Theo Dự thảo Quy chế, từ năm 2019 -2024, các hãng taxi hoạt động tại Thủ đô phải có cùng màu sơn, chia vùng phục vụ - Ảnh: Tạ Tôn |
Sơn lại màu xe 30 triệu đồng/chiếc rất tốn kém
Điểm đáng lưu ý, trong dự thảo đề xuất thành lập tổng đài điều hành chung cho taxi của các đơn vị kinh doanh vận tải taxi trên địa bàn thông qua hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm. Mỗi taxi chỉ được khai thác 8 năm kể từ năm sản xuất. Cùng đó, Hà Nội sẽ phân vùng dịch vụ taxi theo địa giới hành chính gồm 2 vùng nội thành và ngoại thành. Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội thống nhất màu sơn taxi theo khu vực nội thành và ngoại thành.
Dự thảo cũng quy định rõ taxi chỉ được dừng, đón, trả khách tại các điểm có biển báo, vạch sơn kẻ đường trong thời gian không quá 2 phút. Tại các điểm đỗ xe công cộng, taxi không được dừng quá 20 phút, nếu lâu hơn phải nộp phí trông giữ xe theo quy định. Đáng chú ý, taxi hoạt động tại ngoại thành khi vào nội thành chỉ được trả khách, không được đón khách.
Dự thảo còn nêu rõ UBND TP Hà Nội sẽ lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch. Đồng thời, căn cứ số lượng tổng hợp hằng năm để thực hiện bổ sung các phương tiện taxi hết thời gian khai thác, số lượng xe phát triển theo quy hoạch.
Theo lộ trình dự thảo đề xuất, từ năm 2018 sẽ thống nhất thiết kế màu sơn chung cho taxi; từ năm 2019-2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung; từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với taxi hoạt động trên địa bàn TP. Từ 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành taxi (đặt/gọi taxi). |
Chia sẻ về các quy định này, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn taxi Mai Linh cho rằng, hiện tại thành phố có gần 100 hãng taxi lớn nhỏ hoạt động trên 20 năm. Nhắc tới taxi Mai Linh, khách hàng sẽ nghĩ đến xe taxi màu xanh lá; Taxi Group có màu trắng viền đỏ, Taxi ABC với màu sắc đặc trưng trắng và ghi viền hồng…
“Khi màu sơn được đồng nhất, hành khách rất khó nhận diện được logo thương hiệu, đèn mào, số điện thoại riêng của hãng taxi”, ông Huy nói và cho biết thêm, việc quy định cùng một màu sơn không những ảnh hưởng tới thương hiệu doanh nghiệp phải dày công xây dựng hàng chục năm còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn chụp giật có điều kiện tung hoành.
Vì thế, các hãng taxi lớn trên địa bàn Hà Nội vừa họp với nhau và đều kiến nghị chỉ nên trang trí lo go, màu sắc riêng cho Hà Nội nhưng vẫn bảo đảm màu riêng đặc trưng cho mỗi doanh nghiệp.
Lãnh đạo hãng taxi Thành Lợi cũng cho biết, mỗi chiếc xe đi sơn lại phải mất gần 30 triệu đồng (mức giá niêm yết ở các đại lý bán xe). Với số lượng hàng trăm xe, các hãng sẽ phải chi nhiều tỷ đồng chỉ để sơn lại màu xe. “Nếu những quy định này được thông qua sẽ gây tốn kém, lãng phí, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”, lãnh đạo taxi Thành Lợi nói.
Bên cạnh phản ứng về việc taxi phải khoác chung màu áo, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc chia vùng hoạt động nội – ngoại thành là rất bất cập. Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT Taxi Thành Công cho rằng, việc phân chia ra thành taxi ngoại thành - taxi nội thành và taxi khu vực nào chỉ được đón khách ở khu vực đó, thậm chí bị khống chế cả thời gian và địa điểm dừng đỗ trong nội thành đối với taxi ngoại thành gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
“Đây không phải là quản taxi mà đây là hạn chế vùng kinh doanh của taxi. Chúng tôi đang phải cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ, giờ lại bị hạn chế vùng phục vụ thế này, làm sao kinh doanh nổi”, ông Quân nói.
Dưới góc nhìn khác, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên bộ môn Kinh tế vận tải, Trường Đại học GTVT cho rằng, chúng ta nên học các nước phát triển như: Hong Kong, Úc và một số nước khác, họ phân biệt màu sơn để nhận biết các xe ở các tỉnh khác đi vào thành phố và có quy định việc lưu thông vào thành phố như thế nào.
"Chẳng hạn như ở Hong Kong, họ không cho xe màu vàng đi vào trung tâm thành phố, chỉ các xe màu đỏ được phép ra vào thành phố, như vậy sẽ không làm tăng cục bộ số lượng xe trong thành phố. Hoặc như ở Úc, họ cho xe taxi tỉnh lẻ được vào thành phố nhưng phải trả một khoản chi phí rất cao”, TS. Thủy nói.
Các hãng taxi tại Hà Nội hiện đáp ứng 2% nhu cầu đi lại của người dân - Ảnh: Tạ Tôn |
Tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp
Trao đổi với Báo Giao thông về ý kiến của các hãng taxi, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội (đơn vị chắp bút dự thảo) cho biết, thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 77 hãng taxi với hơn 19.000 xe, vận chuyển 110 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng 2% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Cùng đó, có khoảng 3.000 xe taxi ngoại tỉnh đang hoạt động, chưa kể taxi công nghệ... dẫn đến tình trạng bát nháo trong hoạt động taxi. Thời gian qua, rất nhiều hành vi vi phạm của taxi bị phát hiện và xử phạt như: Dừng đỗ sai quy định, tranh giành khách, taxi dù, gian lận cước…
“Do vậy, trong dự thảo lần này, chúng tôi có những đề xuất nhằm quản lý hoạt động taxi chặt chẽ hơn. Cụ thể, Hà Nội sẽ quản taxi với 3 vấn đề chính: Quản lý taxi Hà Nội theo vùng và màu sơn; các doanh nghiệp phải sử dụng chung trung tâm điều hành; doanh nghiệp phải đấu thầu quyền khai thác xe sau 8 năm”, ông Long nói.
Ông Long cho biết, việc sơn chung màu sẽ giúp cho các hãng taxi công bằng trong kinh doanh vận tải. Các lực lượng chức năng của thành phố cũng dễ nhận biết taxi nội, ngoại thành... từ đó, công tác quản lý, xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn.
“Có thể ban đầu các hãng sẽ khó khăn khi mất thương hiệu, nhưng lâu dần khách sẽ quen. Sau khi chia vùng hoạt động, taxi ngoại thành chỉ được phép vào nội thành để trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại”, ông Long nói và cho biết, trước khi dự thảo được thực thi, thành phố cũng sẽ tiếp nhận ý kiến, phản hồi của các doanh nghiệp vận tải taxi, các chuyên gia...
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đối với doanh nghiệp taxi, mỗi năm chuyên chở khoảng 150 triệu lượt khách, thành phố không phải bỏ ngân sách đầu tư, còn thu được hàng nghìn tỉ đồng từ thuế. Bởi vậy, TP Hà Nội cần cân nhắc khi đưa ra dự thảo gây ra nhiều ý kiến trái chiều này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận