Làn sóng rút bảo hiểm không giảm mà còn tăng cao
Tiếp tục phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 6/6, trả lời đại biểu Trần Diệu Thuý (TP.HCM) về làn sóng rút bảo hiểm không giảm mà tăng cao, đặc biệt khi thông tin về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm được công bố gần đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Hiện nay, con số này là 900.000 người rút trong 1 năm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 6/6
Số người rút BHXH một lần gần bằng số tham gia vào hệ thống. Đây là nguy cơ, thách thức về sau vì tương lai, nhiều người già không có chế độ an sinh, hệ thống chính sách an sinh khó đảm đương bền vững.
Nguyên nhân việc rút bảo hiểm là do đời sống, thu nhập đời sống khó khăn, nghĩ về khoản để dành nên rút. Đại bộ phận rút BHXH một lần rơi vào công nhân lao động, công chức viên chức ít.
"Nguyên nhân vì sao rút BHXH một lần tăng, xin thưa, không có quốc gia nào có cơ chế rút BHXH một lần dễ dàng như Việt Nam. Điều 60 Luật BHXH năm 2016 rất nhân văn. Đây là đánh giá của chuyên gia ở Liên Hợp quốc mà chúng tôi tham vấn. Ông ấy nói Việt Nam hào phóng quá, kể cả trong chuyện cho hưởng lương hưu với tỷ lệ tới 75% và cả chuyện rút BHXH một lần. Thông lệ quốc tế, các nước chỉ cho rút bảo hiểm khi người lao động mắc bệnh nan y hoặc định cư nước ngoài", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo ông, rút BHXH là quyền của công dân, không thể cấm. Vấn đề là làm sao để người lao động thấy nhiều quyền lợi, thấy lợi ích hơn thì có rút ra sau đó khi có điều kiện họ cũng tham gia lại. Bộ trưởng cho biết, thực tế hiện nay, 1/3 số người rút bảo hiểm đã quay trở lại.
Vị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng xác nhận vừa qua có hiệu ứng, khi dự thảo Luật BHXH được đưa ra, người lao động tưởng không được quyền lợi như hiện nay, nên tranh thủ thời cơ đi rút bảo hiểm. Tuy nhiên, ông khẳng định, tinh thần sửa Luật BHXH tập trung theo hướng không hạn chế, mà tăng quyền lợi cho người lao động.
Nói thêm về việc sửa Luật BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Tính tổng thể các chính sách liên quan, thì nếu tiếp tục quy định đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu, chắc người lao động không chờ đợi được".
Bộ trưởng phân tích, những ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may mà kéo dài 20 năm, lao động nam đủ 62 tuổi mới được nghỉ hưu, lao động nữ cũng 60 tuổi đều rất khó khăn. Hướng giảm số năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu xuống 15 năm tiến tới 10 năm thì đương nhiên người về hưu hưởng lương thấp. Đó là vì BHXH vận hành theo nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng, Nhà nước chỉ chia sẻ một phần.
"Chúng tôi đã bàn nhiều, đưa phương án khác nhau nhưng nguyên tắc chung, để dừng việc rút BHXH một lần là vấn đề khó khăn. Nói thật, với tư cách Bộ trưởng là Trưởng ban chỉ đạo soạn thảo luật, các điều kiện được rút bảo hiểm, chúng ta đi theo xu hướng quốc tế. Vấn đề này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp sau", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên)
Chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi vụ thu sai BHXH
Tham gia chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc thu bảo hiểm bắt buộc sai đối với chủ hộ kinh doanh cho thấy cơ quan bảo hiểm đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người dân.
Về hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, nước ta đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị COVID-19. Năm 2023, số dư quỹ là 59.357 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Việc này nhằm giúp hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu chi xong, số dư quỹ sẽ còn khoảng 39.405 tỷ đồng.
"BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm đến người lao động trong giai đoạn khó khăn. Bằng mọi cơ chế, chính sách sẽ hỗ trợ cho người lao động", ông Phớc thông tin.
"Việc thu sai đối tượng trong thời gian quá dài, có người đóng 20 năm. Vậy có tiêu cực trong thu BHXH không? Bộ trưởng cho biết trách nhiệm thuộc cơ quan nào, hướng xử lý sai phạm", đại biểu đặt câu hỏi.
Ông Dung khẳng định, việc thu sai BHXH bắt buộc là sai về chủ trương, Bộ đã làm việc với BHXH Việt Nam đề nghị chấn chỉnh. Đây là trách nhiệm của BHXH Việt Nam và đặc biệt BHXH các địa phương.
Thời gian qua, 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ đã đến các địa phương để kiểm tra việc thu sai BHXH và ghi nhận, các địa phương đã xử lý linh hoạt với chủ hộ kinh doanh giải quyết về căn bản. Có nơi báo cáo 62 trường hợp, nhưng khi kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp.
"Chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi, nhưng sai là có", Bộ trưởng Dung nói và cho biết, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến khi xây dựng pháp luật sẽ đưa nhóm chủ hộ kinh doanh vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc. Nếu được Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ thực hiện biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong đó có cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu người dân có nhu cầu chuyển sang bảo hiểm bắt buộc hoặc tự nguyện.
Về những vụ việc làm giả hồ sơ hưởng BHXH mà đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề này đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, tình trạng này có giảm đi trong thời gian qua.
"Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhắc tôi rất nhiều, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã vào cuộc quyết liệt. Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, chúng tôi dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề BHXH", ông Dung nói.
Sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia BHXH bắt buộc
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề thu sai đối tượng BHXH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, chúng ta có chủ trương mở rộng độ bao phủ BHXH.
BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn một số tỉnh về đóng BHXH. Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016. Đến năm 2016 có chủ trương dừng lại, nhưng một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn là 1.332 cá nhân.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật BHXH là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên.
"Những nhân viên của họ được nộp BHXH bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai cả, nên không được nộp bảo hiểm", ông Phớc nói.
Về bản chất, theo Bộ trưởng, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng.
Bộ trưởng cho rằng, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật BHXH sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia BHXH bắt buộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận