Đông Nam Á bắt đầu nhận rác từ khi nào?
Khu vực gồm 11 quốc gia bắt đầu trở thành nơi tập trung rác thải từ nhiều nước lớn sau khi Trung Quốc - nhà nhập khẩu rác lớn nhất thế giới - bất ngờ quyết định đóng cửa không cho phép nhập phế thải.
Thực chất, hoạt động xuất khẩu rác thải xuất phát từ thế kỷ thứ 19. Khi đó, Mỹ từng nhập vải thừa từ châu Âu để đưa vào các nhà máy làm giấy, dùng thép thải từ Anh để xây dựng đường sắt. Sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản và Đài Loan tái thiết kinh tế bằng cách nhập số lượng lớn rác thải kim loại và giấy từ khắp nơi trên thế giới.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc vượt qua tất cả các nước đi trước trở thành nhà nhập khẩu rác thải lớn nhất hành tinh. Thời điểm đó, tất cả các bên đều hài lòng.
Những quốc gia xuất khẩu rác khi đó tìm được khách hàng sẵn sàng mua rác thay vì phải đưa lượng phế thải khổng lồ này đi tiêu hủy do thiếu các cơ sở xử lý tái chế. Trong khi, Trung Quốc có thể tái chế sau đó đưa rác thải vào chuỗi cung cấp sản xuất trên quy mô lớn.
Đơn cử, năm 2016, Bắc Kinh đã cho ra lò gần một nửa sản lượng kim loại đồng tinh chế từ rác của thế giới (trong đó 1/2 nguyên liệu rác nhập từ nước ngoài).
Tuy nhiên, các nhà sản xuất và tái chế rác Trung Quốc thường không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn và sức khoẻ. Hàng loạt nhà máy tái chế phế liệu tại Trung Quốc hoạt động không đúng chuẩn và gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Do đó, từ tháng 1/2018, Trung Quốc bất ngờ ra quyết định cấm nhập khẩu rác khiến toàn cầu xáo động. Các nước như Mỹ, Nhật, Canada… ngập trong rác. Ước tính, tới năm 2030, lượng rác thải nhựa tồn đọng có thể lên tới 111 triệu tấn và không biết xử lý kiểu gì khi các nhà máy của Trung Quốc không còn chấp nhận. Riêng nước Mỹ, số lượng rác không được xử lý dự báo lên tới 37 triệu tấn, và có thể phải chôn xuống đất, dìm xuống dưới biển.
Các nhà nhập khẩu rác thâm niên hàng chục năm của Trung Quốc không chịu chôn chân ở đó, họ nhanh chóng chuyển đổi hoạt động sang các nước khác như Malaysia. Tại đây, họ đốt cháy giai đoạn tái chế nguyên vật liệu để xuất khẩu ngược sang các nhà máy tại Trung Quốc.
Vẫn có thể nhập nhưng phải lựa chọn
Tuy nhiên, việc các nước Đông Nam Á hiện không còn chấp nhận rác cũng không tạo ra tác động lớn như thời Trung Quốc bởi một số quốc gia trên thế giới phải nhận lại rác thải như Nhật Bản, đặc biệt là châu Âu không còn quá khó khăn với hàng chục container rác trả về.
Sở dĩ vậy vì Nhật Bản và các nước châu Âu đang xúc tiến ý tưởng xây dựng một nền kinh tế “tuần hoàn” - nói cách khác, toàn bộ rác thải đều được xử lý, tái chế và tái sử dụng tại ngay trên đất nước đó hoặc ở một quốc gia gần kề. Châu Âu đang đặt nhiều mục tiêu tham vọng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trên toàn châu lục trong ba thập kỷ tới.
Malaysia dự định chuyển 3.300 tấn rác thải nhựa như đĩa CD, dây cáp điện, hộp sữa từ các quốc gia như Australia, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Saudi Arabia về nước. Philippines cũng rục rịch chuyển lại 69 tàu container bỉm thải cùng nhiều loại rác khác của Canada được nhập sang nước này từ năm 2013-2014.
Đây là ý tưởng hấp dẫn nhưng rất không may, theo nhiều chuyên gia, nó sẽ khó có hiệu quả vì một nền kinh tế tuần hoàn thực sự không thể diễn ra trên quy mô một quốc gia hoặc một khu vực mà phải trên toàn cầu.
Bởi các nước đang phát triển là đối tượng rất cần nguyên vật liệu tái chế, đặc biệt là khi lượng tiêu thụ tại các khu vực này tăng mạnh.
Trong khi đó, nguyên liệu thô đã được tái chế từ các nước phát triển như châu Âu lại đắt hơn và ít cạnh tranh hơn các nước đang phát triển. Do đó, thay vì cố gắng tạo ra một vòng tròn tái chế khép kín ở từng nước hoặc từng khu vực, các nhà hoạt động vì môi trường nên nỗ lực để hoạt động xuất nhập khẩu rác thải toàn cầu sạch và hiệu quả hơn.
Để làm được điều này, đầu tiên, Tổ chức Hải quan Quốc tế cần thiết lập những mã hải quan chung phân loại chính xác phế thải và nguyên liệu rác thải có thể tái chế, ít gây tổn hại đến môi trường, sức khỏe con người.
Hiện tại chưa hề có hệ thống hải quan như vậy nên nhiều nhà nhập khẩu vẫn có thể tuồn những loại rác thải chất lượng thấp được xử lý bằng những phương pháp không an toàn và không thân thiện với môi trường.
Thứ hai, các quốc gia có thể “khơi thông”dòng xuất/nhập rác thải hơn bằng cách hạ thấp hoặc hạn chế thuế đối với mặt hàng này. Bởi nếu thuế cao chỉ càng làm tăng chi phí tái chế và kích động hành vi buôn lậu.
Đồng thời, nếu các nhà hoạt động ở các nước giàu có lo ngại các nước nghèo hơn xử lý rác chưa hợp lý, họ có thể giúp đỡ các nước này thành lập hệ thống quản lý rác thải hiện đại hơn.
Chính phủ Mỹ đang đi một vài bước nhỏ theo hướng này. Trung Quốc cũng có thể là nước dẫn đầu. Trung Quốc chỉ cần chuyển 3% nguồn tài chính của sáng kiến “Vành đai và Con đường” là đủ để thành lập các cơ sở xử lý hiện đại ở các nước nhập rác của họ. Từ đó, nó sẽ giúp mở rộng nguồn cung nhiên liệu thô bền vững, vừa hạn chế những hậu quả tiêu cực đối với môi trường.
Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng không phải là tạo một nền kinh tế tuần hoàn để giữ rác thải khư khư trong nước mà cần phải làm cho tiến trình xử lý phế thải trên toàn cầu an toàn và sạch hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận