Của hiếm
Schwebebahn tại thành phố Wuppertal là một trong hai tuyến đường sắt treo ngược công cộng duy nhất trên thế giới vẫn còn hoạt động (nơi còn lại là ở Nhật Bản).
Không giống các tuyến tàu thông thường cố định trên mặt đất, tuyến đường sắt lộn ngược Schwebebahn treo bên dưới đường ray. Những toa tàu băng qua sông và phố phường tấp nập, hành khách có thể thư thái ngắm cảnh ngay cả trong giờ cao điểm.
Chính sự độc đáo của tuyến đường sắt này đã biến thành phố Wuppertal trở thành địa điểm nổi tiếng thế giới.
Schwebeban hiện là phương tiện di chuyển phổ biến với cả người dân địa phương và khách du lịch. Toàn tuyến dài hơn 12km sử dụng đường ray đơn, trong đó 6km đường ray chạy qua đường phố, có những đoạn băng qua sông.
Hành khách ngồi trong khoang sẽ ở vị trí cao hơn mặt đất hoặc mặt sông bên dưới từ 9 - 12m, được trải nghiệm lướt qua những tòa nhà cao tầng, băng qua sông Wupper, giống như một chuyến thưởng ngoạn công viên giải trí.
Ngay từ khi đưa vào hoạt động, tuyến đường sắt treo ngược đã trở thành một phần quan trọng của thành phố, phục vụ khoảng 80.000 hành khách/ngày. Phương tiện được người dân yêu thích không chỉ vì sự độc đáo mà còn vì không bao giờ bị ảnh hưởng tắc nghẽn giao thông. Cứ 5 phút lại có một chuyến nên hành khách thường không phải chờ đợi lâu.
Thăng trầm cùng thời gian
Điều đáng nói là tuyến đường sắt đặc biệt được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ 19, khi mà công nghệ thời đó vẫn chưa phát triển.
Ý tưởng xây dựng tuyến đường xuất hiện từ cuối những năm 1880 khi hoạt động công nghiệp tại địa phương mở rộng nhanh chóng. Lúc đó, ngành dệt may bùng nổ, đưa khu vực Wuppertal trở thành một khu đô thị rộng lớn với 40.000 cư dân.
Vì ngành công nghiệp phát triển nhanh nên hoạt động vận tải không theo kịp. Với đặc điểm thung lũng sông dài, quanh co nên đường sắt truyền thống khó có thể đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Cuối cùng, doanh nhân, kỹ sư Eugen Langen đề xuất thử nghiệm một tuyến đường sắt treo vào năm 1893. Đề xuất này nhanh chóng được chính quyền địa phương chấp thuận. Dự án bắt đầu được khởi công từ năm 1898, khánh thành năm 1901. Hoàng đế cuối cùng của Đức Wilhelm II lúc đó đích thân trải nghiệm tàu.
Để xây dựng tuyến đường sắt trên cao chạy xuyên thành phố, đội ngũ xây dựng sử dụng gần 20.000 tấn thép. Ở những toa tàu nguyên bản, họ sử dụng chất liệu kính và gỗ, đủ sức chở 65 người mỗi toa. Dọc tuyến đường là 20 nhà ga xây dựng theo trường phái tân nghệ thuật tuyệt đẹp.
Tuyến đường sắt mới đã gây ấn tượng mạnh với người dân địa phương. Chỉ trong vài năm, mỗi đoàn tàu tăng từ hai lên sáu toa, chạy với tần suất 5 phút/chuyến. Đến năm 1925, hoạt động vận tải khách đạt mốc vận chuyển 20 triệu lượt.
Trong Thế chiến thứ hai, tuyến đường sắt bị quân đồng minh không kích dữ dội vào tháng 5, tháng 6/1943 và một lần nữa vào tháng 1/1945. Đến năm 1946, toàn bộ tuyến đường hoạt động trở lại.
Voi rơi khỏi tàu
Sau này, tuyến đường sắt liên tục được đổi mới. Năm 2019, tất cả toa tàu gỗ năm xưa đều được thay thế bằng các toa "Thế hệ 15" với phần cửa kính rộng hơn, hành khách có thể nhìn ngắm khung cảnh tuyệt đẹp bên ngoài. Mỗi đoàn tàu lại trở về 2 toa nhưng sức chứa lên tới 200 người/toa.
Tính đến năm 1999, Schwebebahn được đánh giá là một phương tiện di chuyển cực kỳ an toàn khi chỉ ghi nhận rất ít vụ tai nạn trong hơn 120 năm qua.
Một vụ tai nạn hy hữu xảy ra năm 1950 khi đoàn xiếc Althoff Circus tới thị trấn và muốn đưa chú voi diễn xiếc tên Tuffi lên tàu để thu hút sự chú ý của giới trẻ. Chú voi Tuffi rất dạn người, nhưng chưa bao giờ lên tàu treo ngược.
Đúng như dự đoán, Tuffi khó xoay xở trên toa tàu chật và cuối cùng hoảng loạn lao qua cửa rơi xuống dòng sông bên dưới.
Tại khu vực Tuffi bị rơi, sông chỉ sâu 50cm nhưng đầy bùn phía dưới nên chú voi chỉ bị vài vết xước. Sự việc đã trở thành câu chuyện không quên của người dân. Năm 2020, nghệ sĩ Bernd Bergkemper còn dựng một bức tượng nhỏ bằng đá đặt đúng nơi Tuffi bị rơi để ghi nhớ sự việc.
Nếu nói đến thời kỳ đen tối nhất của Schwebebahn phải kể đến tháng 4/1999, khi xảy ra vụ va chạm giữa một đoàn tàu và một móc sắt nặng 100kg còn sót lại trong quá trình xây dựng. Hậu quả khiến tàu lao xuống sông Wupper làm 5 người chết và 47 người bị thương.
Trong lần nâng cấp mới nhất vào năm 2018, một sợi cáp điện dài 350m đã rơi xuống con phố bên dưới và làm mất điện của Schwebebahn trong gần 9 tháng, gây ra đợt gián đoạn dịch vụ lâu nhất trong lịch sử của tuyến đường sắt này.
Tuyến đường sắt mở cửa trở lại vào năm 2019 và đã được người dân địa phương đón nhận tích cực, phục vụ tới 25 triệu hành khách/năm.
Biểu tượng
Đối với Rosemarie Weingarten, một cư dân ở quận Barmen, thành phố Wuppertal, tuyến tàu Schwebebahn là biểu tượng văn hóa của thành phố vì sự bền bỉ trường tồn qua thời gian.
"Tôi không nghĩ có biểu tượng nào ý nghĩa hơn Schwebebahn. Qua bao thăng trầm, những chuyến tàu vẫn hoạt động nhịp nhàng", Weingarten chia sẻ với hãng tin CNN.
Ông Jonathan English, nhà sử học về ngành giao thông vận tải cho biết, tuyến đường này đã chứng kiến lượng hành khách cao ngay từ đầu và là một biểu tượng về khoa học công nghệ của Đức thời điểm đó.
Nhà sử học English cho biết, nơi tuyến đường sắt đi qua vốn thuộc vùng rộng lớn bao gồm thung lũng Wupper và các thành phố lân cận Düsseldorf, Cologne vốn được ví như "Thung lũng Silicon" ngày nay, nơi tập trung nhiều nhà khởi nghiệp, sáng tạo. Do đó, việc công nghệ đường sắt độc đáo lần đầu tiên được thử nghiệm tại đây không phải là điều bất ngờ.
Còn với những người trong nghề như kiến trúc sư Christian Busch (làm việc tại Cologne), điều ông ấn tượng nhất là toa tàu được xây dựng cách đây hơn 120 năm khi chưa hề có hệ thống máy tính hiện đại.
Nguồn cảm hứng cho nghệ thuật
Với lịch sử đáng kinh ngạc và vẻ ngoài mang tính biểu tượng, không có gì ngạc nhiên khi Schwebebahn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật và văn hóa đại chúng Đức nói chung.
Ý tưởng về tuyến tàu này đã được sử dụng trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Altneuland" của nhà văn, nhà hoạt động chính trị Theodor Herzl vào năm 1902, hay trong bộ phim "Alice in den Städten" (Alice in the Cities) vào năm 1974 của đạo diễn Wim Wenders.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận