Ngày 19/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam.
Tại diễn đàn, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP cho biết, năm 2021 - 2022, các doanh nghiệp rơi vào khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội.
Cùng với đó là tình hình bất ổn, căng thẳng giữa Nga - Ukraine, lạm phát, giá xăng dầu, cước vận tải leo thang.
Đến đầu 2023 do ảnh hưởng tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm. Chính điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam rơi vào thế bị động, bị hủy đơn hàng, doanh số sụt giảm.
Doanh nghiệp nhỏ, lớn gì cũng gặp khó khăn trước các cơn sóng dữ của lạm phát và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.
IPP là một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực, dù trong những năm Covid rất khó khăn nhưng IPP vẫn nỗ lực ổn định cuộc sống cho hơn 20.000 lao động cũng như duy trì công việc cho 25 công ty thành viên.
Bà Thuỷ Tiên cho biết, để tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nhiều ngành nghề liên quan. Cùng với kinh nghiệm của những người đã có quá trình cọ xát thực tiễn với thị trường, giữ vững và phát triển doanh nghiệp, góp phần vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
"Tôi cho rằng doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách đột phá để tăng cường nội lực, và vượt khó", bà Thuỷ Tiên nói.
Cụ thể hơn, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên đã đề xuất 4 giải pháp như chính sách thuế, tài chính, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp là cần thiết. Mặc dù đã có nhiều kiến nghị và nhiều giải pháp được kịp thời đưa ra, nhưng nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn khó tiếp cận vốn và sau 4 lần điều chỉnh lãi suất còn cao.
Thế nên, cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có một cơ quan độc lập, đánh giá từ đó hỗ trợ cho cho doanh nghiệp. Việc điều chỉnh hỗ trợ sắp tới một cách thiết thực và hiệu quả hơn với từng nhóm doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần dỡ bỏ các rào cản, quy định, tiêu chuẩn phi thực tế, không đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn khu vực, thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.
"Chúng tôi đề xuất rà soát lại những quy định để đảm bảo khơi thông những vướng mắc không phù hợp với doanh nghiệp", bà Thuỷ Tiên cho hay.
Cơ chế chính sách phát triển du lịch các nước trong khu vực đang chạy đua để kích cầu du lịch là điều cần chú ý. Chúng tôi đề xuất xem xét, ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan.
Theo bà Thuỷ Tiên, khi nói đến chính sách này đa số ban ngành đều "tránh né" vì sợ thất thu thuế.
Nhưng theo Boston consultant Group trên thế giới đang có 5.383 khu thương mại tự do và phi thuế quan. Riêng Châu Á có 4.052 khu. Nổi bật là Jeju (Hàn Quốc) và Hải Nam Trung Quốc.
Các chính sách ưu đãi của họ đã chứng minh chính phủ không thất thu thuế, mà còn được lợi, vì tăng trưởng đầu tư, do khách du lịch đến chữa trị y tế, giáo dục, vui chơi, mua sắm.
Khách du lịch nội địa được mua 15 ngàn đô la miễn thuế/người/năm. Kết quả là, du lịch tăng trưởng 80%, đầu tư tăng gấp đôi, GDP của Hải Nam tăng 4,2% năm 2022.
Chúng tôi đề xuất mô hình factory outlet (trung tâm bán hàng giảm giá) trong khu phi thuế quan để thu hút du khách trong ngoài nước. Nếu mở được ở Việt Nam, đây sẽ là mô hình đầu tiên trong khu vực, thu hút và giữ ngoại tệ cho Việt Nam, góp phần cho ngành du lịch Việt có bước nhảy vượt bậc.
Tiếp đến, cửa hàng miễn thuế dưới phố. Các khu miễn thuế tại khu trung tâm thành phố sẽ giúp thành phố phát triển thương mại giá trị cao và quảng bá sản phẩm của địa phương đến thị trường quốc tế, tăng thu du lịch và thu hút khách du lịch.
Bà Thuỷ Tiên dẫn chứng, ở Hàn Quốc, ngành này đem lại doanh số 16 tỷ đô la/năm cho Seoul.
Theo đó, các công ty du lịch lữ hành Việt Nam được hưởng hoa hồng từ việc bán hàng miễn thuế, sẽ giải quyết bài toán giảm giá tour/vé máy bay, giá khách sạn có thể cạnh tranh với các tour du lịch trong khu vực.
"IPP với lợi thế phân phối hơn 138 thương hiệu, nếu được tạo điều kiện về mặt bằng trung tâm, và có chính sách Duo Price (bán 2 giá cho - miễn thuế và nội địa ) chúng tôi sẽ đầu tư hàng loạt các cửa hàng miễn thuế như 3.000m2 tại Đà Nẵng, góp phần làm tăng khách du lịch đến TP Đà Nẵng", bà Thuỷ Tiên nhấn mạnh.
Bà Thuỷ Tiên đề xuất, cần sớm có cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính. Từ năm 2016, Tập đoàn IPP đã thuê công ty Sheerman - Anh Quốc lập Đề án thành lập trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Tại Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM tầm nhìn đến 2045 đã nêu rõ, TP.HCM sẽ là một trung tâm kinh tế tài chính của khu vực châu Á.
Nếu đề xuất này được triển khai sẽ là động lực thu hút đầu tư, tạo động lực cho nhiều ngành nghề liên quan phát triển.
Đến nay, TP.HCM đã rất năng động triển khai và đệ trình đề án lên các bộ ngành. Có nhiều lợi ích khi có trung tâm tài chính như doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như được đào tạo chuyển giao nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao...
Ngoài ra, trung tâm tài chính còn thúc đẩy phát triển các ngành liên quan như, bất động sản, vui chơi giải trí, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế toàn diện cho thành phố.
"Chúng tôi mong Quốc hội và Chính phủ quan tâm, sớm ban hành chính sách để TP.HCM triển khai vừa khơi thông dòng vốn, tăng cường nội lực cho doanh nghiệp Việt Nam, vừa đánh dấu bước phát triển của Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới", bà Thuỷ Tiên nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng có ý kiến nêu doanh nghiệp Việt "giỏi chịu, sống dai" nhưng chậm lớn và khó trưởng thành. Nền kinh tế "khát vốn" nhưng lại khó hấp thụ vốn, tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp, lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.
Thực chất nền kinh tế đang bị tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên "bất động hóa" các nguồn lực. Từ đây làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển.
Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên ý kiến, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh.
Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc, nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.
Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên cho rằng, nói doanh nghiệp chậm lớn và khó trưởng thành thì không hoàn toàn đúng. Bởi không phải doanh nghiệp muốn "chậm lớn", ngoài những doanh nghiệp rất "liều" đã dùng thuốc "tăng trọng", "lớn nhanh" rồi "ngã bệnh" thậm chí lăn đùng ra "chết yểu".
Bên cạnh vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chân chính, chịu khó đầu tư tìm tòi học hỏi, muốn "lớn và trưởng thành" một cách bài bản, nhưng bị vướng "cơ chế" và thiếu các "chính sách mang tính chiến lược bền vững", bà Thuỷ Tiên nói.
Đồng tình, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, với những doanh nghiệp Việt thực sự chịu khó, kiên nhẫn, quyết tâm, bài bản rất đáng tôn vinh, giống như Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận