Thông tin doanh nghiệp

Đô thị hóa và sự thay đổi khả năng tiếp cận ở Hà Nội

24/12/2015, 14:19

Ý tưởng bản quy hoạch là chuyển đổi từ cấu trúc đô thị đơn cực sang đa cực với 5 đô thị vệ tinh.

giaothong
Mô hình hóa quá trình tương tác của sử dụng đất và giao thông.

Từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sự phát triển của Thủ đô Hà Nội được đặc trưng bởi tốc độ đô thị hóa mạnh, tái cấu trúc đô thị, mở rộng đô thị nhờ sự chuyển đổi nhanh chóng từ nông thôn sang thành thị. Năm 2010 một bản quy hoạch tổng thể mới đã được đề xuất bởi Tư vấn quốc tế PPJ. Ý tưởng chính của bản quy hoạch là chuyển đổi từ cấu trúc đô thị đơn cực sang đa cực với 5 đô thị vệ tinh.

Tuy nhiên, tính khả thi của đề án này, đặc biệt là sự phát triển của các đô thị vệ tinh, là vấn đề được nhiều chuyên gia đem ra "mổ xẻ". Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình tự nhân bản Metronamica để đánh giá các tác động của những chính sách phát triển sử dụng đất và giao thông của Hà Nội.

Phương pháp mô hình hóa

Thành phố được chia thành mạng lưới các ô vuông có kích thước 50 x 50m. Mô hình sẽ mô phỏng quá trình đô thị hóa, chuyển đổi sử dụng đất của các ô từ năm 2002 - 2030.

Các ô đều có sức hấp dẫn riêng, tùy theo các điều kiện thuận lợi hay khó khăn mà các ô chuyển đổi từ loại hình sử dụng đất này sang loại hình sử dụng đất khác. Sự chuyển đổi này có thể bị thúc đẩy bởi 4 nhân tố cơ bản là:

Tính phù hợp, khả năng tiếp cận, chính sách quy hoạch và sự hấp dẫn ở vùng lân cận.Tính phù hợp phản ánh điều kiện môi trường vật lí, có thể hỗ trợ hoặc hạn chế sự phát triển của một loại đất nhất định. Ví dụ, khu vực đất bị ô nhiễm nặng hoặc khu vực đất thấp, thường xuyên bị ngập lụt sẽ không hấp dẫn cho sự phát triển đất sinh hoạt ở đô thị.

Khả năng tiếp cận phản ánh khả năng tiếp cận việc làm bằng phương tiện giao thông. Khả năng tiếp cận của một ô phụ thuộc vào số cơ hội việc làm ở ô đó, lượng thời gian di chuyển bằng một phương tiện nào đó (ví dụ xe máy, xe buýt) và sự chấp nhận hay không chấp nhận thời gian đi lại của người dân từ các ô khác đến ô đó.

Chính sách quy hoạch phản ánh tác động của chính sách quy hoạch không gian lên mục đích sử dụng đất. Ví dụ, hạn chế xây dựng khu công nghiệp trong khu vực dân cư.

Sự hấp dẫn ở vùng lân cận phản ánh sự tương tác lẫn nhau giữa các loại hình sử dụng đất ở 8 ô lân cận (tương đương phạm vi có bán kính 400 m).

Trên cơ sở 4 nhân tố trên, mô hình sẽ tính toán tổng điểm tiềm năng thay đổi cho từng ô để dự báo khả năng ô đó sẽ thay đổi sang loại đất chức năng có tiềm năng nhất tại mỗi thời điểm xem xét.

Cần đầu tư sớm hệ thống giao thông công cộng hiện đại, sức chở lớn

Nghiên cứu đưa ra một số kịch bản phát triển để đánh giá tác động của các chính sách quy hoạch phát triển đô thị và giao thông lên sự phát triển đô thị ở Hà Nội.

Kết quả mô phỏng ở tất cả các kịch bản cho thấy, Hà Nội có một đô thị lõi phát triển rất mạnh và rất khó bị phá vỡ. Trong trường hợp công tác quản lí quy hoạch lỏng lẻo, đô thị sẽ chỉ tập trung phát triển quanh đô thị lõi; Các nêm xanh, vành đai xanh sẽ biến mất.

Trong khi đó, các đô thị vệ tinh lại phát triển rất kém, có thể dự đoán là kém xa so với mong muốn trong bản quy hoạch của PPJ, kể cả trong trường hợp ưu tiên đầu tư sớm hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội ở các khu vực này. Việc đầu tư xây dựng một loạt các cầu bắc qua sông Hồng như cầu: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Tứ Liên sẽ tạo cơ hội thúc đẩy phát triển đô thị ở khu vực Gia Lâm, Đông Anh trong thời gian tới. Trong khu vực nội đô có hai trục đô thị sẽ phát triển rất mạnh nằm dọc theo đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, tiềm ẩn các nguy cơ tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng trong tương lai.

Về chính sách, Hà Nội cần thắt chặt công tác quản lí quy hoạch trong khu vực đô thị lõi và các đô thị sinh thái xung quanh như: Quốc Oai, Chúc Sơn. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư xây dựng ở các đô thị vệ tinh, kết hợp với việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội đồng bộ. Để hỗ trợ, Hà Nội cần đầu tư sớm hệ thống giao thông công cộng hiện đại, sức chở lớn và tốc độ cao kết nối giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh.

Tóm tắt Tham luận của ThS. Nguyễn Ngọc Quang - Đại học GTVT Hà Nội tại Hội thảo quốc tế “Tương lai của Vùng đô thị TP Hồ Chí Minh”. Hội thảo được tài trợ bởi Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức - DAAD

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.