Trong khi nhiều ngành nghề “đóng băng” do Covid-19, hệ thống bán lẻ vẫn tăng trưởng mạnh, nhiều “ông lớn” trong nước cũng bắt đầu tham gia vào thị trường trăm tỷ đô này.
Mô hình chuỗi bán lẻ đang thu hút cuộc đua từ những doanh nghiệp nội
Tăng trưởng cả về chất và lượng
Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT BRG Retail cho biết, trải qua các đợt dịch Covid-19, hệ thống bán lẻ của BRG tăng trưởng cả về chất và lượng, nguồn hàng dự trữ tăng 300%, doanh số tăng 25%.
Đến cuối năm 2020, hệ thống đạt mục tiêu 100 điểm bán, mở rộng vào khu vực miền Trung và miền Nam, thay vì 52 điểm bán tại một số nơi ở phía Bắc. Số lượng các nhà cung cấp cũng tăng 15% so với năm 2019.
“Đợt dịch lần này, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến chợ dân sinh đóng cửa nên lượng khách ở hệ thống siêu thị của BRG cũng tăng cao hơn”, ông Dũng nói.
Còn theo báo cáo của Kantar WorldPanel (tập đoàn chuyên nghiên cứu thị trường), thị trường bán lẻ tại Việt Nam năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.
Trong đó BigC tăng 67%, Vinmart tăng 30%, Coopmart tăng 16% về lượng giao dịch trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Bên cạnh những hệ thống bán lẻ lâu năm thì những hệ thống mới cũng đã tìm được chỗ đứng của mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp.
Điển hình, quý II/2021, doanh thu của hệ thống Bách Hóa Xanh tăng trưởng 20%, tương ứng 21.658 tỷ đồng, lũy kế nửa đầu năm đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2020, lợi nhuận sau thuế là 2.552 tỷ đồng, tăng 26%.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động (MWG) - “cha đẻ” của Bách Hóa Xanh không giấu tham vọng “sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt” sau 5 - 7 năm nữa, dù mới được đưa vào thử nghiệm cuối năm 2015.
Đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm với gần 2.000 siêu thị tại các tỉnh thành miền Nam và Nam Trung Bộ.
Ở một diễn biến khác, thể hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ trong thị trường bán lẻ của MWG chính là sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi Điện Máy Xanh mini (ĐMX Supermini) khi chỉ chưa tròn 1 năm đã có có 537 cửa hàng (trong đó, 64 cửa hàng mở mới chỉ trong tháng 5).
Dự kiến, năm 2021, con số này tăng lên 1.000, doanh thu tăng gấp 10 lần và tới năm 2022, sẽ có 1.200 cửa hàng và doanh thu tăng gấp 30 lần.
Rõ ràng, bất chấp Covid-19, mô hình của MWG liên tục được mở rộng đã cho thấy họ đang nỗ lực khai thác cơ hội trên sân chơi của chính mình, đồng thời chứng minh sự “màu mỡ” của thị trường bán lẻ nội địa.
Một thương vụ gây chú ý khác mới đây là sự thâu tóm thương hiệu E-mart của Thaco. Thaco hướng E-mart sẽ là “sự tích hợp của đại siêu thị cùng với showroom ô tô và các dịch vụ thương mại khác”.
Dự kiến mục tiêu doanh thu năm 2021 của hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng; năm 2022, đưa vào hoạt động thêm 3 đại siêu thị; năm 2025 sẽ kinh doanh và vận hành 11 đại siêu thị trên cả nước.
Trong khi đó, Tập đoàn KIDO cũng vừa công bố ký thỏa thuận với đối tác kinh doanh, chính thức công bố triển khai dự án bán lẻ theo chuỗi cửa hàng, tổng đầu tư dự án dự kiến 100 tỷ đồng.
Doanh nghiệp Việt đang làm chủ “sân nhà”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, thực tế, thị phần ngành bán lẻ trong những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, tuy một số địa phương thực hiện giãn cách do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.985,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.996,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2019.
Nếu thời điểm năm 2016, dư luận giật mình trước con số thống kê hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đã về tay doanh nghiệp nước ngoài và dự báo một tương lai u ám, thì đến nay, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã vượt trội về số điểm bán, liên tục được mở rộng độ bao phủ.
Đến nay, cả nước có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước.
Theo ông Đông, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã thể hiện sự khôn khéo khi vừa củng cố thị phần tại các tỉnh, thành phố lớn, vừa nhắm đến các thị trường ngách, nông thôn. Đây là một lựa chọn khôn khéo để đáp ứng tốt xu hướng mua hàng nhanh chóng, tiện lợi của người tiêu dùng.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.
“Thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ nói riêng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nắm bắt được cơ hội chiếm lĩnh thị phần. Trên thực tế, đã có những thương hiệu rút khỏi thị trường Việt Nam như Auchan hay việc thu hẹp mạng lưới hoạt động của Parkson”, vị chuyên gia nhận định.
Doanh nghiệp Việt chiếm 80% thị phần
Trong quá khứ, thị trường bán lẻ được coi là “miếng bánh lớn” của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam nằm trong tay doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên, đến nay mọi sự đã thay đổi. Theo báo cáo của Deloitte Việt Nam về thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020, riêng với phân khúc siêu thị hiện đang được thống trị bởi các tập đoàn trong nước như Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh, dẫn đầu với thị phần lần lượt là 43% và 14%.
Đến nay, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện cả nước có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận