Cống Cây Khô nhìn từ trên cao |
Với quyết tâm đó, dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn I được khởi công ngày 26/6/2017.
Đến nay, sau 18 tháng thi công, phần xây lắp của 3/6 hạng mục dự án đã hoàn thiện đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Điển hình như, tại cống kiểm soát triều Phú Xuân, phần xây lắp ba trụ pin chính của hạng mục đã hoàn thành. Còn tại cống Mương Chuối, 5 trụ pin với chiều cao 21 - 22m đã thành hình trên mặt sông Mương Chuối, đạt 75% tiến độ.
Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn I, ngay từ đầu đã được xác định rõ bốn mục tiêu quan trọng, đó là: Chống ngập do triều cường; Điều tiết mực nước kênh rạch, hỗ trợ cải thiện quy hoạch 752; Đảm bảo giao thông thủy; Cải tạo cảnh quan, cải thiện môi trường.
Trong đó, mục tiêu thứ nhất được xác định: “Kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm TP.HCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn.” Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam BT 1547 khẳng định, khi dự án vận hành sẽ hoàn toàn giải quyết tình trạng ngập do triều cường cho TP.HCM…
Đối với mục tiêu thứ hai của dự án, máy bơm công suất lớn chính là yếu tố then chốt và được xác định một phân mục quan trọng thuộc 3/7 hạng mục lớn của dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM. Các cống kiểm soát triều được lắp đặt 9 máy bơm, tổng công suất 54m3/s tại các cống kiểm soát triều Bến Nghé, Phú Định, Tân Thuận. Trong tình huống mưa lớn, kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch. Sau khi các van cống được đóng lại hoàn toàn, các máy bơm tiến hành bơm nước trực tiếp từ bên trong kênh rạch nội đô, đổ ra sông lớn nhằm điều tiết cao trình mực nước thấp hơn cao trình 1.3 - 1.5m của hệ thống cống thoát nước đô thị (thuộc quy hoạch 752).
Khi mực nước kênh rạch nội đô thấp hơn cao trình 1.3 - 1.5m, nước mưa sẽ theo hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch và hệ thống máy bơm công suất lớn tiếp tục hỗ trợ cho thoát nước đô thị (QH752) bằng cách bơm nước ra sông ngòi. Quá trình sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi các hiện tượng cực đoan liên quan đến mưa và triều cường chấm dứt. Quá trình này đã tạo nên điểm khác biệt cho dự án giải quyết ngập triều mà các dự án chống ngập trong quá khứ chưa hoàn thiện được.
Bên cạnh các cửa van và hệ thống máy bơm công suất lớn được lắp đặt tại các vị trí cống quan trọng. Các kỹ sư thực hiện dự án giải quyết ngập do triều của doanh nghiệp dự án Trungnam BT 1547 cũng tính toán đến giải pháp giao thông thủy khi dự án đi vào vận hành chính thức. Khi các van cống ở toàn bộ 6 hạng mục cống ngăn triều lớn mở hoàn toàn, tàu thuyền trên sông sẽ lưu thông bình thường. Trong trường hợp triều cao, mưa lớn diễn ra, hệ thống 6 cống ngăn triều đóng hoàn toàn, lúc này, hệ thống giao thông thủy sẽ vẫn tiếp tục diễn ra thông qua các âu thuyền. Các âu thuyền này được thiết kế với bề rộng 15m, buồng âu dài 100m, hai đầu âu thuyền được thiết kế cửa âu, van phẳng quay theo trục đứng. Các âu thuyền vận hành đóng mở lần lượt. Mở cửa cho thuyền bè chờ trong buồng âu; đóng cửa và điều tiết mực triều bên trong buồng âu phù hợp với mực triều bên ngoài; mở cửa van còn lại cho thuyền đi vào khu vực. Hệ thống âu thuyền hoạt động tương tự với âu thuyền tại kênh đào Panama (điều tiết mực nước khác nhau giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương).
Ở TP.HCM vào mùa khô, mức triều trên các sông xuống thấp gây nên tình trạng cạn trơ đáy. Sông kênh cạn kết hợp với nắng nóng gây nên mùi tanh và hôi thối. Để khắc phục tình trạng trên, các van cống của dự án đóng lại, hoàn toàn khép kín, cô lập toàn bộ hệ thống kênh rạch thuộc khu vực 570 km2 ở bờ hữu sông Sài Gòn. Nhờ đó, đã cải tạo được cảnh quan, cải thiện môi trường.
Ngoài ra, đối với các diễn biến cực đoan của môi trường, dự án còn giúp phòng tránh, hạn chế khả năng xâm thực, xâm nhập mặn trong trường hợp nước biển dâng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận