Xã hội

Dự án biến sông Tô Lịch thành nơi du lịch văn hoá, tâm linh có gì đặc biệt?

17/09/2020, 18:32

JVE đề xuất các giải pháp cụ thể làm "hồi sinh" sông Tô Lịch, đồng thời phát triển du lịch trên giá trị lịch sử, văn hoá, tâm linh...

img
Phối cảnh theo đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử, văn hoá, tâm linh

Cách nào “hồi sinh” sông Tô Lịch?

Theo CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE, đơn vị vừa đề xuất với thành phố Hà Nội “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”, nhiều năm qua, sông này luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.

Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, để có thể làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: Thu gom nước thải; Cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; Xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối; Xử lý tầng bùn đáy; Xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; Thoát nước chống ngập khi mưa bão; Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; Phát triển du lịch...

Việc xây cống bao thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch giúp không làm gia tăng trạng thái ô nhiễm, nhưng phần bên trong lòng sông vẫn chưa xử lý được do tầng bùn hữu cơ ô nhiễm, khí độc bốc mùi hôi thối.

img
Hình ảnh mô phỏng “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”.

Ngoài ra, chuyên gia cũng lo ngại về việc cấp nước cho sông Tô Lịch (sau khi đã thu gom hết nước thải) bằng phương pháp đóng cửa đập Thanh Liệt để dâng nước làm sông Tô Lịch như một "hồ dài cảnh quan".

Theo chuyên gia Nhật Bản, khi đó nước trong "hồ Tô Lịch" sẽ không được lưu thông, nước tĩnh và tù túng, từ đó phát sinh ô nhiễm và biến thành một "hồ tù" nếu như không có giải pháp như áp dụng công nghệ sục khí nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4... .

Bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh và phát triển du lịch như thế nào?

Theo phương án JVE đề xuất, sông Tô Lịch sẽ được kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay. Dọc hai bên sông là hàng cây, những thảm thực vật, đường đi dạo. Trên sông có dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách thăm quan, chiêm ngưỡng...

img
Phối cảnh hai bên bờ sông Tô Lịch sau khi được cải tạo.

Dọc theo bờ sông dài 15km sẽ tái hiện lại các giai đoạn lịch sử từ thời Lạc Long Quân - Âu Cơ, Vua Hùng dựng nước Văn Lang đến các triều đại nhà Lý, Trần, Hậu Lê...

Bên cạnh đó, “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” là nơi mà mỗi người dân Thủ đô nói riêng, nhân dân cả nước nói chung được thực hành văn hóa “phân loại và vứt rác kiểu Nhật Bản”, trải nghiệm các bãi đỗ xe thông minh kiểu Nhật Bản, cũng như là nơi diễn ra các lễ hội văn hóa vào các dịp lễ kỷ niệm trong năm.

img
Cảnh quan người dân dạo mát hai bên bờ sông Tô Lịch tương lai.

Hệ thống giao thông như tàu điện, xe buýt trung chuyển hay những tuyến đường bộ giúp cho du khách dễ dàng di chuyển khi đến với công viên Tô Lịch. Hệ thống bãi đỗ xe tự động, tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ Nhật Bản sẽ góp phần giảm chi phí điện chiếu sáng cho hệ thống đèn ở công viên.

Suốt dọc dòng sông có xây dựng các "Lầu Thủy Đình" hay còn gọi là "Lầu Vọng Nguyệt" để du khách có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch tâm linh tới các đền, chùa, thăm quan vãn cảnh trên thuyền rồng bắt đầu từ khu "Lầu Vọng Nguyệt" thời nhà Lý cho đến cuối sông.

img
Cảnh quan khu vực “Lầu Vọng Nguyệt” triều đại nhà Lý.

Đặc biệt, suốt dọc dòng sông có tượng đài của các vị vua sáng lập nên các triều đại trong lịch sử, khu vực quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị anh hùng dân tộc để người dân có thể tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân, vĩ nhân...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.