Thời sự Quốc tế

Đối phó Mỹ, Nga phát triển tên lửa siêu thanh mặt đất thế hệ mới

06/02/2019, 08:49

Nga cho biết sẽ phát triển 2 hệ thống tên lửa mặt đất để đối phó với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

img
Tên lửa hành trình Kalibr của Nga được phóng từ chiến hạm (Ảnh tư liệu)

Tờ Kommersant của Nga dẫn lời một nguồn thạo tin cho hay, đối với việc sử dụng tên lửa Kalibr và Zircon hiện đại, Moscow có thể không gặp vấn đề kỹ thuật nào khi đối phó với động thái của Mỹ trong quá trình rút khỏi Hiệp ước INF.

Cụ thể, quân đội Nga sẽ bắt đầu nghiên cứu phát triển các hệ thống phóng trên mặt đất cho loại tên lửa hành trình được phóng từ tàu Kalibr, cùng với các tên lửa siêu thanh có tốc độ di chuyển ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

“Phạm vi của tên lửa Kalibr sẽ được cải thiện lên 2.600 km trong trường hợp được triển khai từ bệ phóng trên đất liền”, tờ Kommersant dẫn lời các nguồn tin chính phủ cấp cao cho biết.

Các nguồn tin nói thêm rằng, một tên lửa siêu thanh tầm trung phóng từ mặt đất sẽ được phát triển dựa trên tên lửa 3M22 Zircon. Tên lửa mới sẽ sử dụng các bệ phóng của Kalibr, do đó chi phí nghiên cứu và phát triển sẽ không quá tốn kém.

img
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu

Cũng liên quan tới vấn đề này, hãng tin Reuters ngày 5/2 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã chỉ thị quân đội phát triển các hệ thống tên lửa mới và yêu cầu vũ khí mới hoàn thiện vào cuối năm 2020 để sẵn sàng đưa vào trực chiến vào năm 2021.

Ông Shoigu cũng cho biết, Tổng thống Putin đã giao cho Bộ Quốc phòng nhiệm vụ thực hiện các biện pháp cân xứng sau khi Mỹ đình chỉ các nghĩa vụ của nước này trong Hiệp ước INF và đang tích cực phát triển tên lửa đất đối đất có tầm bắn hơn 500km.

Cuối tuần vừa qua, theo sau hành động của Washington, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ Hiệp ước INF ký kết với Mỹ từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó cấm hai quốc gia triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km) ở châu Âu.

Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh rằng bất chấp việc áp dụng các biện pháp trả đũa, Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo quyết định đình chỉ các nghĩa vụ theo Hiệp ước INF của Washington và bắt đầu quá trình rút khỏi thỏa thuận kéo dài 6 tháng.

Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng tên lửa 9M729 của Nga vi phạm Hiệp ước INF. Trong khi đó, Nga phủ nhận việc phớt lờ hiệp ước được ký năm 1987 và cho rằng Washington mới là bên vi phạm thỏa thuận.

Nga cáo buộc Mỹ dùng cớ trên để rút khỏi hiệp ước mà đằng nào Mỹ cũng muốn rời đi để phát triển tên lửa mới. Trong khi đó, Washington đã phủ nhận điều này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.