Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu nối hai tỉnh Sóc Trăng - Trà Vinh là công trình giao thông quan trọng, cấp bách nhưng thủ tục triển khai dự án đang gặp nhiều vướng mắc xuất phát từ phía nhà tài trợ vốn chậm trễ tuyển chọn tư vấn hỗ trợ kỹ thuật.
Phối cảnh cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu trên QL60 nối hai tỉnh Sóc Trăng - Trà Vinh
Dự án chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang ODA
Trong lịch sử ngành cầu đường Việt Nam hiếm có công trình nào trắc trở như dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu trên QL60 nối hai tỉnh Sóc Trăng - Trà Vinh.
Xác định đây là công trình quan trọng, cấp bách nên ngay từ đầu năm 2015, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép lập dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi tại Văn bản 1769 ngày 7/10/2015.
Theo đó, dự án được đề xuất đầu tư gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp phần 2 đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 20216 - 2020.
Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển theo hình thức BOT nên cuối năm 2016, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư dự án sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Sau khi Chính phủ chấp thuận vào đầu năm 2017, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 7 tổng hợp, cập nhật các nghiên cứu của tư vấn trong nước, tư vấn Nhật Bản, ý kiến các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đến ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi được phê duyệt có chiều dài toàn tuyến khoảng 15,2km, gồm: 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2.240m và cầu Đại Ngãi 2 dài 860m; 5 cầu trung, nhỏ và đường dẫn, tổng mức đầu tư khoảng 8.040 tỷ đồng.
Đề nghị JICA sớm triển khai hỗ trợ kỹ thuật
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA 7 cho biết, dù dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng các thủ tục triển khai tiếp theo đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sự chậm trễ trong việc tuyển chọn tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi xuất phát từ phía nhà tài trợ (JICA).
Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, ngày 7/10/2020, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đã có công thư gửi đến Bộ GTVT cho biết, cơ quan này dự kiến bắt đầu triển khai nghiên cứu dự án vào quý 1/2021.
Tuy nhiên, trong văn bản vừa gửi đến JICA hôm 18/8/2021, Bộ GTVT nêu rõ: “Đến thời điểm này, Bộ GTVT vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ phía JICA về thời gian và tiến độ triển khai khảo sát, thu thập số liệu và nghiên cứu trong khi mùa mưa đã đến gần, khả năng tiếp cận vốn vay tài khóa 2021 cho dự án khó thực hiện”.
Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có quy mô nhịp dây văng lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nằm trong khu vực địa chất yếu gần cửa biển có vận tốc gió lớn. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị JICA sớm triển khai công tác khảo sát, thu thập số liệu, nghiên cứu kỹ thuật hỗ trợ Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trước mùa mưa vào đầu tháng 9/2021.
“Trường hợp JICA không thể triển khai công tác hỗ trợ nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thu dự án cầu Đại Ngãi trong tháng 10/2021, đề nghị JICA sớm có ý kiến để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có phương án sớm đầu tư dự án”, Bộ GTVT nêu rõ.
Thông tin thêm với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA 7 cho biết, trường hợp JICA sớm triển khai công tác khảo sát, thu thập số liệu, nghiên cứu kỹ thuật vào đầu tháng 9/2021, dự án sẽ hoàn thành việc trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý 2/2022.
Tiếp đó, từ quý 3/2022 - quý 1/2023 hoàn thành đàm phán ký kết hiệp định vay và công tác thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu; tổ chức đấu thầu quý 2 - quý 3/2023, đầu quý 4/2023 có thể khởi công cầu Đại Ngãi và hoàn thành năm 2026.
Lợi lớn khi đưa cầu Đại Ngãi vào khai thác
Đại diện Ban QLDA 7 cho biết, cầu Đại Ngãi là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nối thông toàn tuyến QL60, xóa cảnh qua sông phải lụy phà cho người dân hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.
Đặc biệt, khi đưa cầu Đại Ngãi vào khai thác sẽ phá bỏ thế độc đạo của tuyến QL1, giảm thời gian di chuyển và rút ngắn khoảng cách 80km cho phương tiện di chuyển từ Cà Mau, Bạc Liêu với TP.HCM.
“Hiện nay, trên QL60 đã có 3 cây cầu lớn được đầu tư xây dựng và đang khai thác gồm: Rạch Miễu (Tiền Giang - Bến Tre), Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh). Sau khi, cầu Đại Ngãi được đầu tư xây dựng sẽ xóa bỏ ngăn cách giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, nâng cao năng lực vận tải và góp phần phát triển KT-XH cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, đại diện Ban QLDA 7 chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận