Những ngày qua, khi xăng dầu tăng giá ở mức cao, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hoá và hành khách ở Gia Lai - Kon Tum nhấp nhổm đứng ngồi không yên...
Vận tải hàng hoá chịu ảnh hưởng lớn do giá xăng dầu đang tăng lên.
Trao đổi với Báo Gia thông, ông Đoàn Ngọc Sự chủ doanh vận tải Ngọc Nhân Tp. Pleiku (Gia Lai) cho biết, những ngày gần đây giá xăng dầu tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa có ý định tăng mức giá cước vận tải hàng hoá.
Ông Sự cho biết, hiện tại đơn vị đang xây dựng mức giá cước đối với xe ben 3000đ/m3/km đối với loại đường khó, đường cấp độ 2. Còn ở đường thuận lợi như quốc lộ thì giá đang tính ở mức 2.500đ/m3/km.
Ông Sự cho biết thêm, hiện nay giá xăng dầu đang ở mức cao, nếu tình trạng này kéo dài thì đơn vị vận tải sẽ phải tăng giá cước. Việc tăng giá cước này hoàn toàn phụ thuộc vào giá xăng dầu để vận tải hàng hoá. “Giá xăng dầu lên thì buộc phải tăng cước là điều đương nhiên. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ đẩy nhiều mặt hàng khác phải lên theo vì giá bán buộc phải cộng cước vận tải vào”.
Cũng theo một chủ doanh nghiệp vận tải hàng hoá khác tại Gia Lai cho biết, hiện giá dầu ở mức rất cao, doanh nghiệp buộc phải tăng giá cước là điều đương nhiên. Xe vận tải hàng hoá tốn nhiều chi phí cho vận tải hàng hoá. Cái thiệt nhất hiện là nông sản của bà con ở các vùng khó. Đường đi lại khó khăn, nông sản thì nằm tút trong núi, trong rẫy.
Nhiều hộ dân nông sản nhỏ lẻ sẽ ngại việc việc cước vận tải tăng lên. Nhưng mà rất khó, đó là vấn đề bắt buộc. Nông dân muốn có lời, mua cái xe vận tải cũng phải có lời mới chuyên chở được. Nên rõ ràng, việc tăng giá cước ảnh hưởng rất lớn đến nông sản. Mà giá xăng dầu tăng thì bất cứ ông xe tải nào cũng phải tặc lưỡi: “Tăng tiền chở do xăng tăng mà!”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hồng Hải, chủ nhiệm Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Gia Lai cho biết, trước tình xăng dầu tăng ở mức cao các doanh nghiệp vận tải cả hàng hoá lẫn hành khách đều “khóc ròng”. Hiệp hội vừa tổ chức cuộc họp bàn về vấn đề tăng giá cước vận tải. Qua tính toán, giá xăng dầu tăng lên khoảng 8.000 đồng/lít thì buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh mức giá cước vận tải tăng lên 16%.
Đơn cử như hãng xe vận tải hành khách Hồng Hải trước đây giá vé đi TP.HCM ở mức 300.000 đồng/khách sẽ tăng lên ở mức giá 350.000 đồng đối với loại xe khách 31 phòng. Hiện nay, lượng khách sau Tết rất ít, phần lớn người dân ngại đi lại do dịch bệnh Covid-19 bùng lên. Hiện tại các hãng vận tải hành khách hiện rất ít khách. Đơn cử như mỗi ngày doanh nghiệp vận tải hành khách Hồng Hải có 4 tài đi TP.HCM và ngược lại, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 1 tài.
Còn tại Kon Tum, trao đổi với Báo Giao thông ông Bùi Ngọc Sỹ, chủ nhà xe Minh Quốc cho biết hiện tại đơn vị đang rất lo lắng trước việc xăng tăng giá. “Trước tết, đồng loạt nhiều doanh nghiệp vận tải tỉnh xin chủ trương tăng giá vé xe. Mới đây, xăng tăng giá nên doanh nghiệp ở đây cũng rất khó để tăng giá vé, ông Sỹ cho biết chúng tôi đứng ngồi không yên trước việc xăng tăng giá, mọi thứ đều tăng lên. Mà tăng lên giá vé bà con lại vất vả thêm...”, ông Sỹ nói.
Liên quan đến việc các doanh nghiệp vận tải tỉnh Gia Lai "nhấp nhổm" trước giá cước vận tải buộc phải tăng do giá xăng dầu, đại điện sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay đã có 01 đơn vị điều chỉnh tăng giá cước là hãng xe Hồng Hải. Còn đối với giá cước vận tải hàng hoá không có quy định. Cách tính giá cước sẽ do tính cạnh tranh vận tải quyết định. Theo đó, đơn vị hoặc cá nhân kinh doanh vận tải sẽ thoả thuận với người có nhu cầu để có mức giá hợp lý.
Cũng theo đại diện của Sở GTVT tỉnh Gia Lai, việc xăng tăng giá buộc các doanh nghiệp phải tăng lên là điều đương nhiên. Tuy nhiên, Sở GTVT sẽ có những buổi làm việc với Hiệp hội vận tải ô tô để kiểm soát mức tăng giá cước vận tải không để xảy ra việc lợi dụng xăng mà tăng giá vé bất hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận