Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt như “đội thuyền thúng ra khơi”

16/04/2015, 10:36

Quy mô doanh nghiệp Việt ngày càng nhỏ, tỷ lệ thua lỗ ngày càng cao là thực trạng vừa được VCCI báo động.

41
Sự liên kết giữa các khâu nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản đang rất yếu Ảnh: Khánh Linh

Quy mô ngày càng nhỏ

Sáng 15/4, tại lễ công bố báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2014, VCCI cho biết, những vấn đề mà DN Việt Nam gặp phải hiện nay là hiệu suất sử dụng lao động thấp và chậm cải thiện. Hiệu suất sử dụng lao động trung bình trong các DN Việt đã giảm từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 15,7 lần năm 2014.

TS. Lương Minh Huân, thành viên nghiên cứu của báo cáo cho hay, hiện hiệu quả sử dụng vốn của DN Việt chỉ ở mức 100:3,4 (tức là sử dụng 100 đồng vốn mới có 3,4 đồng lợi nhuận). DN Việt không có khả năng tích lũy, không có điều kiện phát triển, đồng thời dễ bị tổn thương với biến động thị trường.

Theo khảo sát của VCCI, năm 2015 kinh tế đã có sự phục hồi. 48,4% DN được khảo sát đã có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, 47,9% DN cho biết vẫn giữ nguyên quy mô hiện nay và chỉ có 3% DN phải giảm quy mô sản xuất trong năm nay.

Đáng chú ý, quy mô DN ngày càng nhỏ đi. Lao động bình quân mỗi DN trước đây là 49 thì nay chỉ còn 29. Chính sự suy giảm này đã làm cho tỷ lệ DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế tăng lên, chiếm gần 96% tổng số DN trong nền kinh tế. “Điều này sẽ để lại các hệ lụy là khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng trả lãi vay ngày càng giảm. Quy mô nhỏ cũng khiến tỷ lệ thua lỗ của DN tăng cao, tăng nợ xấu cho nền kinh tế. Tính chung toàn bộ DN, tỷ lệ kinh doanh thua lỗ lên đến 45%”, TS. Huân nói.

“Quy mô của DN càng nhỏ thì càng khó tham gia được vào chuỗi cung ứng. Nguyên nhân được xác định là chưa tiếp cận được công nghệ phù hợp, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, nguyên liệu sản xuất phụ kiện vẫn phải nhập khẩu, tay nghề công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, giá thành sản xuất linh kiện, phụ kiện cao… DN Việt Nam hiện như “đội thuyền thúng ra khơi”,  Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp lớn dần lên

Tổng Thư ký VCCI Phạm Thu Hằng kể câu chuyện, cách đây 10 năm, bà đã xuống Thanh Hà (Hải Dương) làm việc cùng với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GTZ) để xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều. Trải qua từng ấy thời gian, đến tận tháng 3/2015, quả vải thiều Thanh Hà mới chính thức có mặt trên thị trường Mỹ để tới tay người tiêu dùng nước này. “Để một sản phẩm gia nhập vào thị trường Mỹ không đơn giản, nhưng 10 năm để vải thiều Việt Nam tới Mỹ thì đáng phải suy nghĩ về cách thức DN sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường”, bà Hằng nói.

Bà Hằng ví dụ tiếp, từ năm 2007 tới nay, nền kinh tế có nhiều biến động nhưng DN thủy sản lại khá ổn định, tốc độ tăng trưởng cả về khai thác và nuôi trồng đều được đánh giá là ổn định. Thậm chí trong giai đoạn 2009-2010, thủy sản còn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra. Nhưng tới nay, các DN thủy sản vẫn “dậm chân tại chỗ” trong chuỗi cung ứng thiếu sự liên kết giữa các khâu, từ nuôi trồng tới chế biến và phân phối...

“Thách thức đối với DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và suy rộng ra đối với các ngành nghề khác là rất lớn do quy mô nhỏ, sản xuất bị phân tán, năng lực tham gia vào chuỗi giá trị rất kém, quy trình quản lý phức tạp... VCCI đã đề xuất ban hành luật DN vừa và nhỏ để hỗ trợ các DN khối này phát triển”, bà Hằng nhận định.

Trước thực trạng DN Việt ngày càng nhỏ đi, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam rất cần hệ thống chính sách có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn dần lên, trưởng thành lên. “DN không thể lớn ngay trong ngày một ngày hai. Hiện tại, chúng ta đã có thể kỳ vọng thủ tục hành chính được đơn giản hóa, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, nhưng như thế chưa đủ, mà rất cần chính sách có hệ thống, đồng bộ để có thể hỗ trợ giải quyết vấn đề này”, ông Lộc nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.