Hạng mục cống Phú Xuân đạt 97% khối lượng công việc
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Dự án hiện đã gần về đích nhưng đang gặp vướng mắc. Nhà đầu tư cho biết, với tình hình hiện nay, họ chỉ có thể cầm cự được hai tháng nữa và nếu khúc mắc không được giải quyết, hệ lụy sẽ rất lớn.
Dự án tắc khi đã gần xong
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 93% khối lượng công việc.
Cụ thể, tại cống kiểm soát triều Bến Nghé đạt 94% khối lượng, đã thi công xong thân cống, đang lắp đặt cửa van cống. Cống Tân Thuận đạt 96%, đã thi công hoàn thiện âu thuyền, buồng bơm, bến neo (phía quận 7), trụ tháp, cầu công tác, dầm van, lắp đặt xong cửa van chính.
Các hạng mục khác như cống Phú Xuân đạt 97%, đã thi công xong trụ pin và trụ tháp, dầm van, cầu công tác, 2 cửa van cũng đã lắp đặt xong.
Cống Mương Chuối đạt 92%, đã thi công xong các trụ pin, tháp van, âu thuyền, cầu công tác, lắp đặt xong 4 cửa van chính.
Cống Cây Khô đạt 91%, đã hoàn thành các hạng mục trụ pin, dầm đáy, âu thuyền, cầu công tác, lắp đặt xong 2 cửa van chính.
Cống Phú Định đạt 96%, đã thi công xong âu thuyền, buồng bơm, trụ tháp, dầm van, lắp đặt xong cửa van chính.
Riêng hạng mục đê kè, hiện mới hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc. Các tuyến đê bao ĐB 1, 2 và 3 đã xong; tuyến ĐB 4 đang thi công dở dang.
Dự án này được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cấp vốn hơn 7.094 tỷ đồng (tương ứng khoảng 80% giới hạn số tiền cho vay được phê duyệt). Dư nợ đến hạn phải trả (15/11/2020) là hơn 2.639 tỷ đồng.
BIDV và nhà đầu tư đã gửi công văn đề nghị UBND TP HCM bố trí vốn thanh toán dư nợ trong tháng 11 nhưng chưa được giải quyết. Do đó, dự án có nguy cơ bị treo do chưa được UBND TP ký kết phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành dự án.
Theo tìm hiểu của PV, phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian hoàn thành dự án đã hết hạn từ ngày 26/6. Tổ đàm phán đã thống nhất một số nội dung của phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện dự án từ ngày 24/9. Tuy nhiên, người được giao ký phụ lục hợp đồng BT này là Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM vẫn chưa đồng ý ký.
Trước đó, dự án đã được ký phụ lục hợp đồng lần 1. Lần ký phụ lục hợp đồng thứ 2 này gần như chỉ có tính chất gia hạn thêm hợp đồng nhưng phía Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM lại yêu cầu đơn vị thi công phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án.
Đòi dừng dự án nếu không cấp tiền
Hiện dự án đã hoàn thành hơn 90%, nhưng lại “tắc” vì nhà đầu tư chưa ký được phụ lục gia hạn hợp đồng, gây lãng phí lớn (Trong ảnh: Cống Mương Chuối đã đạt 92% khối lượng công việc)
Theo Trungnam Group, hợp đồng BT được ký kết giữa UBND TP và nhà đầu tư từ năm 2015 thì TP HCM sẽ chi trả cho nhà đầu tư tối thiểu 16% bằng đất và 84% bằng tiền (trong tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP lo ngại thiếu quỹ đất. Sở không ký mà gửi văn bản lên UBND TP HCM để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay, không có phụ lục hợp đồng, chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai vì sẽ dẫn đến những hệ lụy về pháp lý như không mua được bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước ngưng tái cấp vốn cho Ngân hàng BIDV để giải ngân cho dự án…
Dự án chống ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), khởi công từ tháng 6/2016.
Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với quy mô: 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.
Hồi tháng 4/2018, dự án phải dừng thi công trong gần một năm vì các lý do: Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn không giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn); liên danh tư vấn tố cáo chủ đầu tư sử dụng vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không đúng tiêu chuẩn từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.
Tái khởi động vào tháng 2/2019, phía chủ đầu tư cam kết hoàn thành dự án vào cuối năm 2019, đưa vào vận hành trong quý I/2020 nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2019. Khi đó, lãnh đạo các quận, huyện đã cam kết với UBND TP sẽ giao mặt bằng sạch cho Trungnam trước ngày 30/6/2019. Tuy nhiên, mặt bằng không được giao đúng hẹn cho đơn vị thi công.
Hiện nay, mỗi ngày Trungnam đang phải bỏ ra khoảng 200 triệu đồng để duy trì nhân lực, phương tiện chờ thi công, đó là chưa tính đến lãi suất ngân hàng.
“Đơn vị chỉ gồng được tối đa 2 tháng nữa, nếu phụ lục hợp đồng không được ký kết, chúng tôi phải buộc dừng thi công dự án”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết thêm, nếu tiếp tục thi công liền mạch, khoảng 3 tháng nữa, dự án chống ngập sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Còn trong trường hợp TP HCM không ký kết phụ lục hợp đồng, dự án phải buộc dừng thi công. Nếu muốn khởi động lại, phải mất khoảng 4 tháng để huy động nhân lực, phương tiện và mất thêm 6 tháng để hoàn thành.
Đại diện Trungnam Group cho rằng, nếu dự án bị “đắp chiếu” sẽ ảnh hưởng lớn đến việc giảm ngập cho TP HCM, nghĩa là TP sẽ còn chịu ngập kéo dài. Hoặc giả nếu dự án tiếp tục kéo dài thời gian thi công thì chi phí lãi vay và các chi phí khác sẽ phát sinh. Những phát sinh bất hợp lý đó sẽ dẫn đến tổng vốn đầu tư vượt thẩm quyền quyết định của UBND TP.
Một hệ lụy khác là nếu Ngân hàng Nhà nước ngừng tái cấp vốn hơn 1.800 tỷ đồng còn lại cho dự án thì việc tìm nguồn vốn khác không khả thi, dự án sẽ bế tắc; bảo hiểm của dự án đã hết hạn và nguy cơ mất an toàn công trình, giao thông thủy ngày càng cao.
“Từ giữa tháng 11/2020, nhà đầu tư đã gửi văn bản lên UBND TP HCM xin dừng thi công. Trong trường hợp không tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhà đầu tư sẽ bàn giao lại hiện trạng dự án cho thành phố”, ông Tâm Tiến nói.
Vì sao tiếp tục “đẩy việc” lên Thủ tướng?
Trước đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án chống ngập, UBND TP HCM đã nhiều lần chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ngày 15/10, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP về việc ký kết phụ lục hợp đồng BT. Nếu làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 23 HĐND TP HCM khóa IX sáng 7/12, ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM bày tỏ kỳ vọng về dự án chống ngập sẽ về đích đúng hẹn và phát huy hiệu quả. Ông Nhân kỳ vọng, cùng với dự án đường sắt đô thị, dự án chống ngập sẽ tạo nên sự thay đổi trong hạ tầng của TP.
Để tìm hiểu thông tin, PV Báo Giao thông đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện liên hệ với lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM, tuy nhiên không nhận được phản hồi từ Sở.
Sau nhiều lần tiếp cận nhưng không được gặp để có câu trả lời cho những vướng mắc quanh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, Báo Giao thông đã có công văn đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cung cấp thông tin về lý do chưa ký kết phụ lục hợp đồng.
Trong đó, có đề cập đến việc Sở Kế hoạch - Đầu tư lần lữa thực hiện chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan về ký kết phụ lục hợp đồng BT; hay việc hợp đồng BT của dự án này được ký kết có hình thức thanh toán bằng tiền là 84% và 16% từ đất (trong tổng số vốn gần 10 nghìn tỷ đồng), Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng do thiếu quỹ đất nên chưa ký phụ lục hợp đồng. Vì sao năm 2015, TP HCM ký hợp đồng với nhà đầu tư đã thống nhất các nội dung này, nhưng đến nay lại thay đổi?
Mặt khác, dù từ năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trong đó nêu rõ dự án do UBND TP HCM là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư nên UBND TP HCM có trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án. Vậy nhưng không hiểu sao Sở Kế hoạch - Đầu tư vẫn gửi văn bản lên UBND TP HCM để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế:
Còn chậm còn đội vốn, lãng phí
Dự án chống ngập là một trong những dự án trọng điểm của TP HCM có số vốn rất lớn, khi gần về đích lại bị dừng thi công vì vướng thủ tục pháp lý.
Tôi có cảm giác những người có trách nhiệm “sợ trách nhiệm” nên không ai dám ký. Giữa một thành phố văn minh hiện đại mà đâu đâu cũng ngập, đó là điều đáng buồn. Chẳng lẽ cả chục triệu dân thành phố cứ phải gánh chịu mãi vấn nạn ngập nước chỉ vì một vài người sợ trách nhiệm?
Giả sử dự án bị treo vô thời hạn thì vô cùng lãng phí. Nhà nước không chỉ mất đi ngần ấy tiền mà những khối bê tông kia còn gây ra rất nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất ATGT thủy, mất mỹ quan. Và trên hết, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với chính quyền.
Còn nếu không bị treo, nhưng tiếp tục chậm tiến độ, dự án sẽ đội vốn, đó là điều không thể tránh khỏi. Lúc đó, chắc chắn những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận