"Sao kê", "minh bạch từ thiện", "lùm xùm nghệ sĩ từ thiện" là những từ khóa liên tục được tìm kiếm trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok... trong thời gian qua.
Nguồn cơn bắt đầu từ việc hàng loạt nghệ sĩ vướng thị phi khi họ kêu gọi tiền làm từ thiện cho các vùng lũ lụt miền trung như nghệ sĩ Hoài Linh, Thủy Tiên, Trấn Thành...
Nghệ sĩ Hoài Linh, Thủy Tiên, Trấn Thành... vướng thị phi khi kêu gọi từ thiện trong thời gian qua
Trong đó, nghệ sĩ Hoài Linh bị ảnh hưởng nặng nề tới hình ảnh, phải rút khỏi chương trình "Thách thức danh hài" vì scandal chậm giải ngân tiền từ thiện.
Ca sĩ Thủy Tiên, MC Trấn Thành, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng... bị cộng đồng mạng yêu cầu công khai minh bạch các khoản. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ đã công khai chi tiết trong đó có Mr Đàm thì cộng động mạng vẫn chưa tha. Nhiều clip cắt ghép, vu khống và nhục mạ nghệ sĩ, khiến họ phải lên tiếng và làm việc với luật sư để đưa vụ việc ra toà. Cụ thể mới đây nhất, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiên quyết nhờ cơ quan pháp lý can thiệp khi bị vu oan ăn chặn tiền từ thiện... Còn ca sĩ Thuỷ Tiên và ông xã Công Vinh tuyên bố livestream tại ngân hàng để cho dư luận biết rõ các phần sao kê của số tiền đã làm từ thiện.
Thực tế, ồn ào nghệ sĩ làm từ thiện không chỉ nóng trong dư luận Việt Nam. Trên thế giới, đây cũng là đề tài được truyền thông, dư luận bàn bạc không ngớt.
Làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi
Còn nhớ, hồi tháng 7, China Youth Daily đã có bài viết chỉ trích gay gắt tình trạng nghệ sĩ lợi dụng việc làm từ thiện đánh bóng tên tuổi của giới nghệ sĩ, gây ảnh hưởng đến công tác cứu hộ tại Hà Nam, Trung Quốc sau trận lũ lụt nghiêm trọng.
Đoàn từ thiện của Hàn Hồng và Vương Nhất Bác gây tranh cãi hồi tháng 7 vừa qua
Bài báo được đăng tải sau khi một thành viên trong lực lượng cứu hộ quốc gia bày tỏ sự phẫn nộ với đội cứu trợ của Hàn Hồng và Vương Nhất Bác.
Trong bài viết, China Youth Daily nêu rõ rằng, các đội cứu trợ của người nổi tiếng đang chạy đua làm từ thiện với mục đích ghi điểm với công chúng.
Trong khi đó, công tác cứu trợ của nghệ sĩ lại thiếu chuyên nghiệp, mang theo vật tư, nhân lực cồng kềnh nhưng hiệu quả kém, cốt chỉ để phục vụ công tác quay chụp đăng lên mạng xã hội.
Ngoài ra, sự xuất hiện của giới nghệ sĩ còn khiến người hâm mộ tụ tập kéo theo, gây tắc nghẽn giao thông, cản trợ nghiêm trọng công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Tiến sĩ Leslie Lenkowsky
Tại Hollywood, việc nghệ sĩ mượn danh từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi cũng không còn xa lạ. Cách đây hơn 10 năm, trong bài viết có nhan đề "Sự thật về việc từ thiện của nghệ sĩ" đăng trên tạp chí Forbes, Tiến sĩ Leslie Lenkowsky của Trung tâm Từ thiện Đại học Indiana đã thốt lên: "Mục đích từ thiện có thể là trao học bổng, hỗ trợ người có hoàn cảnh thật, nhưng đây cũng là phương tiện để quảng bá hình ảnh của người nổi tiếng".
Trục lợi từ tiền quyên góp
Tại Hollywood, nhiều nghệ sĩ đình đám như Lady Gaga, Kanye West, Madonna… từng gây tranh cãi khi kêu gọi quyên góp từ thiện nhưng rồi không sử dụng hợp lý, công khai minh bạch các khoản chi.
Kanye West từng gây tranh cãi với quỹ thiện mang tên mình có những khoản chi bất hợp lý
Theo The Richest, nam rapper đình đám Kanye West từng gây ồn ào với quỹ từ thiện mang tên Kanye West Foundation. Đây là tổ chức từ thiện được thành lập năm 2007 với sứ mệnh giảm tỉ lệ học sinh trung học bỏ học.
Tuy nhiên, 4 năm sau, tổ chức này ngừng hoạt động sau khi bị "khui" những khoản chi không đúng mục đích. Được biết, con số 570.000 USD kêu gọi được vào năm 2011 không được chi cho mục đích từ thiện mà để trả công tác hành chính như tiền lương, tiền công, phúc lợi.
Tình trạng này tương tự vào năm 2009, khi số tiền kêu gọi được là 200.000 USD nhưng chỉ có 563 USD chi cho hoạt động từ thiện.
Tương tự, Kim Kardashian - vợ cũ của West cũng tranh thủ kiếm lời từ việc hô hào quyên góp. Cô từng kêu gọi đấu giá quần áo, phụ kiện hàng hiệu trên eBay để giúp đỡ nạn nhân trong siêu bão Haiyan ở Philippines. Kết quả, cô đã ăn bớt đến 90% tổng lợi nhuận, và chỉ gửi đi 10%.
Kim Kardashian
Lady Gaga cũng từng gây thất vọng khi không sử dụng nguồn tiền kêu gọi từ thiện hợp lý. Theo đó, nữ ca sĩ đã thành lập quỹ Born This Way Foundation với sứ mệnh tiếp thêm sức mạnh và truyền cảm hứng cho giới trẻ vào năm 2011.
New York Post cho biết, năm 2012, quỹ kêu gọi được 2,5 triệu USD nhưng chỉ trao một khoản hỗ trợ 5.000 USD. Trong khi đó, chi phí phải thanh toán cho các khoản pháp lý, phí tư vấn từ thiện, chi phí phát triển phương tiện truyền thông xã hội, hoạch định chiến lược, PR, các cuộc họp, sự kiện... trong năm này lên đến 1,85 triệu USD.
Lady Gaga trong chuyến từ thiện ở Nam Phi vào năm 2012
Nghiêm trọng hơn, năm 2011, Daily Mail cho biết Quỹ từ thiện giáo dục Success for Kids do "nữ hoàng nhạc pop" Madonna làm chủ tịch bị FBI điều tra vì có “những hành động mờ ám và trái luật pháp”.
Cụ thể, năm 2009, Madonna đã lên kế hoạch xây dựng một ngôi trường trị giá 15 triệu USD cho nữ sinh ở Malawi. Một năm sau, hơn 200 cư dân đã được di dời khỏi nơi ở để nhường chỗ xây trường. Tuy nhiên, đến năm 2011, số tiền 15 triệu USD gây quỹ thất thoát đáng kể ngay cả trước khi dự án được khởi công xây dựng.
Madonna tại Malawi hồi tháng 4/2010
Kết quả điều tra cho thấy, Madonna đã lấy 3,8 triệu USD từ khoản kêu gọi 15 triệu USD trong kế hoạch xây dựng ngôi trường trị giá 15 triệu USD cho nữ sinh ở Malawi.
Số tiền này được nữ ca sĩ dùng để mua sắm xe hơi cho nhân viên nằm ngoài tổ chức từ thiện, phí thuê văn phòng, kiến trúc sư...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận