Các đơn vị xe buýt đang kiến nghị TP nâng thời hạn đề án đổi mới 1680 xe buýt để các doanh nghiệp có thêm thời gian cho các đơn vị vận tải thay đổi phương tiện |
Trước thông tin về việc TP sẽ cho đấu thầu toàn bộ các tuyến xe buýt trên địa bàn TP, các đơn vị vận tải xe buýt đứng ngồi không yên với đề án đổi mới xe buýt của TP trong giai đoạn 2014-2017 đang đến gần…
Tại Quyết định số 2545/QĐ-UBND TP.HCM về việc phê duyệt đầu tư dự án 1680 xe buýt trong giai đoạn 2014-2017, TP chỉ đạo các đơn vị xe buýt từng bước thay thế các phương tiện xe buýt hoạt động vận tải hành khách công cộng đã cũ kỹ, không đúng tiêu chuẩn xe buýt hiện nay tại các HTX, doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng. Đồng thời tạo bộ mặt mới cho xe buýt thành phố để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân góp phần thu hút người dân đi xe buýt, giảm dần lượng xe cá nhân.
Nhưng đến thời điểm này, theo các đơn vị vận tải hành khách công cộng, để có thể tham gia đề án đổi mới 1680 xe buýt mà thành phố đã ban hành, các đơn vị đang gặp một số khó khăn, vướng mắc và rất cần sự hỗ trợ của Sở GTVT cũng như UBND TP.HCM.
Các doanh nghiệp vận tải xe buýt cho rằng, hiện nay để tham gia thay đổi phương tiện, các HTX và thành viên phải tính toán, suy nghĩ rất kỹ mà đầu tư phương tiện làm sao có đủ doanh thu để chi trả chi phí đầu tư và gốc, lãi vay ngân hàng trong suốt quá trình tham gia đề án.
Trong khi đó, thời gian tới TP sẽ cho đấu thầu các tuyến xe buýt trên toàn thành phố. Như vậy, thông tin này khiến các doanh nghiệp không dám đầu tư thay đổi phương tiện theo đề án đã được duyệt.
Do đó, các đơn vị vận tải hành khách công cộng đề xuất cần bổ sung cơ chế trong đầu tư đề án này. Cụ thể, đối với những tuyến đầu tư thay đổi phương tiện xe buýt mới 100% không phải đấu thầu tuyến trong thời hạn 7-10 năm, mà sử dụng cơ chế đặt hàng như đề xuất của Sở GTVT và Sở Kế hoạch Đầu Tư TP (có mức lũy tiến năm) để nhà đầu tư yên tâm. (kể cả những tuyến đã đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng khí ga CNG và xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu từ năm 2012 đến nay).
Khi đầu tư xe buýt mới, cần ổn định việc trợ giá trong suốt quá trình tham gia đề án, để nhà đầu tư có doanh thu nộp gốc, lãi cho ngân hàng, từ đó kích thích HTX, doanh nghiêp tham gia thay đổi phương tiện cũ và chưa đạt chuẩn xe buýt, đồng thời giữ uy tín với ngân hàng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã vận tải Thành phố cho biết, dự án 1680 xe buýt theo Quyết định 2545/QĐ-UBND có thời gian từ năm 2014-2017 là quá ngắn. Vì vậy đề xuất Sở GTVT, Trung Tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng xem xét kiến nghị UBND TP gia hạn thêm đến năm 2020 nhằm có thêm thời gian cho các đơn vị vận tải thay đổi phương tiện; Đồng thời, các đơn vị có kế hoạch đầu tư các tuyến thu gom, phục vụ cho tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành vào năm 2020 và các tuyến Metro khác, góp phần tạo bộ mặt mới về vận tải hành khách công cộng tại TP. HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận