Theo hãng tin AFP, Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh cấm chuyển tiền mặt ra nước ngoài và các nhà xuất khẩu sẽ phải giữ 80% dự trữ của họ bằng đồng nội tệ. Đồng nghĩa các tập đoàn lớn như tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga sẽ phải bán ngoại tệ.
Truyền hình nhà nước Nga phát hình ảnh Tổng thống Nga đã có cuộc họp với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, người đứng đầu ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Nga – Sberbank và Ngân hàng trung ương Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - AFP
Quyết định trên được đưa ra sau khi các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt cuối tuần qua đã khiến đồng ruble giảm giá xuống mức thấp kỷ lục.
Theo CBS News, đồng ruble có lúc giảm khoảng 30% so với đồng USD, đến mức giá trị chưa bằng 1 cent của Mỹ sau khi Mỹ, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh thông báo đưa các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và hạn chế việc sử dụng dự trữ nguồn ngoại tệ lớn của Nga.
Người phát ngôn điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết: “Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga rất nặng nề nhưng nước Nga có đủ năng lực cần thiết để bù đắp thiệt hại”.
Ngay sau đó, ngân hàng trung ương Nga có động thái khẩn, tăng tỉ lệ lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% và đồng ruble đã phục hồi phần nào nhưng vẫn ở mức thấp kỷ lục 105,27 ruble đổi 1 USD, giảm so với mức 84 rubles đổi 1 đồng USD cuối tuần trước.
Đồng nghĩa, tại thời điểm tỉ giá 105,27 ruble đổi 1 USD, người Nga sẽ phải chi 4.500 ruble để đổ đầy 1 bình xăng 12 gallon (55 lít), dựa trên giá xăng trung bình tại Mỹ 3,6 USD/1 gallon.
Trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, tỉ giá đồng ruble là 83 so với 1 USD đồng nghĩa, chi phí mua 1 bình xăng 12 gallon là 3.870 ruble.
Ngoài ra, khi ngân hàng tại Nga tăng lãi suất cơ bản, theo hãng tin AP, nhiều ngân hàng, cây ATM tại Nga diễn ra tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đợi rút tiền, nhiều cây ATM hết tiền.
Chính phủ Nga cũng cảnh báo người dân có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính như Apple Pay, Google Pay và Samsung Pay.
Một số quốc gia như Mỹ, Anh, Canada cũng như Liên minh châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt mạnh tay nhằm vào hệ thống ngân hàng, năng lượng, các cá nhân lãnh đạo Mỹ. Trong số đó có một số lệnh trừng phạt như loại ngân hàng Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế SWIFT, chặn việc xuất/nhập khẩu.
Hiện nay, các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Dự kiến, cuối tuần này, Thụy Sĩ cũng cho biết sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt về ngân hàng, tài chính tương tự như Liên minh châu Âu (EU).
Ông David Feldman Giáo sư kinh tế tại Đại học William & Mary cho biết, nếu các lệnh trừng phạt kinh tế có thể tàn phá giá trị đồng ruble nói riêng và kinh tế Nga nói chung, Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài giải cứu nền kinh tế.
“(Các biện pháp trừng phạt) sẽ nhanh chóng làm xáo trộn nền kinh tế Nga. Tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều sẽ khiến chi phí nội địa (tính theo tiền tệ) tăng vọt. Cách duy nhất để ngăn chặn nó là tăng mạnh trợ cấp”. ông Feldman nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận