Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, quý II/2024, doanh thu của công ty đạt hơn 529 tỷ đồng, tăng hơn 101 tỷ đồng, tương đương 23,59% so với cùng kỳ 2023.
Tuy nhiên, trong khi doanh thu tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại sụt giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận kế toán sau thuế đạt gần 4,9 tỷ. Quý II/2023, con số này là hơn 11,3 tỷ, sụt giảm đến hơn 6,4 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị này thực hiện được doanh thu gần 784 tỷ đồng, tăng hơn quý II/2023 hơn 149 tỷ, tăng trưởng 23,54%. Nhưng lợi nhuận kế toán sau thuế chỉ được hơn 6 tỷ, trong khi cùng kỳ 2023 được hơn 25,3 tỷ, giảm hơn 19,2 tỷ.
Lý giải nguyên nhân giảm lãi trong khi quý II/2024 tàu đông khách, sản lượng tăng trưởng cao, ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, chủ yếu do chi phí tăng. Nếu quý II/2023, chi phí hơn 417 tỷ, thì quý II/2024 lên đến hơn 524,7 tỷ, tỷ lệ tăng 25,76%.
Trong đó, các chi phí SXKD tương ứng với tăng doanh thu như: Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt chiếm 8% doanh thu theo quy định; chi phí điều hành GTVT đường sắt; chi phí các sản phẩm tác nghiệp liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu…
"Cùng đó còn có nguyên nhân như giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, phát sinh thêm chi phí chuyển tải, phục vụ hành khách do sự cố sạt lở hai hầm Bãi Gió và Chí Thạnh làm tăng phí điều hành GTVT đường sắt…
Trong phí điều hành GTVT, chi phí sức kéo chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng quý II/2024, đơn giá nhiên liệu mua vào phục vụ cho sức kéo (đầu máy - PV) tăng cao, hơn 18.000 đồng/lít, còn đơn giá quý II/2023 hơn 17.000 đồng/lít, thấp hơn 7,25%, dẫn đến phí điều hành GTVT tăng", ông Truyền thông tin và cho biết thêm, đơn vị này đã nâng cấp các toa xe khách để chạy tàu chất lượng cao Sài Gòn - Đà Nẵng SE21/SE22 dịp hè nên cũng tốn thêm chi phí cho đầu tư phương tiện.
Thông tin cụ thể hơn, ông Trần Văn Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, chi phí điều hành GTVT đường sắt trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 60% doanh thu. Phí điều hành GTVT được thu theo đoàn tàu và đơn vị tấn.km, nghĩa là cứ đoàn tàu chạy là phát sinh phí; càng chạy nhiều tàu, chi phí điều hành GTVT càng lớn.
Tuy nhiên, quý II/2024 xảy ra hai vụ sạt lở hầm vào tháng 4, tháng 5, gây ách tắc đường hàng chục ngày, ảnh hưởng phát sinh nhiều chi phí liên quan đến điều hành GTVT, đặc biệt là chạy tàu rỗng.
"Ví dụ, việc chạy tàu hàng chỉ có lãi khi đoàn tàu đủ chiều dài tấn số, 22 toa xe chẳng hạn và chạy hàng hai chiều. Nhưng giờ sạt lở, tắc đường, sẽ phải hoặc là chạy tàu về điểm xuất phát để trả hàng cho khách, hoặc chuyển tải, rồi chạy toa xe rỗng về… Như vậy, cũng đồng doanh thu đó, nhưng phát sinh tàu chạy rỗng, vừa không đủ bù đắp chi phí thông thường, lại còn tăng phí điều hành GTVT.
Với tàu khách cũng tương tự. Không những vậy còn phát sinh chi phí thuê xe ô tô để chuyển tải khách, chi phí phục vụ miễn phí hành khách suất ăn, nước uống… Ảnh hưởng từ hai vụ sạt lở khiến đơn vị thiệt hại hàng chục tỷ đồng", ông Nam cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Truyền và ông Nam, đây mới là báo cáo nhanh, cần đơn vị kiểm toán vào kiểm tra báo cáo tài chính 6 tháng để có được con số chuẩn xác, từ đó có các giải pháp về tài chính, SXKD, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch năm 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận