Các đại biểu tham gia thảo luận về vai trò và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn |
Ngày 21/6, Hiệp hội các Doanh nghiệp rượu châu Á- Thái Bình Dương (APIWSA) và Công ty Pernod Ricard phối hợp cùng với Ủy ban ATGT quốc gia đã tổ chức hội thảo về “Vai trò và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp và hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực đồ uống có cồn, các đại diện của các tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục và các cơ quan địa phương như Hội Phụ nữ Việt Nam, Trường Đại học Y dược Huế, Học viện Cảnh sát nhân dân… đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy và nhân rộng các sáng kiến phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có việc phát huy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong công nghiệp đồ uống có cồn nói chung và doanh nghiệp nói riêng là điều rất cần thiết |
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, qua nghiên cứu các vụ TNGT, thấy phần lớn xảy ra do người lái vi phạm các nguyên tắc hết sức cơ bản về ATGT như: đi sai phần đường, làn đường, chuyển hướng thiếu quan sát , uống rượu bia, vượt sai quy định, trong đó sử dụng rượu bia khi lái xe chiếm tỷ lệ cao (khoảng 36% số vụ TNGT ngày thường và lớn hơn 60% dịp nghỉ lễ).
“Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh trong thời gian tới kéo giảm TNGT", ông Minh đề xuất.
Bà Trịnh Thị Vân Giang, Trưởng bộ phận bền vững và trách nhiệm xã hội, Công ty Pernod Ricard châu Á cho hay, sử dụng đồ uống có cồn ở mức hợp lý và có trách nhiệm là một phần của lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, lạm dụng đồ uống có cồn có thể gây ra những hâụ quả tiêu cực về sức khoẻ, kinh tế và xã hội.
Theo bà Vân Giang, thời gian qua, các doanh nghiệp rượu bia đã phối hợp triển khai một số dự án lớn về phòng chống lạm dụng chất có cồn như: Chương trình của Liên minh về Uống có trách nhiệm quốc tế (IARD) tại Việt Nam, Chương trình “Smashed” của công ty Diageo Việt Nam, Chương trình ATGT dành cho thanh niên – Safe Roads 4 Youth của Công ty Pernod Ricard Việt Nam, Chương trình về Uống có trách nhiệm và ATGT của APIWSA phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và CSGT, Dự án thí điểm Phòng chống và kiểm soát tài xế xe buýt tiêu thụ đồ uống có cồn tại các bến xe buýt…
Bà Trịnh Thị Vân Giang, Trưởng bộ phận bền vững và trách nhiệm xã hội, Công ty Pernod Ricard châu Á cho hay, thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn là một trong những giá trị cốt lõi của bất kỳ doanh nghiệp nào có trách nhiệm |
Tại chương trình, đại diện của Đại học Y dược Huế, Tỉnh đoàn Bắc Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trình bày kết quả nghiên cứu và đánh giá của dự án ATGT liên quan đến việc phòng chống lạm dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Các dự án được đánh giá đã thay đổi nhận thức thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông, từ đó lan toả tích cực đến toàn xã hội và xây dựng được đội ngũ truyền thông viên ATGT cơ sở.
Đánh giá cao về các chương trình phối hợp này, tiến sĩ Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, cần phải có sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, giáo dục ở cấp cơ sở để làm thay đổi hành vi uống thiếu trách nhiệm; đồng thời cần phải có những giải pháp kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm của các loại rượu sản xuất thủ công hiện đang chiếm đến 75% lượng đồ uống có cồn đang tiêu thụ trên thị trường.
Đại diện Tỉnh đoàn Bắc Giang và các truyền thông viên Chương trình ATGT dành cho thanh niên – Safe Roads 4 Youth của Công ty Pernod Ricard Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền ATGT |
Tiến sỹ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những qui định trong Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào các hoạt động kiểm soát lạm dụng rượu, bia như uống có trách nhiệm, nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật và tuyên truyền, giáo dục ở cấp cơ sở để làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tiêu thụ rượu, bia.
Tuy nhiên, tiến sỹ Việt lo ngại rằng nếu Dự Luật này được thông qua với qui định về việc các doanh nghiệp phải đóng góp bắt buộc vào Quỹ sức khỏe hay ngân sách nhà nước cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia thì các doanh nghiệp sẽ không còn ngân sách và sự chủ động để thực hiện những hoạt động này.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam |
Ông Việt cũng khẳng định tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp là biện pháp hiệu quả và kinh tế để giải quyết các vấn đề lạm dụng bia, rượu. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu bia tại Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chính phủ để thực hiện những hoạt động và sáng kiến đã được triển khai rất thành công ở nhiều địa phương trên khắp cả nước.
“Với kinh nghiệm nhiều năm, mạng lưới trong nước và quốc tế, cùng với năng lực thực hiện những chương trình trách nhiệm xã hội trong phòng, chống tác hại rượu bia, chúng tôi rất mong nhà nước có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp tục thực hiện và nhân rộng những chương trình này”, bà Trịnh Thị Vân Giang đồng tình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận