Trao đổi với PV, ông V.Đ. (ở thôn Vân Tây, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phản ánh: Trong đợt dịch này, gia đình tôi có 2 con lợn bị chết. Khi báo với thú y về sự việc heo bị dịch, thì có người đến cân lợn, rồi lấy 200.000 đồng và nói đây là khoản tiền chở lợn đi tiêu hủy.
Bà H.T.Ch. (75 tuổi, cũng ở thôn Vân Tây) cũng thông tin: Gia đình tôi phải đóng phí 500 ngàn đồng mới được cơ quan chức năng tiêu hủy 2 con lợn nái bị trúng dịch, tổng trọng lượng gần 200 kg.
"Ở đây người ta thu tiền tiêu hủy lợn dịch tính trên trọng lượng. Lợn càng nặng thì họ lấy tiền càng nhiều. Dân không nộp tiền thì họ không chở heo dịch đi tiêu hủy", một người dân phản ánh.
Trao đổi về những thông tin người dân phản ánh, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) xác nhận, việc thu tiền của người dân để thực hiện tiêu hủy heo bị dịch tả lợn là có thật. Chính quyền xã đang chỉ đạo xử lý và rút kinh nghiệm việc này. "Việc đội tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tả lợn đi thu tiền của người dân là không đúng quy định", ông Ba nói.
Ông Ba cho hay, ước tính trong đợt dịch này, xã Bình Triều tiêu hủy khoảng 2.600 con heo bị bệnh, chi phí cho công tác này khoảng 250 triệu đồng và hiện đã thu khoảng 150 triệu đồng tiền của người dân.
Ông Ba cho biết thêm: Ngoài thu tiền để tiêu hủy heo bị bệnh, những người tiến hành tiêu hủy còn nhận tiền “bồi dưỡng” thêm của người dân. Đây là khoản tiền thỏa thuận giữa người dân với nhân công đội tiêu hủy, chứ xã hoàn toàn không thu số tiền này.
Không chỉ người dân ở xã Bình Triều và Bình Qúy (huyệnThăng Bình), mà người dân ở xã Quế Xuân 2 (huyện Quế Sơn) cũng hết sức bất bình trước việc heo chết do mắc bệnh tả lợn Châu Phi phải đống tiền khi đưa đi tiêu hủy.
Nhiều người dân phản ánh: Việc thu tiền được thực hiện theo trọng lượng của heo chết. Heo có trọng lượng từ vài chục kg đến dưới 100 kg thì tổ thu dọn xác lợn lấy 200 ngàn/con; lợn trên 100 kg thu 300 ngàn/con.
Ông Lê Thọ Hồng - Phó chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2, cho biết: Đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 6/6 thôn của xã, với khoảng 750 con heo/160 hộ dân nuôi bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc. Tổng trọng lượng heo bị tiêu hủy hơn 50 tấn.
Trả lời về việc người dân phải đóng tiền mới được tiêu hủy heo, ông Hồng thừa nhận việc này là sai và khẳng định việc thu tiền của người dân là không phải chủ trương của xã.
Ông Hồng cho hay: Hiện có tổng cộng 23 hộ dân ở thôn Phú Vĩnh và Phú Nguyên đã nộp cho tổ tiêu hủy heo của xã số tiền gần 6 triệu đồng. “Đích thân tôi đã gửi giấy mời cho các hộ dân mà có cán bộ thu tiền tiêu hủy heo dịch, chiều nay (ngày 5/8) có mặt tại trụ sở UBND xã để nhận lại số tiền bị thu", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, việc người dân đóng tiền theo trọng lượng của heo chết trước khi đưa đi tiêu hủy là là không có.
Ông Ngô Tấn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay, việc cán bộ thu tiền của người dân để đưa lợn nhiễm bệnh đi tiêu hủy là hoàn toàn sai quy định. Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình đã chấp hành việc ngừng "thu phí" để tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận