Chủ đầu tư bác kết luận của TTCP!
Dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng có tên thương mại là Marina Complex,, nằm ngay cửa sông Hàn dưới chân cầu Thuận Phước. Dự án có tổng diện tích 11,7ha, quy mô: 206 căn (bao gồm: 128 căn nhà phố và 78 căn biệt thự).
Ban đầu dự án được giao cho Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án. Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất Động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.
Liên quan đến dự án bất động sản (BĐS) và bến du thuyền Đà Nẵng (dự án Marina Complex) tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) lấn sông Hàn có nhiều sai phạm gây xôn xao dư luận, ngày 17/4, bà Trương Thị Thêu - Phó giám đốc Công ty TNHH bến du thuyền Đà Nẵng ký văn bản gửi các cơ quan báo chí và cho rằng báo chí phản ánh các sai phạm chưa đúng sự thật về dự án này.
Trước đó, kết luận 354 ngày 18/3/2019 của TTCP về việc "chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng" đã nêu rõ, dự án BĐS và bến du thuyền Đà Nẵng được giao/ cho thuê không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm điều 58 Luật đất đai năm 2013.
Ngoài ra, TTCP cũng kết luận, UBND TP Đà Nẵng chưa kịp thời xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết đối với dự án nêu trên. Cụ thể, dự án này tăng thêm 1.047m2.
Đồng thời, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với phần đất tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch của dự án BĐS và bến du thuyền Đà Nẵng.
Tuy nhiên, văn bản do bà Trương Thị Thêu ký phản bác thông tin Thanh Tra Chính Phủ (TTCP) kết luận sai phạm tại dự án này, và cho rằng thông tin mà báo chí phản ánh (theo kết luận của TTCP) là sai sự thật.
"Dự án chúng tôi không hề sai phạm lý do 1.047m2 chưa nộp hoặc làm cây xanh, là chúng tôi có thiện chí, đã vì lợi ích cộng đồng đã tự nguyện xin điều chỉnh quy hoạch từ khu ở VIP khép kín thành khu mở, chúng tôi bằng kinh phí của doanh nghiệp tự nguyện thực hiện thi công giao thông, cây xanh và giao lại cho nhà nước quản lý và cho toàn bộ cộng đồng được hưởng chung...", văn bản này nêu.
Dự án không lấn sông, không ảnh hưởng dòng chảy?
Theo tìm hiểu của PV, tháng 9/2017, dự án Marina Complex từng bị Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà tạm dừng thi công do công trình này chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng một phần kè bao và san nền dự án. Tuy nhiên, 1 tháng sau đó, vào ngày 27/10/2017, ĐTM dự án được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Thông tin từ Công ty TNHH bến du thuyền Đà Nẵng cũng cho rằng, dự án BĐS và bến du thuyền Đà Nẵng "hoàn toàn không lấn sông", không làm ảnh hưởng dòng chảy mà chỉ thi công tiếp tục để hoàn thành theo các thiết kế đã được thẩm định, nối tiếp đoạn kè nhà nước đã thi công hơn 5.200m.
"Chúng tôi thi công tiếp, có ranh mốc giới của Viện Quy hoạch và các sở ban ngành liên quan tổ chức giao ranh mốc, mốc giới và có tư vấn giám sát của Sở GTVT giám sát từng ngày trong suốt quá trình thi công", văn bản bà Thêu ký cho biết.
Trong khi đó, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, dự án được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch lần đầu vào ngày 26/1/2011, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong trình đê, kè Mân Quang trở vào trong, tổng diện tích dự án hơn 17,5 ha, trong đó diện tích đất phần đất liền hơn 10,5 ha, diện tích lấn sông hơn 6,3 ha. Khu vực phía sông quy hoạch 13 khối tháp cao tầng (từ 16 - 33 tầng) và các công trình bảo dưỡng du thuyền; đất công viên, cây xanh: hơn 0,7ha.
Sau nhiều lần quy hoạch, tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn hơn 11,7ha, trong đó diện tích lấn sông giảm từ hơn 6,3ha còn khoảng 1ha. Các hạng mục công trình cũng giảm đi nhưng tăng ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy từ 30m lên 60 - 200m, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy; Tăng diện tích công viên, cây xanh...
Theo KTS Hồ Duy Diệm - Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam (nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng), dự án lấn sông không ảnh hưởng là không đúng. Việc lấn sông Hàn làm dự án sẽ gây hậu quả nặng nề nhất là vào mùa mưa lũ.
“Nếu đắp bờ lấn sông thì mặt cắt nhỏ đi, tất nhiên sẽ xảy ra đào phá bờ sông bên kia để đủ mặt cắt ướt. Hoặc nước sẽ dâng cao tràn ngược cống vào trong gây ngập phía thành phố. Thi công chỗ này khiến nước không phá được thì nó sẽ phải phá chỗ khác để lập lại cân bằng tự nhiên, yếu chỗ nào nó phá chỗ đó”, KTS Hồ Duy Diệm cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận