CIENCO4 là đơn vị có mức chi trả cổ tức vào loại “khủng” nhất với mức 18% ( Trong ảnh: Công ty CP 471 - Công ty thành viên của CIENCO4thi công Gói thầu số 3, Dự án nâng cấp, cải tạo QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh: Hữu Tuấn |
Doanh nghiệp xây lắp chia cổ tức “khủng”
Theo thông tin của Báo Giao thông, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) xây dựng cơ bản đã “chốt” xong phương án chi trả cổ tức năm 2016 cho các cổ đông. Trong đó, Tổng công ty Xây dựng CTGT 4 (CIENCO4) là đơn vị có mức chi trả cổ tức vào loại “khủng” nhất với mức 18%.
“Doanh thu của toàn tổng công ty năm 2016 đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt trên 7 nghìn tỷ đồng, mức chi trả cổ tức cho cổ đông năm nay dự kiến 18%, bằng với năm 2015”, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CIENCO4 nói và cho biết thêm, DN này đã thực hiện xong việc chi trả cổ tức của quý I và quý II/2016 cho các cổ đông.
Với lĩnh vực hàng không, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietnam Airlines cho biết, DN chưa chốt kế hoạch chia cổ tức năm 2016. Mặc dù vậy, đại diện này cũng cho biết, năm nay, DN đạt lợi nhuận kỷ lục, gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm. Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines và các công ty thành viên ước đạt trên 76 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10%. Một DN hàng không khác là Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cũng có lợi nhuận ấn tượng trong năm 2016 với hơn 4 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu 14.504 tỷ đồng, đạt 120% kế hoạch năm, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết, dự kiến trong năm nay, ACV sẽ chia cổ tức ở mức 5% đúng như kế hoạch. |
Một thương hiệu lớn khác trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng đã xong phương án chi trả cổ tức cho các cổ đông ở mức hai con số là Tổng công ty Thăng Long. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổng giám đốc cho biết: “Năm 2016, doanh thu của công ty mẹ - Tổng công ty Thăng Long đạt 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 60 tỷ đồng. Chúng tôi dự kiến chi trả cổ tức cho các cổ đông ở mức 12%”.
Được biết đến là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ GTVT thực hiện CPH DN vào năm 2004, đến nay, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Doanh thu năm 2016 của Phương Thành Tranconsin đạt 1.600 tỷ đồng, gấp 40 lần so với năm 2004 (40 tỷ đồng). “Năm nay, chúng tôi dự kiến dành 80 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho các cổ đông với mức 16%”, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin nói.
Không kém cạnh các DN xây lắp, TEDI - DN tư vấn giao thông đầu ngành tiếp tục đưa ra mức chi trả cổ tức cho các cổ đông ở mức cao, lên tới 20%. Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), DN chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần từ tháng 6/2014. Đến tháng 5/2016, TEDI hoàn thành thoái toàn bộ vốn Nhà nước, trở thành công ty cổ phần 100% vốn ngoài quốc doanh. “Năm 2016, doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty đạt trên 800 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ đạt hơn 400 tỷ đồng, lợi nhuận trên 35 tỷ đồng. Đầu năm, chúng tôi dự kiến chi trả cổ tức ở mức 18%. Tuy nhiên, sau khi tổng kết kết quả kinh doanh, chúng tôi quyết định tăng mức chi trả cổ tức lên 20%, bằng năm 2015”, ông Sơn chia sẻ.
Doanh thu không lớn như các đơn vị xây dựng cơ bản, nguồn thu chủ yếu đến từ vốn đấu thầu duy tu đường bộ và một số dự án sửa chữa nhỏ, nhưng một số DN trong lĩnh vực đường bộ cũng đã có sẵn phương án chi trả cổ tức cho các cổ đông. Ông Cao Xuân Hoa, Giám đốc CTCP Quản lý và xây dựng đường bộ 470 cho biết: “Doanh thu năm 2016 của chúng tôi đạt 60 tỷ đồng. Dự kiến, chia cổ tức cho cổ đông ở mức 5%”. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc CTCP Đường bộ 240 chia sẻ: “Nghị quyết của đại hội cổ đông đặt mục tiêu sản lượng doanh thu năm 2016 là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu thực tế của công ty đạt 60 tỷ đồng. Với trên 100 cổ đông, cổ đông chi phối chiếm tới trên 80%, số còn lại là của cán bộ, công nhân, người lao động trong công ty. Dự kiến, chúng tôi chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2016 ở mức 3%”.
Tổng công ty Thăng Long dự kiến trả cổ tức ở mức 12% (Trong ảnh: Tổng công ty Thăng Long thi công cầu Rạch Chiếc) |
Cổ tức vận tải đường sắt vẫn “lẹt đẹt”
Nếu như năm 2016, các DN xây dựng cơ bản vẫn duy trì được đà tăng trưởng thì đây lại là năm khó khăn đối với các DN đường sắt, nhất là các DN vận tải và quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khi vừa bước sang hoạt động theo mô hình CTCP từ đầu năm.
Ông Trần Quốc Đạt, Phó tổng giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, hiện DN đang thực hiện công tác quyết toán nên chưa thể xác định được số liệu sản lượng, doanh thu chính xác.
Mặc dù vậy, ông Đạt cho rằng “khó có thể chia cổ tức”. Chỉ riêng hụt doanh thu về hành khách do vụ sập cầu Ghềnh khoảng 170 tỷ đồng và suy giảm khách du lịch do sự cố ô nhiễm biển cũng hơn 41 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn phải chi khoảng 122 tỷ đồng trợ giá tàu hành khách khu đoạn chủ yếu phục vụ dân sinh”, ông Đạt chia sẻ.
Tương tự, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn nói: “Với những khó khăn trong năm 2016, chúng tôi đang cố gắng cân bằng thu chi để không lỗ, chứ làm sao có lợi nhuận để chia cổ tức. Vụ sập cầu Ghềnh và các chi phí khác như chuyển tải hành khách do sập cầu, do mưa lũ đã đội chi khoảng 395 tỷ đồng”.
Không quá khó khăn như DN vận tải đường sắt, một số đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn đảm bảo được mức doanh thu ổn định. Ông Ma Ngọc Yên, Chủ tịch HĐQT CTCP Đường sắt Hà Ninh cho biết, do tiết kiệm các khoản chi phí trong năm, đổi mới và nâng cao công tác quản trị DN, cũng như tích cực tìm kiếm việc làm ngoài công ích nên đã đạt được các chỉ tiêu mà Đại hội cổ đông năm 2016 đề ra về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và cổ tức. “Doanh thu của công ty năm 2016 đạt trên 100 tỷ đồng, thu nhập người lao động bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng. Chúng tôi dự kiến chi trả cổ tức cho các cổ đông ở mức 8%”, ông Yên chia sẻ.
Đối với các DN cổ phần thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa, trong năm 2016, nhiều đơn vị bảo trì đã mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác như: Du lịch, vận tải, xây dựng, cho thuê phương tiện, xăng dầu... nên doanh thu đều vượt mục tiêu đề ra, dự kiến mức chia cổ tức của nhiều đơn vị cũng cao hơn năm 2015.
Ông Phạm Văn Phả, Giám đốc CTCP Quản lý đường sông số 3 cho biết: “Năm nay, chúng tôi tăng vốn điều lệ từ 9 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp hơn 7 lần so với năm trước. Giá trị cổ phiếu công ty tăng từ 10 nghìn đồng lên 16 nghìn đồng/CP. Công ty đã thưởng cổ phiếu cho người lao động, đồng thời dự kiến tỷ lệ chia cổ tức khoảng 7%”. Tương tự, ông Vũ Trung Tá, Tổng giám đốc CTCP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 chia sẻ, năm 2015, DN chia cổ tức hơn 3%, năm 2016 dự kiến ở mức 7,5%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận