Bánh tổ là loại bánh truyền thống không thể thiếu của người dân Quảng Nam vào dịp Tết. Ảnh: Quốc Nhựt |
Có nhiều giả thuyết cho nguồn gốc và tên gọi của bánh tổ của người Quảng Nam. Dân gian tương truyền rằng bánh này vốn do mẹ Âu Cơ làm ra phát cho trăm con lên núi, xuống biển làm lương thực dọc đường đi.
Cũng có chuyện kể lại rằng, bánh tổ xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, thời Quang Trung, khi nhà vua chuẩn bị tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, người dân Quảng Nam đã tìm tòi và khám phá ra công thức chế biến loại bánh này dân lên đại quân làm lương thực đường xa.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chiếc bánh tổ có nguồn gốc từ loại bánh lùng kú mà người Hoa khi đến và định cư ở Hội An khoảng thế XVI - XVII.
Gia đình ông Đặng Bửu Phụng (53 tuổi, Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam) đã có gần 20 năm làm bánh tổ bán vào dịp Tết. “Thời xưa, vào dịp Tết, nhà nào cũng làm vài “ổ” để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Ngày nay, cuộc sống bận rộn, nhiều người không có thời gian nên gia đình mình làm để phục vụ bà con”, ông Phụng tâm sự.
Theo ông Phụng, bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường, ngoài ra có có thêm gia vị là gừng. Nếp dẻo, thơm được vo sạch rồi xay thành bột. Đường phải là loại đường bát nấu từ đường mía theo phương pháp cổ truyền của Quảng Nam.
Mỗi nguyên liệu, hương vị, màu sắc của "ổ bánh tổ" đều mang ý nghĩa riêng. Ảnh: Quốc Nhựt |
“Đường bát hiện này rất khó tìm nên hiện giờ mình có thể sử dụng đường cát đen ngoài thị trường. Bột nếp cũng vậy. Có thể chia theo tỷ lệ: 5 phần nếp, 3 phần đường, 5 phần nước”, ông Phụng chia sẻ.
Các nguyên liệu trên phối trộn lại với nhau, đánh thật kỹ, thất nhuyễn rồi đổ vào đài được làm bằng lá chuối. Bên ngoài đài chuối là chiếc rọ làm bằng nan tre. Bột phối trộn đổ vào rọ tre chuối được gọi là “ổ bánh”. Lúc này người làm đưa ổ bánh vào lò hấp cách thủy.
“Mình hấp bánh thường trong khoảng 3 tiếng là bánh chín. Tuy nhiên, mình có thể kiểm tra bằng cách dùng đũa đâm vào bánh, nếu thấy bột không trào ra là được", ông Phụng bày bí quyết.
Bánh chín thì nhanh tay vớt ra, rắt lên bề mặt ít mè. Thưởng thức món bánh tổ, người Quảng Nam có nhiều cách như ăn sống, chiên hoặc nướng.
Bánh tổ được làm và chế biến không quá cầu kỳ và phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn trong từng công đoạn bởi nó thể hiện tình cảm, lòng thành kính của người làm với ông bà, tổ tiên mình.
"ổ bánh tổ" đặt lên bàn thờ tổ tiên ngày tết đều chung ý nghĩa tưởng nhớ nguồn cội dân tộc đúng như tên gọi của bánh. Theo một số quan niệm, gạo nếp tượng trưng cho mạch sống và sự đoàn kết keo sơn của cộng đồng; màu đen hoặc vàng của bánh tổ tượng trưng cho sự vất vả của người dân lao động chân chất, mộc mạc, một nắng hai sương, cày sâu cuốc bẫm để thu gạo nếp, nguyên liệu làm bánh. Vị ngọt của đường nhắc nhở trong tâm tưởng mỗi người phải sống tốt đẹp, hướng đến sự thanh tao, trong sạch trong tâm hồn, sống có ích cho đời, cho người. |
Xem hình ảnh cách làm bánh tổ Quảng Nam
Bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường, ngoài ra có có thêm gia vị là gừng. Đường là loại đường bát truyền thống ở Quảng Nam. Ảnh: Quốc Nhựt |
Đường, bột nếp, gừng được phối trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định. Ảnh: Quốc Nhựt |
Ổ bánh tổ được làm bằng vỏ chuối, bên ngoài có rọ tre để định hình khuôn. Ảnh: Quốc Nhựt |
Người làm đổ bột đã phối trộn vào ổ bánh. Ảnh: Quốc Nhựt |
Sau đó đặt vào nồi hấp cách thủy. Ảnh: Quốc Nhựt |
Bánh được hấp cách thủy trong khoảng 3 tiếng. Ảnh: Quốc Nhựt |
Người làm có thể kiểm tra bằng cách dùng đũa đâm vào bánh, nếu thấy bột không trào ra là được. Ảnh: Quốc Nhựt |
Lò bánh Tét, bánh tổ đượm lửa hồng là hình ảnh thân thuộc với người dân Quảng Nam vào dịp Tết. Ảnh: Quốc Nhựt |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận