Thị trường

Doanh nghiệp vẫn còn khốn khổ vì luật chồng chéo

02/01/2020, 06:06

Đôi khi phải mất 2-3 năm mới hoàn thành thủ tục để một dự án đi vào hoạt động, thời gian dài như vậy sẽ làm mất tính thời cơ của doanh nghiệp.

img
Người dân làm thủ tục tại UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Tấn Minh

Không chỉ nhiều điều kiện kinh doanh, nhiều thủ tục cài cắm mà không ít văn bản đang chồng lấn lên nhau. Khó thực hiện, địa phương tham vấn bộ, ngành thì nhận được câu trả lời “thực hiện theo quy định pháp luật”.

Chuẩn bị cho “cuộc chiến” trong 2020

Thông tư là lá héo, lá loằng ngoằng. Nếu để thông tư thì bỏ nghị định. Bởi để cả hai là sai nguyên lý, nguyên tắc. Chúng ta qua rồi giai đoạn sống vì lượng, nay phải vì chất lượng. Mà pháp luật là cái đầu tiên, dẫn dắt những cái khác. Để có chất lượng hay không mà Luật như này là chết, chỉ thụt lùi.
Luật sư Trương Thanh Đức


Khi rà lại các văn bản pháp luật để thống kê lại sự chồng chéo như mạng nhện, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI tiếp xúc với lãnh đạo ở nhiều địa phương. Ông Tuấn kể, các địa phương bức xúc và kêu nhất là sự chồng chéo của các văn bản pháp luật ở 3 lĩnh vực là đầu tư, môi trường và xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư.

Có lãnh đạo một địa phương đã than phiền với ông Tuấn về sự không thống nhất trong việc thẩm định hồ sơ, thời hạn cấp phép và chấm dứt dự án đầu tư… Cấp phép thì luật này quy định Sở KH&ĐT nhưng luật khác lại quy định Sở chuyên ngành. Rồi có những văn bản quy định về thủ tục mà bản thân cả nhà đầu tư và lãnh đạo địa phương không biết thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau.

Điều này dẫn tới tình trạng một số tỉnh thực hiện đồng thời hai thủ tục, nhưng một số địa phương vì không chắc chắn đã ngưng thực hiện tạo ra sự đình trệ. Đơn cử như thủ tục chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất, Luật Đầu tư quy định thời hạn 24 tháng nhưng Luật Đất đai lại chỉ cho 12 tháng thực hiện.

Trước nhiều bất cập như trên, một chủ tịch tỉnh nói với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc rằng, khi hỏi bộ, ngành T.Ư thì các bộ ngành trả lời là “làm theo quy định pháp luật”. Vòng luẩn quẩn, mớ bòng bong khiến địa phương và doanh nghiệp rơi vào thế khó.

“Mà một doanh nghiệp đôi khi phải mất 2-3 năm mới hoàn thành thủ tục để dự án đi vào hoạt động. Thời gian dài như vậy sẽ làm mất tính thời cơ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp định sản xuất một mặt hàng để tiếp cận thị trường, nhưng vì chậm đi 2-3 năm khi đó cơ hội thị trường biến mất, thậm chí còn trở thành bẫy, thành gánh nặng cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian ngắn, VCCI tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương và đã thu thập hàng trăm ý kiến phản hồi. “Ban đầu, chúng tôi đưa ra bức tranh tương đối tự tin là chồng chéo và mới dừng cấp độ luật, nhưng thực tế nó muôn hình vạn trạng. Luật chồng luật, luật chồng nghị định, nghị định chồng nghị định, nghị định chồng thông tư. Rất phức tạp!

Chúng tôi mới chỉ đang tập trung vào sự chồng chéo giữa luật với luật bởi luật là gốc rễ và Quốc hội cũng đang soạn thảo lại nhiều luật”, ông Tuấn nói và cho biết, sau khi rà soát, VCCI phát hiện 25 điểm chồng chéo về trình tự, thủ tục đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh, đất đai, nhà ở, tài nguyên nước, khoáng sản... và coi đây là trọng tâm cần “chiến đấu” trong năm 2020.

Lỗi của quá trình lập quy, lập pháp?

Nếu các đình trệ lớn được tháo gỡ sẽ có nhiều công trình xây dựng được nhanh chóng triển khai, tạo nguồn thu cho các địa phương. Như TP HCM hiện có hàng trăm dự án, nếu được tháo gỡ sẽ đóng góp lớn cho ngân sách TP. Nên có tháo gỡ tổng thể, nếu làm được thì tăng trưởng GDP hàng năm sẽ cao hơn con số 7,02% của năm 2019 rất nhiều.
Ông Đậu Anh Tuấn


Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư - CIEM Nguyễn Đình Cung là tác giả của nhiều “đời” Luật Doanh nghiệp rất đau đáu với vấn đề này. Theo dõi một quá trình rất dài, ông Cung nói, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Đầu tư đã được phát hiện từ năm 2003. VCCI khi đó đã được tổ chức tài chính IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới) hỗ trợ kinh phí thực hiện khảo sát.

Sau đó, cuộc cải cách tiến hành từ địa phương kéo dài đến 2009. “Thời đó, các địa phương rất hăng hái vì cần thu hút đầu tư. Nhưng sau này, tình trạng chồng chéo không giảm đi mà càng tăng lên. Và tinh thần cải cách cũng giảm dần đi do cải cách mãi mà bất cập vẫn tăng”, ông Cung kể.

Từng là một cán bộ trong một cơ quan Nhà nước và tham gia xây dựng văn bản pháp luật, ông Đoàn Tử Tích Phước (Giám đốc Pháp lý và Chính sách - VPĐD công ty BowerGroupAsia tại Việt Nam) đã chuyển ra khu vực tư nhân và có sự so sánh khá rõ nét để thấy được gốc rễ của vấn đề.

Ông Phước cho biết, không hẳn tất cả các văn bản đều bị cài cắm lợi ích mà nhiều trường hợp quy định chồng chéo do lỗi của quá trình lập quy, lập pháp. Bởi các bộ ngành rất thích mang số lượng văn bản pháp luật xây dựng được ra báo cáo như một thành tích. Trong khi đó, các văn bản đa phần gồm nhiều nội dung, được chia nhỏ cho các nhóm và “chẳng may” lại giao cho chuyên viên mới làm việc được vài tháng hay vài năm, kiến thức mỏng, kinh nghiệm thực tế không có.

Thêm nữa, các góp ý thường bị lờ đi và các dự thảo sau khi đã nhận được góp ý lại không công khai và có trường hợp lúc đó ban soạn thảo mới đưa thêm nội dung khác vào. Đến khi ban hành khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Chi phí xây dựng văn bản quá thấp cũng không thể cho ra sản phẩm chất lượng. “Chi phí xây dựng một nghị định từ 40-60 triệu đồng, thông tư từ 15-30 triệu đồng. Số tiền này chỉ tương đương 5-7 giờ lao động của một luật sư. Với kinh phí như thế sao có quy định tốt phục vụ thị trường được?”, ông Phước đặt câu hỏi.

Phải là con sông hiền hòa, chở nước ngọt phù sa

Đây là nguyện vọng của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đối với “dòng sông” thể chế. Ông Lộc hy vọng rằng, con sông thể chế được cải cách sẽ thật “hiền hòa, thật đẹp và thật xúc động”.

“Dòng sông này cuốn phăng mọi rào cản, khơi nguồn cho sáng tạo”, ông Lộc nói lên kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Sau làn sóng cải cách cắt giảm điều kiện kinh doanh mấy năm qua, VCCI hy vọng đợt cải cách gỡ bỏ những chồng chéo pháp luật lần này được thực hiện trên phạm vi rộng hơn sẽ là làn sóng cải cách mới tạo động lực mới cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Đình Cung, muốn cải cách phải chạm vào cái gốc vấn đề là hạn chế quyền ban hành văn bản của các bộ ngành (cấp thông tư – PV). “Chúng ta đã ngăn cản được việc ban hành nghị định rồi thì nay phải có công cụ ngăn cản ban hành thông tư. Chỉ cái gì thực sự cần đến thông tư và phải cơ quan nào có quyền mới được ban hành thông tư. Không thể một năm cứ ban hành thông tư rồi năm sau sửa. Không thể chấp nhận trong một thị trường cần sự minh bạch và sự tiên đoán. Bởi những thứ này gây cho doanh nghiệp biết bao nhiêu chi phí, rủi ro phát sinh”, ông Cung nói.

“Tôi kiến nghị phải lập một Tổ đặc biệt chỉ có chuyên gia và doanh nghiệp, không có cơ quan Nhà nước. Tổ này dưới sự chỉ đạo của ít nhất là Phó Thủ tướng, nếu là Thủ tướng thì càng tốt; Và phải làm đầy đủ thời gian trong vài ba tháng, ngồi một chỗ, sửa nhiều luật hay soạn 1 luật sửa nhiều luật cũng được. Nhưng phải có cách nhìn độc lập theo chiều ngang. Còn nếu không thì vẫn tồn tại tình trạng biết rồi khổ lắm nói mãi và không thể giải quyết được vấn đề”, ông Cung kiến nghị.

Từ kiến nghị của ông Cung, theo ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, làm sao đánh vào gốc mới hiệu quả chứ chỉ tỉa “cành”, tỉa “lá”, đung đưa “cây” thôi thì không có tác dụng. “Tôi đề xuất thay vì cắt bỏ, đôi co mãi mấy điều kiện kinh doanh thì phải có giải pháp mạnh là bảo vệ quyền kinh doanh, cho phép doanh nghiệp và người dân kiện để được hủy bỏ văn bản pháp luật”, ông Đức nói và cho rằng nếu làm được thì lập tức “cây” sẽ rung ngay vì liên quan tới trách nhiệm bồi thường cụ thể của từng bộ, ngành đã ban hành văn bản pháp luật đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.