Tài chính

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng điêu đứng vì hàng ngoại

23/07/2023, 07:30

Hàng rào thuế quan từng bước gỡ bỏ khiến nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt điêu đứng vì cạnh tranh không lại với hàng ngoại nhập...

Mối đe dọa từ gạch ốp lát Ấn Độ, thép Trung Quốc

Từ năm 2022 đến nay, ngành gạch ốp lát trong nước chịu sức ép ngày một tăng khi gạch Ấn Độ tràn vào.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, điều hành hệ thống vật liệu xây dựng ở Thanh Hóa than thở: “Chưa bao giờ kinh doanh khó khăn như hiện nay. Trước đây, mỗi năm doanh thu vài trăm tỷ đồng thì nay giảm khoảng 40%”.

Ông Hùng kể, thời điểm từ 2020-2021, các nhà máy của Ấn Độ đã cử đại diện thương mại tới Việt Nam chào hàng.

img

Một kho vật liệu xây dựng ở Thanh Hóa chứa đầy gạch ốp lát từ Ấn Độ.

Lúc đầu, chỉ một số showroom “máu mặt” ở các thành phố lớn trưng bày bán thêm, nhưng đến nay gạch Ấn Độ xâm nhập vào tận các showroom nhỏ lẻ ở tuyến tỉnh, tuyến huyện. Nhu cầu thị trường cũng tăng cao khi lượng người hỏi mua ngày càng nhiều.

Theo ông Hùng, hiện giá gạch ốp lát Ấn Độ dao động từ 90 nghìn đồng đến nửa triệu đồng/m2, trung bình rẻ hơn khoảng 30% so với hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có mẫu mã giá cao ngang ngửa hàng cao cấp của Việt Nam, thậm chí cao hơn nhưng vẫn đắt hàng.

“Lý do người tiêu dùng không quan tâm chất lượng, mà chỉ đặt phép so sánh bằng giá tiền nhưng mua được hàng ngoại”, ông Hùng lý giải.

Công ty Cổ phần Amy Grupo được biết đến là doanh nghiệp (DN) phát triển thần tốc với tăng trưởng doanh thu ngưỡng 40-50%, đạt ngưỡng hơn 3.000 tỷ đồng/năm song cũng phải đau đầu đối phó với sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ.

Ông Trần Tuấn Đại, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Amy Grupo cho biết: “Các DN trong ngành cảm nhận rõ ràng sức ép từ hàng Ấn Độ. Mọi nơi, mọi ngõ ngách đều có hàng Ấn Độ. Họ cử người đi bán rong ở từng cửa hàng với mức giá nhiều khi chỉ bằng 50% hàng trong nước”.

Theo ước tính của các DN trong ngành, năm ngoái gạch ốp lát Ấn Độ nhập vào Việt Nam tăng 240%, dự kiến năm nay con số cũng tăng lên vài lần.

Cùng với việc thị trường bất động sản đóng băng, việc hàng Ấn Độ tràn vào khiến nhiều DN Việt chỉ hoạt động 50% công suất.

Hồi tháng 4, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã phải họp, cảnh báo và bàn giải pháp đối phó với hàng Ấn Độ nhập khẩu.

Tương tự mặt hàng gạch ốp lát, từ giữa năm 2022 đến nay các DN ngành thép cũng “đứng ngồi không yên” khi hàng Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản xuất thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,111 triệu tấn, giảm 23,8% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng tiêu thụ ước đạt 5,148 triệu tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Một DN ngành thép than thở: “Gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0% (trừ thép cốt bê tông). 5 tháng đầu năm 2023 nhập khẩu thép đã lên tới hơn 7 triệu tấn.

Với đà này cả năm 2023 con số nhập khẩu sẽ lên tới 17 triệu tấn. Hòa Phát sản xuất gần 8 triệu tấn thép thì cần lượng lao động hơn 20.000 người. Như vậy, với con số nhập khẩu này, ngành thép Việt Nam có nguy cơ mất cơ hội việc làm cho khoảng 40.000 lao động”.

Vì đâu nên nỗi?

Sở dĩ gạch ốp lát Ấn Độ có thể tung hoành thị trường trong nước xuất phát từ việc thuế nhập khẩu sản phẩm này giảm mạnh theo lộ trình của Hiệp định thương mại ASEAN - Ấn Độ (ký kết ngày 13/8/2009, hiệu lực ngày 1/1/2010).

Đặc biệt, từ năm 2022, thuế nhập khẩu gạch ốp lát Ấn Độ từ mức 35% giảm còn 5% và còn tiếp tục giảm. Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước lại rất yếu.

Thực tế, ông Hùng cho biết, trước thời điểm giảm thuế, hàng Ấn Độ luôn đắt hơn hàng Việt Nam từ 20-30%, nhưng đến nay đã thấp hơn nhiều lần. Trong khi đó, dù đã được cảnh báo cách đây vài năm nhưng DN Việt không thể làm khác khi hàng rào kỹ thuật không có.

Vì thế, các DN gạch ốp lát đề nghị Chính phủ xem xét đưa ngành hàng gạch ốp lát vào danh mục ngành hàng/mặt hàng nhạy cảm để tăng mức thuế nhập khẩu.

Đồng thời, lập hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng, bảo vệ thị trường trong nước và quyền lợi người tiêu dùng.

Tương tự, ngoài việc thuế nhập khẩu gần như bằng 0% từ mức 15%, 20%, 25% tùy loại, một trong những lý do quan trọng khác khiến thép Trung Quốc ùn ùn vào Việt Nam là hàng rào kỹ thuật trong việc nhập thép bị bãi bỏ.

Tại Việt Nam, trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015, để được thông quan, thép nhập khẩu phải được kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định sau đó, DN phải đem giấy kiểm định qua cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng.

Tuy nhiên, ngày 21/9/2017, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 18/2017 bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015. Từ đó, tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước, nhập khẩu không có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm của mình; trình tự, thủ tục xác nhận, kiểm tra chất lượng… cũng được hủy bỏ.

Tháng 1/2022, lượng thép nhập từ Trung Quốc chỉ khoảng gần 350 nghìn tấn nhưng tháng 5/2022 đã tăng lên gấp đôi với hơn 721 nghìn tấn. Tháng 1/2023 lượng thép nhập từ thị trường này chỉ khoảng 254 nghìn tấn, thì đến tháng 3/2023 tăng lên hơn 886 nghìn tấn, tháng 4 là hơn 620 nghìn tấn, tháng 5 là hơn 500 nghìn tấn…

Vì thế, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu; Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh.

Chưa sẵn sàng hợp tác để phòng vệ thương mại

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu còn rất khiêm tốn.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam mới chỉ điều tra 25 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Thế nhưng, cùng thời điểm, ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 227 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, hàng rào kỹ thuật còn kém, hàng rào thuế quan bị hạ xuống rất thấp đã tạo điều kiện cho hàng nước ngoài tràn vào.

Giải thích số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại còn ít, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, việc khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp còn phụ thuộc vào sự chủ động, hồ sơ yêu cầu của các hiệp hội, ngành sản xuất trong nước.

Đây là yếu tố tối quan trọng để cơ quan quản lý tiến hành các quy trình liên quan phù hợp các cam kết quốc tế.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng hợp tác để cùng kiến nghị sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại giải thích và khuyến nghị: Bản thân các DN trong nước cũng phải nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn cao, cũng như nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại. Đó là điều cần làm để có thể bảo vệ được sản xuất trước sức ép từ hàng nhập khẩu.

Ấn Độ là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Tính đến hết tháng 6/2022, Ấn Độ đã điều tra tổng cộng 1.188 vụ việc và áp dụng 810 biện pháp phòng vệ thương mại. Đối với Việt Nam, Ấn Độ đã điều tra 30 vụ việc.

Ngay cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng gia tăng dựng hàng rào với hàng nhập, trong đó có hàng Việt Nam.

Tính tới hết tháng 6/2022, Indonesia đã điều tra tổng cộng 182 vụ việc và áp dụng 95 biện pháp phòng vệ thương mại. Indonesia đã điều tra 11 vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Philippines đã điều tra 115 vụ việc và áp dụng 22 biện pháp, trong đó điều tra 13 vụ việc liên quan đến Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.