Thúc đẩy khai thác tàu chuyên tuyến, doanh thu tăng trưởng
Vừa tiễn chuyến tàu hàng nhanh rời ga Yên Viên vào sáng sớm nay, ông Nguyễn Trọng Trung, Phó trạm trưởng Trạm tiếp viên đường sắt Hà Nội (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội) phấn khởi chia sẻ, đợt này hàng nhiều nên tăng tàu, anh em trưởng tàu, công nhân kĩ thuật toa xe công việc cũng tốt hơn.
Ông Trung cho biết, hiện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đang tổ chức chạy các đôi tàu hàng chuyên tuyến giữa Yên Viên - Sóng Thần. Đây là các mác tàu hàng nhanh, hành trình chỉ hơn 40 giờ; hàng hóa được đóng trong các container, niêm phong kẹp chì. Tàu doanh thu cao, bình quân khoảng 270 triệu đồng đến 280 triệu đồng/chuyến, tương đương 540 triệu đồng đến 560 triệu đồng/vòng quay. Vì vậy cần các trưởng tàu, công nhân áp tải kĩ thuật theo tàu để thực hiện các nhiệm vụ về hàng hóa được nhanh chóng, đảm bảo an toàn, đảm bảo lịch trình tàu.
"Đây là một trong các yếu tố tiên quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ để khách hàng tin tưởng, tiếp tục chọn vận chuyển bằng đường sắt. Vì vậy, đơn vị đã lựa chọn, bố trí 48 trưởng tàu cứng nghiệp vụ, chủ động, linh hoạt trong công việc, chia làm 16 tổ tàu để đáp ứng nhiệm vụ. Đồng thời chăm lo về điều kiện sinh hoạt trên tàu và khu lưu trú tại ga để anh em yên tâm công tác, đảm bảo dịch vụ đến khách hàng", ông Trung cho hay.
Thông tin thêm, lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, công ty đã làm việc với Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội) tổ chức chạy thêm đôi tàu chuyên tuyến nhanh HH15/16 vận chuyển container Yên Viên - Sóng Thần và ngược lại với tần suất 6 đôi/tuần. Từ đó, nâng số đôi tàu hàng nhanh trên tuyến này bình quân 22 đôi/tuần.
Vì vậy, mặc dù ảnh hưởng sự cố sạt hầm Bãi Gió và sự cố sạt hầm Chí Thạnh trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, phải hủy bỏ nhiều đoàn tàu, song doanh thu tàu chuyên tuyến Bắc - Nam 9 tháng năm 2024 vẫn tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng đó, công ty làm việc với các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổ chức chạy thường xuyên 2 đôi/ngày tàu hàng chuyên luồng vận chuyển apatit giữa Xuân Giao - Lâm Thao; đưa doanh thu 9 tháng tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cước linh hoạt, khai thác nhiều luồng hàng mới
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, 9 tháng năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng sản lượng, doanh thu vận chuyển hàng hóa đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023: Tấn xếp tăng 9%, doanh thu tăng 8%.
Đây là kết quả từ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy vận chuyển hàng hóa. Cùng với duy trì ổn định và phát triển các luồng hàng truyền thống như: tàu hàng chuyên tuyến Bắc - Nam, apatít, hàng liên vận quốc tế, xi măng, phân bón, vật liệu nội ngành, lương thực thực phẩm… đơn vị tích cực tìm kiếm, khai thác thêm các luồng hàng mới và mở rộng phát triển thêm các luồng hàng hiện có.
Cùng đó, có giải pháp linh hoạt về giá cước. Công ty thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế thị trường, giá nguyên vật liệu để điều chỉnh giá cước trên nguyên tắc: Giá cước vận tải được xây dựng trên cơ sở giá thành vận tải, giá bán phải phù hợp với giá thị trường; khuyến khích vận tải đi xa; giá cước hàng vận chuyển hai chiều thấp hơn hàng vận chuyển một chiều. Giảm cước để thu hút hàng vận chuyển tận dụng chiều trả rỗng; giá cước phù hợp với đặc điểm của từng tuyến đường, từng luồng hàng.
Công ty cũng thực hiện nhiều giải pháp tổ chức điều hành nhằm tối ưu hiệu quả về chi phí như: Tổ chức chạy tàu hợp lý, lập tàu đủ chiều dài tấn số, ưu tiên lập tàu hàng chạy suốt, hạn chế tàu hàng khu đoạn cắt móc, nâng cao tốc độ đưa hàng.
Thực hiện triệt để chống đọng dỡ, đọng kéo toa xe hàng. Ưu tiên cấp toa xếp hàng với luồng xe có thể khai thác hàng hai chiều, hàng khối lượng lớn, ổn định, cước cao, quay vòng toa xe nhanh như apatit, liên vận quốc tế.
Bố trí đầu máy sức kéo lớn kéo tàu hàng, nâng tổng trọng đoàn tàu nhằm giảm số đôi tàu mà không làm giảm sản lượng vận chuyển.
"Hàng ngày bám sát việc dỡ hàng của từng điểm để đôn đốc dỡ, giải phóng toa xe, từ đó có toa xe cung ứng xếp hàng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chủ hàng. Cùng đó, căn cứ năng lực dỡ của từng ga, từng chủ hàng, để bố trí cấp xe xếp hàng cho phù hợp, hạn chế cấp xe vào các điểm đang bị đọng dỡ, đọng kéo… Tất cả các giải pháp đều nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng", lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận