Chính quyền TP Đà Nẵng đã nhiều lần tổ chức đối thoại với dân để tìm ra quyết sách hợp lý về việc 2 nhà máy thép hoạt động trong khu dân cư hơn 10 năm nay. Ảnh: Thu Hồng |
Người dân vẫn khổ...
Trước đó, đầu tháng 3/2018, Đà Nẵng “chọn dân, không chọn nhà máy thép”, quyết định phương án đóng cửa 2 nhà máy thép thay vì di dời dân. Tuy nhiên, theo các DN lộ trình chóng vánh này khiến DN trở tay không kịp… Trong khi đó, người dân trên địa bàn lo ngại về việc “tái sinh” vùng đất ảnh hưởng ô nhiễm thép này không hề dễ dàng.
Theo các hộ dân Vân Dương 1, Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), bao năm sống khu vực rìa hai nhà máy théo của Công ty CP Thép DANA-Ý và Công ty CP Thép DANA-ÚC là chừng ấy thời gian phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, sản xuất, canh tác gặp khó khăn…
Ông Nguyễn Văn Thanh (Xã Vân Dương 2) cho biết: người dân hoan nghênh quyết định của Đà Nẵng khi chọn dân không chọn nhà máy thép. Không chỉ đối mặt chất lượng không khí, nguồn nước, đất canh tác bị ô nhiễm, không thể sản xuất, người dân trên địa bàn sống trong cảnh “quy hoạch” tái định cư không được phép sửa chữa, tách hộ hây xây dựng nên tình cảnh càng thêm bế tắc.
“Lỗi ở cả việc di dân chậm. Ban đầu chủ trương Đà Nẵng là đưa dân ra khỏi nhà máy thép nhưng mọi việc hết sức chậm chạp. Con cái lấy vợ, lấy chồng cũng phải ở chung với bố mẹ vì nhà cửa, hoa màu đều đã được kiểm định chờ đền bù, khiến bức xúc càng thêm bức xúc”, ông Thanh nói.
Sau khi nghe quyết định đóng cửa 2 nhà máy, ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vân Dương 2) vẫn đặt nhiều câu hỏi cho chính quyền TP về những khó khăn mà dân ở đây đối mặt sau khi TP không cho di dời dân. Ảnh: Thu Hồng |
Đỉnh điểm sự phản ứng ngay sau những ngày đầu Xuân 2018, hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên, vùng lân cận nhà máy thép kéo lên các công ty để gây sức ép, yêu cầu ngưng hoạt động.
Sau 3 lần đối thoại vào cuối tháng 2/2018, Đà Nẵng quyết định chọn phương án ngưng hoạt động hai công ty thép, hủy bỏ chủ trương di dời dân từ đầu tháng 3 vừa qua. Theo các hộ dân, họ vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ của thành phố để ổn định cuộc sống, sản xuất trở lại.
Ông Phan Văn Minh (thôn Vân Dương 1) cho hay, sau 10 năm nhà máy tồn tại khiến lượng xỉ được chôn tại đây đang rất là nhiều, ảnh hưởng mạch nước ngầm. Dân chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng rau, lúa, chăn nuôi nhưng luôn thiếu nguồn nước tưới tiêu. Việc “treo” chủ trương tái định cư suốt những năm qua khiến công tác sản xuất của người dân bị dừng cả 2 vụ, các cánh đồng đang bị hoang hóa nên việc tái sản xuất chắc chắn rất khó khăn. “Người dân mong mỏi chính quyền thành phố tìm ra hướng giải quyết tốt nhất”, ông Minh nói.
Nhà máy trở tay không kịp
Trong khi đó, phía các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa trước áp lực nợ lần, hợp đồng ký kết và hàng ngàn công nhân quyết định sau quyết định buộc ngưng hoạt động.
Các doanh nghiệp thép này cho rằng, lâu nay thành phố chỉ có chủ trương di dời dân ra khỏi khu vực nhà máy và mới đây có tính thêm phương án di dời nhà máy thép. Mọi việc đang được cân nhắc thì đùng cái, các công ty nhận quyết định ngừng hoạt động nhà máy thép.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần thép DaNa – Úc, doanh nghiệp đối mặt với khoản nợ 670 tỷ đồng, hàng ngàn đơn hàng bị hủy bỏ, 500 công nhân thất nghiệp. Nhớ ngày nghe quyết định, bà Xuân gục khóc như muốn ngất xỉu tại buổi làm việc.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần thép DaNa – Úc, doanh nghiệp đối mặt với khoản nợ 670 tỷ đồng, hàng ngàn đơn hàng bị hủy bỏ, 500 công nhân thất nghiệp. Nhớ ngày nghe quyết định, bà Xuân gục khóc như muốn ngất xỉu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Hồng |
Theo bà Xuân, trước đây, nhà máy nằm ở đường Lê Văn Hiến (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Năm 2006, theo chủ trương của thành phố, doanh nghiệp mua đất tại cụm Công nghiệp Thanh Vinh và di dời nhà máy lên đây. Chủ đầu tư cụm Công nghiệp là Công ty Cổ phần Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung và chính quyền thành phố cam kết là sẽ di dời dân xung quanh nhà máy, từ bờ rào đến khu dân cư sẽ có khoảng đệm dài 30 mét cây xanh, đảm bảo không ảnh hưởng đời sống người dân. Nhưng chủ đầu tư thay đổi nên lỗi không thuộc về doanh nghiệp. Để khắc phục tình hình, nhà máy liên tục đầu tư thiết bị mới giảm tiếng ồn, khói bụi.
“Khi Đà Nẵng chủ trương sẽ di dời dân trước khi di dời nhà máy, doanh nghiệp đã đầu tư 36 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống hút bụi. Doanh nghiệp cũng đã vay 300 tỷ đồng nhập nguyên liệu sản xuất hơn 19 ngàn tấn, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Giờ thì chỉ còn nước phá sản”, bà Xuân nghẹn ngào.
Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana – Ý cho hay: doanh nghiệp chấp hành các quyết định của thành phố nhưng cần có lộ trình phù hợp. Mỗi năm, đơn vị đóng các thuế phí nhà nước lên đến gần 350 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 850 lao động, cũng chủ yếu là người địa phương. Đây là cú sốc rất lớn.
Anh Nguyễn Phúc, công nhân nhà máy thép, cũng là người dân ở thôn Vân Dương 2, lo lắng: hai vợ chồng cùng làm công nhân nhà máy thép, mức thu nhập ổn định 10 triệu mỗi tháng. Giờ nhà máy dừng sản xuất, 2 vợ chồng mất việc làm, kinh tế gia đình sẽ khánh kiệt. Theo các công nhân, nhiều người lao động ở nhà máy thép là dân địa phương nên nỗi lo về chuyển đổi nghề nghiệp, ngành nghề càng áp lực.
Thông tin trên Báo Đà Nẵng, quyết định phương án dừng hoạt động hai nhà máy sẽ làm thất thu ngân sách khoảng 200-300 tỷ đồng/năm, đền bù thiệt hại với kinh phí lớn cho các nhà máy; thiệt hại lớn cho nhà máy ước tính trên 2.100 tỷ đồng, 1.200 công nhân sẽ mất việc làm; chậm chỉnh trang đô thị tại khu vực thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2 và không khớp nối hạ tầng đồng bộ tại khu vực... Tuy nhiên, quyết định này sẽ giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường tại khu vực, chấm dứt việc khiếu kiện của người dân; bảo đảm các yếu tố về môi trường, cảnh quan khu vực, phù hợp với mục tiêu quy hoạch...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận