tư 13. Do vậy, với quy định giá dịch vụ yêu cầu như hiện nay đang gây khó cho bệnh viện.
"Một ca mổ khó, yêu cầu mổ vào "giờ đẹp" từ 2-5h sáng, mà trong giá đó chỉ chi trả được 500 nghìn đồng cho bác sĩ cao tay thì khó thu hút bác sĩ làm thêm dịch vụ yêu cầu. Trong khi đó, chi phí trước đây cho ê-kíp thầy thuốc với ca khó là 2 triệu, ca thường là 1,5 triệu đồng.
Như thế thiệt hại cho người bệnh vì không được yêu cầu theo ý mình và cũng gây khó khăn cho việc giữ chất xám trong bệnh viện", ông Ánh dẫn chứng.
Ngoài ra, với quy định khung giá mới, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thanh toán bảo hiểm thương mại. Do không thể xuất hóa đơn theo gói dịch vụ đẻ mà phải tách bạch dịch vụ y tế kỹ thuật và dịch vụ chăm sóc. Trong khi bảo hiểm thương mại chỉ chi trả theo gói dịch vụ đẻ hoặc chỉ dịch vụ y tế kỹ thuật. Như vậy, nhiều nguy cơ bệnh nhân bỏ ra ngoài bệnh viện tư.
Còn theo lãnh đạo BV SaintPaul Hà Nội, với khu vực được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc đắt tiền có chi phí khấu hao khá lớn, nếu tính đủ chi phí thì vượt giá trần của Thông tư 13. Còn nếu thu trong khung giá thì "thu không đủ bù chi". Điều này gây khó khăn trong vấn đề tự chủ.
Trước những băn khoăn của các bệnh viện khi thực hiện theo Thông tư 13 của Bộ Y tế, bà Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: "Phải xây dựng định mức kỹ thuật mới là điều căn cơ mà chúng ta chưa nhắc đến. Muốn tính đúng, tính đủ phải có danh mục kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, từ đó xây dựng định mức kỹ thuật và căn cứ vào đó để tính giá dịch vụ".
Bà Hà thông tin thêm, "dù Bộ Y tế rất nỗ lực trong việc xây dựng khung giá cho các dịch vụ y tế theo yêu cầu, tuy nhiên Thông tư 13 được ban hành vẫn còn nhiều chắp vá, gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.
Đồng thời, trong thông tư này còn cần quy định chi tiết điều kiện, tiêu chuẩn về công suất, nhân lực, cơ sở hạ tầng để thực hiện dịch vụ y tế theo yêu cầu. Và vấn đề ai có thẩm quyền quyết định cơ sở y tế được tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng chưa được quy định cụ thể. Nếu không rõ điều kiện, không rõ thẩm quyền thì còn khó khăn...".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận