Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản loay hoay tìm vốn

08/11/2022, 06:34

Trước những khó khăn đến từ tín dụng, phát hành trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản loay hoay tìm nguồn vốn từ quỹ đầu tư.

Doanh nghiệp chậm lương nhân viên

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, tính riêng tại thị trường TP.HCM, số lượng hàng tồn kho đã đạt 4.400 căn, chiếm 60% tổng hàng tồn kho sơ cấp trên toàn thị trường, mức cao nhất kể từ năm 2019.

Trong đó, phân khúc căn hộ hạng A và hạng B là dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng tồn kho, chiếm 89% tổng lượng hàng tồn kho tại thị trường TP.HCM.

img

Phân khúc căn hộ hạng A và hạng B là dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng tồn kho bất động sản (ảnh minh hoạ)

Lượng giao dịch căn hộ trong quý 3/2022 chỉ đạt 900 căn, giảm 89% so với quý 2/2022. Tỷ lệ hấp thụ đạt ở mức 15%, thấp nhất kể từ năm 2019. Trong đó, các dự án mới cũng chỉ đạt tỷ lệ hấp thụ 35%.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, hàng tồn kho luôn có tính “2 mặt”, cho nên không phải cứ tồn kho thấp là tốt và ngược lại, tồn kho cao là xấu. Tuy nhiên, nếu một lượng lớn doanh nghiệp cùng chịu sức ép tồn kho tăng cao trong bối cảnh thanh khoản thị trường xuống thấp như hiện nay lại là vấn đề đáng lưu tâm.

Trong khi đó, chuyên gia Savills cho rằng, động thái hạn chế dòng tín dụng vào BĐS khiến cả chủ đầu tư và người mua nhà đều gặp khó khăn. Tồn kho BĐS tăng cao cùng các nguồn vốn từ tín dụng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng “đuối sức” vì thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên thực tế, trên thị trường đã dần xuất hiện tình trạng doanh nghiệp nợ lương nhân viên. Doanh nghiệp phải chia nhỏ lương để trả nhiều lần trong tháng. Việc trả lương được ví như việc “chạy bữa”. Ngoài ra còn gồng gánh nhiều khoản bao gồm cả lãi vay.

Nhiều lối đi nhưng thiếu khả quan

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp địa ốc đang tìm đến hình thức huy động vốn mới từ các quỹ đầu tư, nền tảng công nghệ.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, kết quả hoạt động của Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) tại Việt Nam không mấy khả quan. Bởi hiện nay, theo Luật Chứng khoán 2019 đã cho thành lập quỹ đầu tư bất động sản nhưng lại là quỹ lai, tức là vừa cho phép đầu tư vừa cho phép tín thác bất động sản.

Tại Việt Nam, chứng chỉ quỹ REIT chưa phải là sản phẩm đầu tư phổ biến do những quy định về quỹ này chưa được hướng dẫn cụ thể, đồng thời nhà đầu tư vẫn e ngại sản phẩm tài chính mới mẻ này.

Nhận định tương tự đối với huy động vốn bằng công nghệ. Ông Lực cho biết, một số Proptech đã cung cấp các dịch vụ tài chính cho bất động sản (Real Estate Fintech), thường là là một ứng dụng, một website giúp huy động vốn cho thị trường bất động sản.

"Những ứng dụng cho phép các cá nhân có thể bắt đầu mua chung bất động sản với nhiều người và có thể đầu tư bất động sản chỉ với số vốn rất thấp. Tuy nhiên, khả năng huy động vốn qua kênh này còn khá hạn chế", ông Lực nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lo lắng, nếu các kênh huy động vốn không được “mở van” thì từ giờ đến cuối năm tình trạng doanh nghiệp địa ốc “đuối sức” sẽ ngày càng nhiều.

Do đó, Châu đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153 theo hướng chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, nhất là trái phiếu riêng lẻ để hoạt động phát hành trái phiếu trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa hiệu quả cho nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.