Chất lượng toa xe quá thấp, trong khi chi phí vận chuyển lại quá cao là nguyên nhân chính khiến khách hàng không mặn mà với vận tải đường sắt. Điều đó cũng lý giải cho việc sản lượng của loại hình vận tải này tiếp tục sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2019.
Thiếu toa xe, đội chi phí
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Trương Mạnh Hải, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Fococev Việt Nam cho biết, đơn vị bắt đầu vận chuyển hàng bằng đường sắt từ năm 2010. Suốt 8 năm qua gần như sản lượng vận chuyển bằng đường sắt không tăng đáng kể. Đến năm 2018, mới chỉ đạt 80.000 - 82.000 tấn. Con số này rất nhỏ bé so với nhu cầu hàng trăm nghìn tấn hàng lương thực sản xuất tại 11 nhà máy cần vận chuyển của đơn vị.
6 tháng đầu năm 2019, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội chỉ thực hiện được hơn 1,9 triệu tấn xếp, bằng 87% so với cùng kỳ; tấn dỡ thực hiện được hơn 1,8 triệu tấn, bằng 88%; doanh thu bằng 92,9%. Con số này ở Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn là hơn 438.000 tấn xếp, bằng 92,1% cùng kỳ; hơn 394.000 tấn dỡ, bằng 87,4%; doanh thu tàu hàng bằng 96,9%.
Nguyên nhân, theo ông Hải, toa xe của đường sắt vừa yếu về chất lượng, vừa thiếu về số lượng. Sản phẩm lương thực, thực phẩm khô của công ty có tính mùa vụ, cần toa xe G mui kín, nhưng thường đường sắt không đáp ứng được số lượng toa xe khi nhu cầu tăng cao. Chính vì vậy, công ty phải vận chuyển bằng phương tiện khác. “Cùng đó, dù đã kiểm tra kĩ toa xe trước khi xếp, hàng hóa vẫn bị ẩm, hỏng vì toa thấm, dột. Nhiều thì 1-2 tấn, còn 5-6 bao hàng bị ướt là thường xuyên. Đường sắt cần nâng cao chất lượng toa xe để giảm thiệt hại cho khách hàng”, ông Hải thẳng thắn nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy Ngân cho biết: “Chúng tôi vận chuyển bằng đường sắt khoảng 200.000 tấn/năm nhưng đa phần phải vận chuyển bằng toa xe H (toa xe thành cao, không mui - PV) vì không được cấp đủ xe G. Dù phủ bạt nhưng gặp mưa vẫn rất dễ bị thấm, hỏng hết hàng. Chưa kể bao bì bị bẩn, rất khó bán. Thành ra đội nhiều chi phí, ngoài tiền cước vận tải như áp tải hàng, trừ hao vì hàng hỏng, tiền phạt lưu hàng trên toa vì chưa dỡ kịp”.
Một lý do khác là tổng chi phí vận chuyển bằng đường sắt vẫn cao hơn các phương thức vận tải khác. Theo bà Trương Thị Thủy, Công ty CP Vận tải 1 Traco, đặc thù của vận tải đường sắt chỉ từ ga đến ga, chưa thực hiện được logistics nên khi cộng thêm các chi phí hai đầu như bốc xếp, kho bãi, vận chuyển đường ngắn đã đẩy tổng chi phí vận tải lên cao. Mặt khác, tính kết nối về hạ tầng giữa các phương tiện như đường sắt - cảng biển, đường sắt - đường thủy kém nên dù công ty có nhu cầu cũng không tăng được sản lượng vận chuyển bằng đường sắt.
“Tại đầu cảng Hải Phòng chỉ có cảng Chùa Vẽ là có đường sắt kết nối vào cảng. Mỗi ngày phía cảng sắp xếp dỡ 2 lần, mỗi lần dỡ 10 toa xe, trong khi cao điểm có ngày tàu liên vận quốc tế từ Trung Quốc về Hải Phòng 32 toa xe. Chúng tôi cũng đã thực hiện xếp dỡ tại các cảng có đường sắt khác như cảng Vật Cách, Greenport nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu khi cao điểm”, bà Thủy cho hay.
Nếu tính giá vận chuyển đơn thuần (tính cho đơn giá 1 tấn/km), giá cước đường sắt chỉ bằng khoảng 60-75% so với cước đường bộ. Nhưng nếu cộng thêm chi phí bốc xếp, vận chuyển đường ngắn hai đầu, giá thành vận chuyển đường sắt lại đội lên nhiều so với ô tô. Ví dụ tuyến Hải Phòng - Hà Nội, nếu cước đường sắt đơn thuần khoảng 1,8 triệu đồng/tấn, cộng chi phí hai đầu sẽ đội lên đến 6 triệu đồng, trong khi đi bằng ô tô chỉ khoảng 4,5 triệu đồng.
Đường sắt cần làm gì?
Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, công ty có hơn 2.780 toa xe hàng các loại. Tuy nhiên, trong đó có đến 346 toa xe đã sử dụng trên 45 năm, 1.068 toa xe đã sử dụng từ 30- 40 năm, 768 toa xe đã sử dụng từ 10-20 năm… số toa xe sử dụng dưới 10 năm là 431 xe, chỉ chiếm tỉ lệ 15%.
Còn ở Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, có hơn 1.100 toa xe hàng. Trong đó, có 219 toa xe đã sử dụng trên 45 năm, 215 toa xe đã sử dụng từ 40-45 năm, 192 toa xe đã sử dụng từ 35-40 năm, toa xe sử dụng dưới 20 năm.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập trên, tại hội nghị gặp gỡ khách hàng diễn ra vào cuối tháng 7/2019, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tới đây, đường sắt sẽ có giải pháp nâng cao chất lượng phương tiện; đồng thời tăng đầu xe xếp hàng, hạn chế tối đa việc ký hợp đồng vận chuyển mà không có toa xe xếp hàng hoặc cấp xe thay thế.
“Chúng tôi tiếp tục thực hiện đầu tư xã hội hóa phương tiện vận tải và xếp dỡ, đồng thời điều chỉnh linh hoạt giá cước theo từng giai đoạn và biến động thị trường để tăng khả năng cạnh tranh. Đẩy mạnh ký kết vận tải trọn gói, đầu tư thêm phương tiện vận chuyển đường ngắn hai đầu để giảm chi phí vận tải”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng cho biết, sẽ tập trung vào ưu tiên các mặt hàng có khối lượng lớn, truyền thống, ổn định và đi đường dài, đặc biệt là tàu chuyên tuyến. Ngày 31/7 vừa qua, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã khai trương tàu chuyên container nhanh 40 giờ, hành trình như tàu khách và thực hiện dịch vụ từ kho đến kho. “Đây là nỗ lực lớn của ngành đường sắt nhằm đưa ra sản phẩm mới, chất lượng hơn trong dịch vụ, hướng tới mục tiêu vận chuyển logistics đường sắt”, ông Hiệp cho biết.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đơn vị sẽ nỗ lực tập trung đầu tư xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, giảm chi phí xếp dỡ để giảm chi phí vận tải, thu hút hàng hóa. “Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất Nhà nước định giá lại hạ tầng 297 khu ga và giao cho tổng công ty để quản lý, bảo toàn và phát triển; đồng thời đầu tư hạ tầng, phương tiện khu ga nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần giảm chi phí logistics đường sắt”, ông Minh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận