Giai đoạn 1 Đề án xây dựng cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên đã hoàn thành xây dựng 102/187 cầu. (Trong ảnh: Cầu treo Liên Phương, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) - Ảnh: Trần Duy |
Tiết giảm các yếu tố kỹ thuật không cần thiết
Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 Đề án xây dựng cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên đã hoàn thành xây dựng 102/187 cầu. Hiện, các đơn vị đang khẩn trương triển khai thi công các cầu còn lại để hoàn thành trước 30/6.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục QLXD đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN), Tổng cục đang tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả kết cấu của cầu treo dân sinh, qua đó rút kinh nghiệm, nghiên cứu điều chỉnh thiết kế cầu phù hợp với thực tế nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
Đến nay, Tổng cục đang kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh một số điểm trong Thông tư 11 hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh. Theo đó, một nội dung quan trọng Tổng cục đề nghị sửa đổi là điều chỉnh khả năng vượt tải so với tải trọng tối đa được phép đi trên cầu.
Khi xây dựng Thông tư 11, các đơn vị lấy theo tiêu chuẩn của nước ngoài. Tiêu chuẩn đó hoàn toàn có cơ sở nhưng nếu đối chiếu với thực tế của Việt Nam, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, có ít người lưu thông là không cần thiết. Thực tế, không cần phải lấy tiêu chuẩn tải trọng rải đều của người đi bộ trên cầu là 300 kg/m2 nhân với hệ số vượt tải là 1,75 như hiện nay mới có thể bảo đảm an toàn ở mức có khoảng 9 người/m2 cầu. Con số này là quá lớn và không cần thiết nên có thể điều chỉnh giảm quy mô xây dựng, giảm hệ số an toàn cho phù hợp với yêu cầu thực tế mà vẫn bảo đảm được an toàn.
Cầu treo Nà Chát, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, Lạng Sơn-Ảnh: Trần Duy |
Trước băn khoăn về sự cố lật cầu Chu Va, Sam Lang có thể do thiết kế, ông Sỹ cho biết đó hoàn toàn không xuất phát từ nguyên nhân thiết kế kỹ thuật. Sự cố cầu Chu Va bị lật là do khi thi công đã chế tạo cơ khí tăng đơ không bảo đảm, còn sự cố cầu Sam Lang là do mức nước lịch sử vượt mức đột biến theo tính toán 100 năm là trường hợp cá biệt.
"Tổng cục đang rà soát rất kỹ về thiết kế cũng như kinh phí để rút kinh nghiệm triển khai giai đoạn 2 tiết kiệm hơn. Thống nhất điều chỉnh thiết kế của Thông tư 11 của Bộ GTVT vẫn đảm bảo được yêu cầu thiết kế, độ bền đúng theo quy định và cũng làm cơ sở để khi thi công thay thế 2.300 cầu sẽ theo quy định mới của Bộ GTVT, đồng thời việc bảo dưỡng, bảo trì đi vào quy chuẩn. Bên cạnh đó, cũng sẽ yêu cầu các Sở GTVT trực tiếp quản lý, ủy quyền tối đa cho cấp huyện để đảm bảo được an toàn cũng như kéo dài tuổi thọ của cầu”. Ông Nguyễn Văn Huyện |
Ông Sỹ cũng cho rằng, trước đây thiết kế cầu lớn như vậy là do phải sử dụng theo tiêu chuẩn của nước ngoài để áp vào Việt Nam. Hơn nữa, Thông tư 11 được xây dựng sau sự cố cầu Chu Va và Sam Lang nên mọi yếu tố an toàn được thiết kế tăng lên, tức là hệ số an toàn lớn so với nhu cầu thực tế.
“Nếu như cầu treo họ làm ở vùng có sân vận động như thế là đúng còn của mình làm ở những vùng núi cao, đa phần là vùng dân tộc thiểu số, dân cư thưa thớt nên khả năng vượt tải như Thông tư quy định là rất hiếm xảy ra”, ông Sỹ khẳng định.
Vì lý do đó, Tổng cục Đường bộ VN đề nghị xem xét giảm tải trọng thông thường khoảng 7 người/m2, thay vì 9 người như hiện nay. Khi giảm tải trọng sẽ làm cho các yếu tố như kích thước trụ tháp, kích thước mố trụ và cáp sàn giảm theo và giúp tiết kiệm chi phí để xây dựng thêm nhiều cây cầu khác.
PGS.TS Tống Trần Tùng cho rằng: “Đề xuất của Tổng cục Đường bộ VN là hoàn toàn hợp lý, quy mô các kết cấu của cầu giảm xuống như các mố neo, các mặt bích, trụ cáp… Tuy giảm nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho việc khai thác cầu và sẽ tiết kiệm được lượng vốn để làm thêm được nhiều cầu treo khác”.
Cầu treo Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - Ảnh: Khánh Hà |
Điều chỉnh hợp lý sẽ tiết kiệm 20% chi phí
Ông Nguyễn Trung Sỹ cho rằng, việc sửa đổi Thông tư sẽ là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng 295 cầu treo ở giai đoạn 2 của Đề án. Khi điều chỉnh hợp lý hơn, giá thành để xây cầu treo sẽ tiết kiệm hơn, cùng một lượng tiền đó sẽ làm được nhiều cầu hơn.
“Theo tính toán của chúng tôi, nếu điều chỉnh giảm về quy mô sẽ tiết kiệm được khoảng 20% so với giá dự toán, nghĩa là tiết kiệm trong xây dựng 4 cầu sẽ có thêm một cầu mới”, ông Sỹ tính toán và cho rằng, tiêu chí đầu tiên Tổng cục Đường bộ VN xác định vẫn phải đảm bảo an toàn, chứ không phải điều chỉnh cái này, giảm bớt cái kia mà không đảm bảo ATGT cho các cây cầu treo.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hiện nay, có khoảng 2.300 cầu treo do các địa phương đã làm, cùng với đợt này Bộ GTVT xây dựng là khoảng 2.500 cầu nữa. Việc điều chỉnh quy định Thông tư 11 sẽ rất có ý nghĩa trong việc tiết kiệm kinh phí để làm được nhiều cầu mà vẫn đảm bảo an toàn cho các cây cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận