Hạ tầng

Đồng Tháp đang cất cánh trên bệ phóng hạ tầng giao thông

28/02/2023, 07:00

Trong tháng 6, Đồng Tháp sẽ khởi công tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, nối các con đường trong tỉnh với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về hiện trạng và quy hoạch hạ tầng giao thông của tỉnh - "mũi đột phá" làm bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Tháp những năm qua có thay đổi rõ rệt. Thưa ông, vậy bản đồ giao thông ở Đồng Tháp hiện nay như thế nào?

Đúng là diện mạo giao hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Tháp hiện nay có những thay đổi vượt bậc, có thể nói là bứt phá.

Cụ thể, một số dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác như tuyến N2 kết nối 2 tỉnh Đồng Tháp - Long An, tuyến N2B nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống. Đây là 2 công trình trọng điểm quốc gia, bắc qua sông Tiền và sông Hậu, là công trình đột phá trong kết nối vùng thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây của đất nước.

img

Ông Huỳnh Minh Tuấn (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến khảo sát tuyến đường tỉnh đoạn Tam Nông - Trường Xuân (Đồng Tháp) - Ảnh: Báo Đồng Tháp

Song song đó là đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) đang trong giai đoạn thi công, chắc chắn hoàn thành trong năm nay.

img

Tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu nối vào cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến khởi công trong tháng 6/2023

Tỉnh cũng nâng cấp hoàn thiện tuyến Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Xây dựng tuyến tránh Hồng Ngự là niềm mong ước nhiều năm của bà con tỉnh Đồng Tháp, bởi đây là vùng căn cứ cũ, xa xôi và khó khăn.

Bên cạnh đó là việc hoàn thành và đưa vào khai thác 12 công trình, dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Nổi bật là nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.848, ĐT.849, ĐT.846 đoạn Mỹ An - Bằng Lăng, dự án Hạ tầng giao thông kết nối Du lịch và Nông nghiệp tỉnh, tuyến ĐT.852B đoạn ĐT.849 đến ĐH.64, tuyến ĐT.846 đoạn QL.30 -Tân Nghĩa, nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.841 kết nối với cửa khẩu Quốc tế Thường Phước…

- Quy hoạch hạ tầng trong tương lai kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM ra sao, thưa ông?

Quy hoạch giao thông tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mấy điểm nổi bật.

Về tính chất kết nối vùng, chủ yếu là các tuyến cao tốc, quốc lộ như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ, tuyến tránh QL.30 thành phố Cao Lãnh, Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, Quốc lộ N1 qua địa bàn tỉnh và cầu Tân Châu - Hồng Ngự bắc qua sông Tiền.

Ngoài ra, nâng cấp đồng bộ các cầu tuyến quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự, dự án cầu Ô Môn và tuyến kết nối Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang), nâng cấp các tuyến địa phương thành quốc lộ 30B, 30C và 80B.

Về hệ thống đường tỉnh, sẽ tiếp tục duy trì các tuyến kết nối liên tỉnh đang có, đầu tư xây dựng các tuyến mới kết nối với tỉnh Long An (ĐT.842, ĐT.845, ĐT.857), kết nối tỉnh Tiền Giang (ĐT.846), kết nối tỉnh An Giang (ĐT.848), kết nối tỉnh Vĩnh Long (ĐT.854), kết nối thành phố Cần Thơ (ĐT.853) và kết nối với Campuchia (ĐT.841).

img

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối Đồng Tháp - An Giang là công trình trọng điểm quốc gia trên tuyến huyết mạch N2

Với các định hướng như trên, trong tương lai không xa, hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của Đồng Tháp cơ bản hoàn thiện, các trục giao thông trọng điểm quốc gia được thông suốt, kết nối giao thông vận tải thuận lợi.

Đó sẽ làm tiền đề để tỉnh Đồng Tháp kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi kỳ vọng trên bệ phóng đó, Đồng Tháp trở mình, vươn lên thành một trong những tỉnh phát triển top đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vươn xa hơn nữa trong tương lai.

- Với quy hoạch giao thông toàn diện đó, tỉnh ưu tiên những phần việc nào trước?

Việc triển khai các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 được xem là nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành các kết luận và kế hoạch thực hiện.

Mục tiêu tổng quát là nhằm phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiệu quả, phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đô thị, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đến hiện tại, gần như tất cả các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh đã được khởi công và triển khai thi công. Đặc biệt là tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được Trung ương giao tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Với quyết tâm cao của tỉnh, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho dự án cơ bản hoàn thành, dự kiến trong quý II năm 2023 sẽ được khởi công và quyết tâm hoàn thành năm 2026.

img

Tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ tạo ra sức bật về phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh đó, tỉnh luôn chủ động, tích cực phối hợp tốt với Trung ương để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh.

Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đến nay đã nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đại hội Tỉnh đảng bộ Đồng Tháp khoá XI, xin ông cho biết những phần việc về giao thông đã được thực hiện với kết quả như thế nào?

Đến hôm nay, các chủ trương, quyết sách về giao thông đã được kết luận trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện.

Tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1, dự án thành phần 1). Đến nay, dự án đã được phê duyệt, dự kiến trong quý II năm 2023 (tháng 6) sẽ khởi công.

Đồng Tháp đã hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh, công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020 với 12 dự án; khởi công và thi công được 8/11 công trình, dự án thuộc các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.

Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện 3 Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của 3 thành phố, trong đó thực hiện chỉnh trang đô thị, đầu tư, nâng cấp cải tạo các tuyến giao thông đô thị, trong đó đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị tại 3 thành phố của tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã hỗ trợ các địa phương với nguồn vốn 815 tỷ đồng đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường huyện, để hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay đã có 103/115 xã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, đang tiếp tục duy trì, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về nông thôn mới nâng cao: 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 huyện đạt huyện nông thôn mới và 3 thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Xin cảm ơn ông!

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 4 tuyến quốc lộ với chiều dài 248km, 17 tuyến tỉnh lộ dài 379km, 90 tuyến đường huyện dài 925km; đường xã, GTNT dài 1922km.

Ngoài ra, còn 456km đường đô thị, tỷ lệ nhựa - cứng hóa trên toàn tỉnh tính bình quân đạt 79,2%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.