Công nhân May 10 đang dồn lực ưu tiên những đơn hàng mang tính thời vụ để sẵn sàng cho hàng lên đường ngay khi có container
Trong khi chưa kịp khôi phục hoạt động bởi khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục chật vật xoay xở trong cơn “bão giá” đầu vào khi tỷ giá, cước vận chuyển, nguyên vật liệu... đều tăng từng ngày.
Đầu vào tăng ít nhất 30%
Ông Phạm Mai Long, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cơ điện và Thương mại MEGS cho biết, công ty đang cùng lúc chịu tác động lớn từ 3 yếu tố đầu vào như giá nguyên vật liệu, tỷ giá nhân dân tệ (NDT), cước vận chuyển đều tăng phi mã... Nhẩm tính, giá đầu vào ít nhất cũng phải tăng đến 30%”.
“Công ty nhập khẩu 1 container 40 feet hàng từ Thâm Quyến (Trung Quốc), chi phí vận tải khoảng 20 triệu đồng vào đầu tháng 2/2020, nhưng từ tháng 4/2020 đến cuối năm, chi phí này tăng lên 60 triệu đồng”, ông Long dẫn chứng.
Bên cạnh đó, nếu tính cùng thời điểm, tỷ giá NDT từ mức 3.300 VNĐ/NDT tăng lên gần 3.830 VNĐ/NDT, tương đương 16%; tỷ giá USD khi đó ở ngưỡng 23.300 VNĐ/USD, còn hiện nay đang ở mức gần 24.000 VNĐ/USD, tăng 3%.
Tham chiếu giữa các dòng tiền tại thị trường Việt Nam cho thấy, giá NDT tăng quá nhiều so với USD. Nếu quy đổi ra USD thì DN thiệt đơn thiệt kép khi độ vênh mua - bán giữa USD với VNĐ và VNĐ với NDT tương đối cao.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả quý I/2021 chỉ tăng 0,29%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm qua do việc mua sắm hạn chế.
Cũng theo vị giám đốc này, do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nên giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao, từ 30 - 70%. Đặc biệt, tăng mạnh đối với những thiết bị có chứa sắt, kim loại...
Chẳng hạn, mỗi năm trung bình chi mua nguyên liệu đầu vào khoảng hơn 2 triệu NDT, tương đương với 6,6 tỷ đồng với tỷ giá 3.300 VNĐ/NDT, nhưng thời gian qua, giá nguyên liệu tăng tối thiểu 30% - tức lên 2,67 triệu NDT, tương ứng với mức chi 10,226 tỷ đồng (ứng với tỷ giá tăng 3,830 VNĐ/NDT. Có nghĩa, mỗi năm công ty phải chi thêm 3,626 tỷ đồng khi chênh tỷ giá và tăng giá đầu vào.
Tương tự, ông Nguyễn Kim Tường, Giám đốc chuỗi cửa hàng thiết bị nhà bếp Ngọc Ánh thuộc Công ty TNHH TMDV NT Ngọc Ánh (TP HCM) cho biết, hệ thống phân phối của ông là đối tác của hơn 10 thương hiệu thiết bị nhà bếp như: Erosun, Bosch, Teka, Fandi, Cata... Hầu hết các thương hiệu đều đã nâng mức giá 20 - 30% từ trước Tết Nguyên đán, thậm chí có thương hiệu đã nâng giá lần 2 thêm 10% nữa.
Theo ông Tường, việc tăng giá đầu vào, ngoài ảnh hưởng đến lợi nhuận còn tác động đến tâm lý kinh doanh. “Mệt mỏi nhất là giải bài toán tinh thần với đối tác trong hệ thống, song song là các chính sách thu hút khách hàng”, ông Tường nói và cho biết, ngoài ra còn khó khăn trong khâu logistics khiến hàng hóa không thể về đúng thời điểm, không có hàng bán, không có hàng giao đến công trình xây dựng... DN không những mất vô số khách hàng mà còn suýt bị phạt hợp đồng giao khi quá thời hạn.
Không thể tăng giá, chỉ nỗ lực cắt giảm chi phí
Trước thực tế trên, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật cơ điện và Thương mại MEGS cho rằng, để khắc phục khó khăn, việc đầu tiên là giảm tối đa chi phí, hạn chế tăng giá để giữ khách.
“Thay vì bố trí 3 - 4 nhân viên kho, giờ chỉ giữ lại 1 - 2 người, cho kiêm luôn kiểm kê, bốc xếp, vận chuyển, quản lý...”, ông Long cho biết.
Còn đối với giá đầu ra, ông Long khẳng định, phần lớn hợp đồng phải giữ nguyên giá hoặc điều chỉnh khéo. Những thiết bị mua về bán dần có thể tăng giá, còn những đơn hàng đã được chốt giá hay hợp đồng thuộc công trình Nhà nước thì “bó tay” vì không có điều khoản thương lượng hay thay đổi giá.
Đồng quan điểm, ông Tường cũng chọn cách ngậm ngùi bù lỗ và giảm lợi nhuận để không tăng giá khi thực tế đã mất một số đối tác lớn từ việc ngỏ ý tăng giá vào thời điểm giá đầu vào tăng.
“Các đối tác có thể biết việc tăng giá là tình hình chung nhưng khi tâm lý đang đi xuống vì một năm làm ăn bết bát, lại nhận được thông báo tăng giá chắc hẳn họ cũng không hài lòng”, ông Tường giãi bày và cho biết, giải pháp DN chọn là giảm chi phí hoạt động bộ máy, tái cấu trúc lại tài sản hiện có, danh mục đầu tư. Tức là, giảm tất cả mọi chi phí, không đầu tư mở rộng, khen thưởng phụ thuộc vào kết quả kinh doanh.
Không chỉ các DN vừa và nhỏ, ngay cả những DN lớn, luôn đứng trong Top đầu tại Việt Nam cũng đành “bó tay” khi chịu tác động mạnh từ cơn “bão giá” này.
“Không thể tăng giá, không thể đàm phán giá. Đàm phán là đối tác cho nghỉ luôn khi hợp đồng được thiết lập từ lúc nhận đơn hàng cho đến lúc có đơn hàng để bán trong khoảng 6 tháng. Bình quân khoảng 4 tháng”, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết.
Cũng theo vị Tổng giám đốc này, May 10 cũng chịu tác động bởi 3 yếu tố đầu vào như trên, tuy nhiên nặng nhất vẫn là nguyên, vật liệu đầu vào và chi phí logistics.
Cụ thể, trước đây chi phí logistics khoảng 2.000 USD/container 20 feet; 4.000 USD/container 40 feet thì giờ lên đến 10.000 USD. Theo ông Việt, việc tăng giá này khiến lợi nhuận của DN giảm hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Ông Việt đánh giá, cơn “bão giá” để lại nhiều hệ lụy khi “sức khỏe” DN vốn đang yếu sẵn. Việc thiếu container rỗng, không phải chỉ là câu chuyện tăng cước phí mà còn ảnh hưởng đến thời gian giao hàng. Nếu nguyên vật liệu nhập khẩu chậm về thì giao hàng cũng bị lùi lịch.
“Lúc đó, chúng ta luôn treo “án” vi phạm hợp đồng, dễ ăn phạt và còn đối diện với nguy cơ mất đơn hàng, đặc biệt là các mặt hàng mùa vụ như với sản phẩm may mặc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài hoặc ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam nói chung”, ông Việt nhận định.
Doanh nghiệp Việt cần có định hướng dài hạn
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tác động trong làn sóng “bão giá” đối với DN Việt rất lớn khi năm 2020, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam.
“Năm ngoái là năm tỷ giá đồng NDT lên cao nhất suốt từ năm 2018. Trong tình huống này, chỉ có lợi cho nhập khẩu của nước này, tức xuất khẩu từ Việt Nam mới được hưởng lợi, còn nhập khẩu phải chịu thiệt hại. Thế nhưng, đối với thị trường Việt Nam, chúng ta nhập siêu tới 35,2 tỷ USD. Như vậy, DN của chúng ta thiệt nhiều hơn lợi”, ông Hiếu nói.
Theo vị này, đồng NDT có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế vững chắc của Trung Quốc và dòng vốn gia tăng. Vì thế, sẽ tiếp tục tăng hoặc ổn định ở mức cao. Đồng nghĩa với việc DN Việt cần có định hướng dài hạn, đàm phán mua bán với đối tác làm sao có thể chia sẻ rủi ro.
“Chung quy lại, có 2 yếu tố DN còn chịu tác động và phải lường trước. Một là, diễn biến dịch Covid-19; hai là tác động của thương mại Mỹ - Trung, làm cho tỷ giá chênh lệch USD và NDT tăng cao. Khi đó, công ty làm thương mại có thể bị ảnh hưởng ít, còn những DN sản xuất sẽ bị ảnh hưởng mạnh vì còn khấu hao, thời gian trễ khi hàng hóa về chậm, từ đó ảnh hưởng lãi suất vay vốn, nguy cơ mất hợp đồng vì không đúng thời gian”, ông Hiếu phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận