Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo xử lý khó khăn, vướng mắc đối với thủ tục đất đai để khai thác vật liệu cung cấp thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Theo văn bản, tổng nhu cầu về đất đắp phục vụ hai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 5,8 triệu m3.
Nhiều tháng qua, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã khảo sát và đề xuất 3 vị trí bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu.
Bao gồm khu vực xã Phước Bình, huyện Long Thành có diện tích hơn 16ha; khu vực phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa có diện tích 9,3ha và khu vực phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa có diện tích 6ha.
Cả 3 vị trí này đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Những vị trí này cũng không phải là điểm mỏ, không có trong quy hoạch khoáng sản và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Vì vậy UBND tỉnh Đồng Nai đã nêu ra các vướng mắc về quy hoạch, quản lý liên quan đến những vị trí trên.
Từ đó Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh khai thác, sử dụng nguồn đất đắp làm vật liệu san lấp không thuộc quy hoạch tại 3 khu vực nói trên.
Mục đích cung cấp cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điều phối cho đường Vành đai 3 TP.HCM.
Để khai thác, các nhà thầu sẽ tự thỏa thuận với người dân về khối lượng vật liệu phục vụ cao tốc. Đồng thời có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí với nhà nước theo quy định.
Sau khi khai thác, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình san gạt hạ cốt nền, thu hồi vật liệu cho đến khi xong dự án.
Trước đó tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT, ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban QLDA thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đã nêu ra các khó khăn về đất đắp dự án.
Trước mắt Ban QLDA đề nghị Đồng Nai chấp thuận cho phép sử dụng tầng phủ của các mỏ đá thương mại để phục vụ nhu cầu thi công cấp thiết.
Kiến nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù đối với các mỏ, hoàn tất các thủ tục liên quan để nhà thầu sớm có đất sử dụng cho dự án.
Còn đại diện Công ty CP Lizen, đơn vị thi công gói thầu xây lắp số 21 (thi công phân đoạn Km 6+200 - Km 16+000 qua huyện Long Thành) cho biết nhà thầu triển khai 5 mũi thi công.
Công nhân tập trung làm tuyến chính, đường gom, thoát nước ngang, cống chui, cọc. Khó khăn của đơn vị là vướng mặt bằng và thiếu vật liệu san lấp nên phải vừa thi công vừa chờ.
Do đó đơn vị này cũng mong địa phương, các đơn vị chức năng có các giải pháp tháo gỡ vật liệu san lấp, phục vụ thi công.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 30km gồm dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2.
Trong đó, dự án thành phần 1 do mặt bằng bàn giao còn chưa liền mạch nên các nhà thầu chủ yếu làm cấu kiện đúc sẵn, đắp nền đường, làm cầu vượt ngang. Tổng lũy kế xây lắp mới đạt khoảng trên 5%.
Với dự án thành phần 2, các nhà thầu đã triển khai 34 mũi thi công với 375 nhân sự, 85 đầu máy thiết bị. Sản lượng đến nay đạt hơn 12% giá trị hợp đồng.
Tại đây nhà thầu triển khai làm phần đường, cầu, hầm chui, công tác thi công diễn ra tích cực ở những khu vực đã có mặt bằng.
Các vị trí còn lại vẫn phải vừa thi công vừa chờ đất sạch. UBND tỉnh Đồng Nai đã cam kết giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7.
Dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tiến độ tốt hơn, dự kiến sẽ hoàn thành trước so với kế hoạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận