Doanh nghiệp gặp khó bởi Covid-19 có thể vay vốn lãi suất 0% để trả lương và phục hồi sản xuất từ gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ
Làm cách nào để tiếp cận gói vay ưu đãi nhanh nhất?
Câu hỏi này được đặt ra tại buổi họp báo công bố quyết định quy định thực hiện gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, ngay trong trưa nay, 7/7, trước giờ ban hành quyết định hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan chức năng đã thống nhất cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian tối đa trong việc giải ngân vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp trả lương và phục hồi sản xuất.
“Rút kinh nghiệm từ việc giải ngân gói cho vay 16 nghìn tỷ đồng năm 2020 không đạt yêu cầu, vì điều kiện khắt khe, thủ tục phiền hà…, lần này Chính phủ đưa ra những điều kiện, thủ tục thông thoáng tới mức không còn gì thông thoáng hơn”, ông Dung nói.
Cũng theo vị bộ trưởng, việc giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc vào cả phía người dân có muốn tiếp cận hay không!
“Chính phủ đã ban hành các điều kiện để ngay ngày mai Ngân hàng Chính sách xã hội có thể triển khai về địa phương, ngày kia (9/7-PV) đã có thể thể tiếp cận”, ông Dung nói.
Theo ông Huỳnh Văn Thuận, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ lần này, ước tính Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp khoảng 7.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%.
“Tới nay chúng tôi đã sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để triển khai ngay gói vay hỗ trợ này”, ông Thuận khẳng định.
Đơn giản hoá thủ tục, giảm thời gian giải quyết hỗ trợ
Phân tích về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, quyết định hướng dẫn đã quy định cụ thể về điều kiện vay vốn; mức cho vay, thời hạn cho vay; hồ sơ, trình tự, thủ tục vay; nguồn vốn cho vay, chi phí quản lý; chuyển nợ quá hạn, và xử lý rủi ro vốn vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội; xử lý rủi ro khoản nợ tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, đối với vay vốn trả lương ngừng việc, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên, trong thời gian từ 1/5/2021 đến 31/1/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
“Mức cho vay vốn cao hơn mức hỗ trợ nghị quyết số 42/NQ-CP. Trình tự thủ tục thực hiện chính sách này được kế thừa việc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời điều chỉnh việc thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện. Bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp”, ông Thanh phân tích.
Đối với việc vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
“Đây là chính sách mới, giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình”, ông Thanh cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận