Giao thông đi trước mở đường
Với lợi thế có 2 tuyến biên giới với nước bạn Trung Quốc, có đường bờ biển dài gần 250km với nhiều cảng nước sâu, Quảng Ninh được đánh giá là trung tâm liên kết vùng ở khu vực phía Bắc và là cửa ngõ kết nối với Trung Quốc và ASEAN.
Nhận thức rõ được vai trò của địa phương, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có chiến lược đầu tư bài bản, hiệu quả để không ngừng khẳng định vị trí của mình trong khu vực. Một trong những giải pháp trọng tâm, đó là địa phương này đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, toàn diện.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư tuyến đường cao tốc dài trên 176km kết nối với Hải Phòng, Hà Nội. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến cao tốc này trở thành "trụ cột" về giao thông để Quảng Ninh kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận và trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Hiện, Quảng Ninh đã và đang triển khai các dự án giao thông trọng điểm với TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương. Điển hình là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, đoạn từ nút giao với quốc lộ 18 ở Quảng Ninh đến cầu vượt Quán Toan; dự án xây dựng cầu Lại Xuân, cầu Bến Rừng nối với TP Hải Phòng; dự án cầu Triều, đường ven sông từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, kết nối từ đường ven sông sang TX Kinh Môn và TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương)...
Đồng thời triển khai xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 279 (từ TP Hạ Long đến đường tỉnh 291 thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, cũng như tuyến đường tỉnh 342 nối từ TP Hạ Long lên huyện Ba Chẽ sang tỉnh Lạng Sơn để khai thác không gian núi rừng, mở ra cơ hội cho phát triển du lịch Quảng Ninh và các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng...
Đối với liên kết vùng, nội vùng trong tỉnh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hàng loạt công trình, dự án giao thông như: Đường kết nối trung tâm với vành đai biên giới ở huyện Bình Liêu, nâng cấp quốc lộ 18C nối 2 khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, các tuyến giao thông nội bộ khu kinh tế Vân Đồn...
Điểm nổi bật là, với các cơ chế cụ thể, hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư sân bay Vân Đồn, Cảng quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu ở TP Hạ Long, cảng Ao Tiên ở khu kinh tế Vân Đồn...
Với kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư như vậy, tỉnh Quảng Ninh đã thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức, khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, gắn với các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế, các đô thị lớn, khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết của vùng đồng bằng sông Hồng và hợp tác phát triển "Hai hành lang một vành đai kinh tế" Việt Nam - Trung Quốc.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh, cho biết, nhằm tiếp tục phát huy vai trò "đi trước mở đường" của lĩnh vực giao thông, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông hiện hữu.
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh đã định hình tương lai kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc (Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái); 7 tuyến quốc lộ (quốc lộ 18, 18B, 18C, 279, 10,17B và 4B); 3 tuyến đường sắt quốc gia (Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hạ Long - Móng Cái) và hệ thống các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia, quốc tế.
"Giao thông đồng bộ sẽ là động lực đặc biệt quan trọng để Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc", ông Minh chia sẻ.
Tổng thể giải pháp hút nguồn lực đầu tư logistics
Theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế.
Trong đó, Chính phủ cũng đã đặt kỳ vọng dịch vụ tổng hợp hiện đại sẽ ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh.
Đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á...
Từ thực tiễn và các quy hoạch chung, với những thuận lợi về cơ sở hạ tầng, cùng những cơ chế, chính sách đặc biệt, Quảng Ninh đang tích cực phát triển logistics thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.
Để đạt mục tiêu này, giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ kết cấu hạ tầng với dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn này hơn 45.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng giao thông có liên kết khu vực và kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, để tạo ra các trung tâm mới phục vụ cho đầu tư quốc tế...
Trên cơ sở định hướng phát triển dịch vụ logistics, Quảng Ninh đã và đang triển khai xây dựng 7 nhóm giải pháp.
Trọng tâm là xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành hạ tầng giao thông liên kết.
Chủ động bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, dịch vụ logistics nói riêng; tích cực xây dựng chương trình hợp tác giữa các hiệp hội logistics/hiệp hội ngành nghề của các địa phương, thông qua đó thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp...
Ðến nay, Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với 39 dự án trên địa bàn liên quan đến hạ tầng logistics. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định về danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, với tổng số 86 dự án, trong đó có 6 dự án liên quan cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics (chiếm 6,97% tổng số dự án)...
"Mặc dù đã có những kết quả nhất định, nhưng nhìn tổng thể thì hoạt động logictics của Quảng Ninh còn rất nhiều dư địa. Do vậy, tỉnh đã và đang tiếp tục có những giải pháp căn cơ, có hiệu quả hơn để lĩnh vực này thành mũi nhọn của nền kinh tế", ông Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận