Pháp đình

Đình chỉ vụ án “đá móp cửa ôtô, bị truy tố”

17/07/2018, 08:05

Sau 3 lần tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, TP.HCM...

16

Bị cáo An tại phiên xét xử ngày 8/5

Sau 3 lần tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, TP.HCM gửi thông báo quyết định đình chỉ vụ án và miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Văn An (SN 1978, tạm trú TP.HCM) trong vụ án “đá móp cửa ô tô, bị truy tố” xôn xao dư luận thời gian qua.

Đình chỉ là thượng tôn pháp luật

Như Báo Giao thông đã thông tin, qua 3 lần đưa ra xét xử và 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND quận 12 vẫn tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 3 đối với vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản” làm móp cửa xe ô tô xảy ra từ năm 2017. Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 11/6/2018, sau phần tranh luận khá căng thẳng, hồ sơ vụ án bộc lộ nhiều vi phạm tố tụng cũng như không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị cáo Nguyễn Văn An và hậu quả thiệt hại theo hồ sơ.

Đến đầu tháng 7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Văn An, đồng thời cơ quan này cũng hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông An.

Trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Chủ tịch TAT Law Firm) - người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn An cho biết: “Chúng tôi không bất ngờ về việc cơ quan tiến hành tố tụng đình chỉ vụ án. Đáng lẽ việc này cần diễn ra sớm hơn tại các lần trả hồ sơ điều tra bổ sung trước đó. Việc đình chỉ vụ án là hợp tình hợp lý. Bởi, quyết định này vừa giải quyết được mâu thuẫn trong dân sinh vừa cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng đã linh hoạt hơn trong việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án”.

Theo luật sư Tú, đối với những vụ án có tình tiết đơn giản, hành vi không nguy hiểm cho xã hội, hậu quả xảy ra không đáng kể như thế này thì không nhất thiết phải áp dụng những chế tài hà khắc. Mặt khác, điều này cũng cho thấy, quy định mới về “miễn trách nhiệm hình sự” tại Điều 29 BLHS năm 2015 trên tinh thần cải cách tư pháp đã phát huy hiệu quả trên thực tế. “Chúng tôi đã có buổi làm việc rất cởi mở, thẳng thắn, cùng góp ý với cơ quan điều tra để giải quyết vụ án trên tinh thần cải cách tư pháp, thượng tôn pháp luật. Chúng tôi đánh giá cao hướng giải quyết hiện tại của cơ quan tiến hành tố tụng, tuy phải mất một thời gian khá lâu (1 năm) nhưng quan trọng là cuối cùng vụ án đã có kết quả tốt đẹp, đúng pháp luật”, luật sư Tú nói.

Cân nhắc việc khởi kiện đòi bồi thường

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 8h30 ngày 30/6/2017, ông Nguyễn Văn An, làm nghề chạy xe tự do, sau khi nhận được điện thoại của khách hàng gọi đón xe, ông An đến cổng Công ty May Việt Hưng để chở khách. Tại đây, ông An và ông Nguyễn Văn Sáng đã xảy ra cự cãi dẫn đến hai bên xô xát khiến cả hai bị thương nhẹ. Sau đó, ông An đã dùng chân đạp vào cánh cửa xe ôtô của ông Sáng làm móp cửa xe. Kết quả giám định ngày 7/7/2017 của Hội đồng định giá xác định thiệt hại xảy ra là hơn 5,1 triệu đồng.

Sau sự việc xảy ra, cả hai bên đều bị xử phạt hành chính. Tiếp đó, ông An đã bồi thường cho ông Sáng số tiền 40 triệu đồng và ông Sáng có đơn xin bãi nại cho ông An. Tuy nhiên, ngày 12/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 đã khởi tố ông An. Ngày 30/11/2017 và ngày 19/4/2018, VKSND quận 12 đã ra cáo trạng truy tố ông An tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngày 8/5/2018, TAND quận 12 đã xét xử sơ thẩm lần đầu và ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hai lần sau đó, Tòa tiếp tục trả hồ sơ.

Những tình tiết trong vụ án này lập tức gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc “bé xé ra to”. Bởi lẽ thiệt hại không lớn nhưng không hiểu lý do vì sao các cơ quan tiến hành tố tụng rất “nhiệt tình” vào cuộc định giá, điều tra, truy tố, xét xử, chi phí tốn kém cả hàng tỷ đồng ngân sách chỉ để xử lý việc gây ra vết móp trên cửa xe có giá trị chỉ vài triệu đồng. Chưa kể, căn cứ buộc tội cũng không rõ ràng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông An cho biết, hơn 1 năm qua, ông bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên toàn bộ cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình bị xáo trộn, chưa kể những mệt mỏi về tinh thần. “Tôi đã phải bồi thường 40 triệu đồng và hơn 1 năm qua không kiếm được việc làm do bị cấm đi khỏi nơi cư trú, vợ và 3 con nheo nhóc. Sau khi vụ án được đình chỉ, tôi cảm thấy rất vui. Hiện, tôi cũng đã xin nghỉ việc hẳn ở công ty cũ và sẽ chuyển ra Bắc rồi đi kiếm việc làm. Về việc các cơ quan tố tụng làm oan cho tôi, tôi sẽ họp gia đình và cân nhắc việc có khởi kiện đòi bồi thường hay không”, ông An chia sẻ.

Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú cho biết, về cơ sở pháp lý, sau khi vụ án được đình chỉ, có thể điều tra viên tham gia điều tra vụ án sẽ bị nhắc nhở, xử lý trong nội bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.