Chung sức đồng lòng hiến đất xây dựng nông thôn mới
Về thôn Đá Ngựa (xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) một ngày cuối năm 2022 hỏi về gia đình ông Hạc Văn Sỹ, dân tộc Tày, không ai trong thôn không biết về câu chuyện hiến đất làm đường đầy trách nhiệm với cộng đồng của gia đình ông Hạc Văn Sỹ.
Một đoạn đường bê tông về các họ giáo xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương)
Chia sẻ với PV, ông Sỹ cho biết, năm 2020, xã Phúc Ứng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống dọc hai bên đường hiến đất, phá dỡ tường rào, cây cối để mở rộng tuyến với chiều rộng nền đường 6,5 m, chiều rộng mặt đường 3,5 m. Thửa đất của gia đình ông nằm ở vị trí tuyến đường đi qua, không do dự, gia đình ông đã tự nguyện hiến 110 m2 đất ruộng và 2 cây lát đã trồng lâu năm.
Ông Sỹ chia sẻ: Từ những năm 80, bố mẹ ông đã từng hiến đất mở đường cho dân làng đi lại. Đến nay, noi theo truyền thống của gia đình, ông cũng không ngần ngại hiến đất để địa phương mở rộng, nâng cấp đường giao thông.
“Khi đường giao thông được mở rộng, người được hưởng thụ đầu tiên là con, cháu mình, xe cộ đi lại thuận tiện, việc buôn bán, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa của các hộ dân dọc hai bên đường cũng phát triển hơn. Hy sinh một chút lợi ích nhỏ trước mắt của gia đình cho việc lớn, lâu dài của thôn đâu có đáng kể gì”, ông Sỹ tâm sự.
Dự án nâng cấp tuyến đường ĐH17 (đường vào UBND xã Phúc Ứng) đi qua 4 thôn gồm: thôn Đá Ngựa, Liên Thành, Đồng Luộc và Phúc Vượng. Tuyến đường có chiều dài gần 3 km với tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh. Các hộ dân trong xã có đất liên quan đến giải phóng mặt bằng đã đồng thuận, tự nguyện hiến đất ở, đất nông nghiệp, đất hành lang giao thông, tường rào và cây lâu năm để làm đường.
Tuyến đường hoàn thành ai nấy trong xã đều phấn khởi, nhờ đây, giao thông thuận lợi, hoạt động buôn bán, giao thương của các hộ dân cũng thuận lợi hơn.
Lãnh đạo xã Phúc Ứng cho biết, năm 2020, ngay sau khi có chủ trương làm tuyến đường ĐH17, Đảng ủy và UBND xã đã chỉ đạo thành lập 4 tổ giải phóng mặt bằng, mỗi tổ có từ 5 - 7 người để làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất.
Với phương châm: “Đem sức dân làm lợi cho dân”, UBND xã đã chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. UBND xã phân công các tổ giải phóng mặt bằng phụ trách các thôn. Hàng tuần, hàng tháng xuống từng thôn lắng nghe, nắm bắt ý kiến đóng góp của nhân dân.
Từ đó, xã và thôn thống nhất cách làm hợp lý với từng thôn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được hưởng quyền lợi của mình.
Và chỉ trong một thời gian ngắn, 108 hộ dân của 4 thôn trên địa bàn xã Phúc Ứng sinh sống dọc hai bên đường và một số tuyến đường nhánh đã đồng thuận, tình nguyện hiến trên 4.548 m2 đất thổ cư, đất ruộng, tháo dỡ tường rào, di chuyển, phá bỏ gần 120 cây ăn quả, cây sưa có giá trị kinh tế để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, những ngày này, không khí nhộn nhịp bao trùm khắp các ngõ, ngả đường, ai nấy đều phấn khởi chuẩn bị cho lễ Giáng sinh.
Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lợi cho biết, toàn xã có 7 họ giáo với 1.480 hộ và 6.583 nhân khẩu; có 2 linh mục, 7 nhà thờ, chiếm 68% tổng số dân trong toàn xã.
“Trong xây dựng nông thôn mới, thông qua tuyên truyền, vận động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, bà con giáo dân chung sức thực hiện dưới nhiều hình thức. Cụ thể như tự nguyện hiến đất để cải tạo, làm đường giao thông nông thôn, đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động để mở rộng đường giao thông thôn, xóm và xây dựng các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, tường rào; vệ sinh môi trường sạch sẽ; vận động 100% giáo dân đăng ký thu gom rác, trang bị thùng rác dọc theo các tuyến đường, không xả rác bừa bãi trong khu dân cư”, lãnh đạo xã Vĩnh Lợi chia sẻ thêm.
Sau 2 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh Tuyên Quang có 841 hộ dân hiến 94.043 m2 đất các loại
Giao thông nông thôn khoác áo mới nhờ sức dân
Theo báo cáo của HĐND tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Đề án Bê tông hoá đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025, đối với đường giao thông nông thôn sẽ thực hiện theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Cụ thể, UBND các huyện, thành phố lựa chọn nhà thầu cung ứng xi măng, ống cống và nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng.
Qua 2 năm (2020 – 2022) toàn tỉnh đã cung ứng được 70.480,11 tấn xi măng; 5.675 ống cống với tổng kinh phí 100,134 tỷ đồng để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Đồng thời, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tạo thành phong trào sâu rộng trong các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; nhiều hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh đã tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, nguyên vật liệu để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, điển hình như hộ ông Nguyễn Minh Hùng, thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn hiến 1.071m2 đất và hơn 103 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; hộ ông Nguyễn Văn Long, thôn Trục Trì, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa hiến 1.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Văn Khuynh, thôn Hưng Long, xã Thành long, huyện Hàm Yên hiến 875m2 đất làm cầu trên đường giao thông nông thôn,…
Thống kê cho thấy, trong 2 năm, toàn tỉnh đã có 841 hộ hiến 94.043 m2 đất các loại, nhân dân đóng góp 171,361 tỷ đồng (bằng vật liệu, nhân công). Toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn được 480,22 km. Trong đó, đường giao thông thôn đạt 242,48 km, đạt 40% kế hoạch Đề án, nâng số lượng đường giao thông thôn được bê tông hóa lên 2.969 km, đạt tỷ lệ 75,1%. Đường giao thông nội đồng thi công đạt 237,74 km, đạt 56,6% kế hoạch Đề án, nâng số lượng đường giao thông nội đồng được bê tông hóa lên 844,02 km, đạt tỷ lệ 51,1%.
Theo HĐND tỉnh Tuyên Quang, việc ban hành, thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân. Chủ trương đúng đắn, phương thức thực hiện sáng tạo, khoa học, tổ chức thi công các công trình đảm bảo kỹ thuật, chất lượng; chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn trở thành một phong trào rộng khắp toàn tỉnh, mang lại diện mạo mới cho nông thôn.
Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt; tăng cường kết nối hệ thống giao thông tại vùng sâu, vùng xa.
Việc xây dựng các cầu trên đường giao thông nông thôn đã kết nối các tuyến đường giao thông nông thôn với các tuyến trục chính trên địa bàn, từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ và phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thương hàng hóa, kết nối liên vùng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận